Cơ hội được hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn chuyên sâu cho các doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, hộ kinh doanh

Ngày 15/3, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) chính thức mở Cổng đăng ký tham gia Sáng kiến ESG Việt Nam 2023 – đợt 1 dành cho các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam, hợp tác xã, và hộ kinh doanh.

Đối tượng tham gia Sáng kiến ESG Việt Nam 2023 gồm các doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, và hộ kinh doanh. (Nguồn: Báo Công Thương)

Đối tượng tham gia Sáng kiến ESG Việt Nam 2023 gồm các doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, và hộ kinh doanh. (Nguồn: Báo Công Thương)

Sáng kiến ESG Việt Nam 2023 sẽ cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn chuyên sâu có trị giá lên tới 2 tỷ đồng cho Top 3 doanh nghiệp giành chiến thắng chung cuộc cho việc thí điểm, triển khai hoặc nhân rộng các sáng kiến kinh doanh bền vững xuất sắc nhất.

Top 10 doanh nghiệp sẽ được đào tạo/tư vấn chuyên sâu trong 4-6 tuần nhằm nâng cao hiểu biết về mô hình kinh tế tuần hoàn và kinh doanh bao trùm, điều chỉnh/hoàn thiện mô hình kinh doanh lồng ghép các yếu tố ESG, và xây dựng/hoàn thiện kế hoạch triển khai ESG tại doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, tất cả các doanh nghiệp nộp hồ sơ tham gia và đáp ứng các tiêu chí của cuộc thi sẽ được: Đào tạo nâng cao hiểu biết về ESG, các công cụ đánh giá ESG từ góc nhìn của nhà đầu tư, các tổ chức tín dụng, các thị trường xuất khẩu trọng tâm, và các quy định pháp luật liên quan; Hỗ trợ tiếp cận các đối tác trong và ngoài nước ở cả cấp trung ương và địa phương hỗ trợ hệ sinh thái kinh doanh bền vững nhằm phát triển mạng lưới, mở rộng quan hệ đối tác và học hỏi nâng cao kiến thức, kinh nghiệm về áp dụng ESG, kinh tế tuần hoàn và kinh doanh bao trùm; Nâng cao năng lực và khả năng tiếp cận các chương trình hỗ trợ của nhà nước, quỹ đầu tư, tổ chức tín dụng, và các tổ chức khác dành cho doanh nghiệp kinh doanh bền vững tại Việt Nam.

Đối tượng tham gia Sáng kiến ESG Việt Nam 2023 gồm các doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, và hộ kinh doanh: Có không quá 500 nhân viên toàn thời gian; Hoạt động trong các lĩnh vực gồm nông-lâm-ngư nghiệp, công nghiệp chế biến và chế tạo, công nghệ thông tin, logistics, du lịch và sản phẩm hỗ trợ; Có mô hình kinh doanh tuần hoặc hoặc/và kinh doanh bao trùm hiệu quả, tạo ra lợi nhuận; Có kế hoạch chuyển đổi hoặc mở rộng mô hình kinh doanh bền vững; Cam kết hành động để chuyển đổi/nhân rộng sáng kiến kinh doanh bền vững.

Theo lịch trình dự kiến, đào tạo cơ bản cho các doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí sẽ được triển khai từ ngày 17/4/2023. Top 3 sáng kiến xuất sắc nhất giành chiến thắng sẽ được công bố trong tháng 8/2023 và ngay sau đó sẽ triển khai các hoạt động hỗ trợ cho các đơn vị giành chiến thắng.

Được chính thức công bố ngày 22/11/2022, Sáng kiến ESG Việt Nam hướng đến thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm xã hội, còn được biết đến là tiêu chuẩn Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG). Sáng kiến này sẽ giúp các doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã và hộ gia đình áp dụng tiêu chuẩn ESG. Mục tiêu là đến năm 2025, Sáng kiến này sẽ cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật ESG cho 300 doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình, trong đó 10 doanh sẽ nhận được các hỗ trợ bổ sung để thí điểm, triển khai hoặc mở rộng các mô hình kinh doanh ESG sáng tạo.

ESG là một bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng. ESG ra đời từ lâu nhưng việc đầu tư vào các doanh nghiệp tuân thủ ESG vẫn luôn nhận được những ý kiến đa chiều suốt nhiều năm. Lợi ích kinh tế đặt lên bàn cân với lợi ích môi trường – xã hội – quản trị khiến việc đầu tư vào ESG - một tiêu chuẩn đầu tư giá trị không được đánh giá quá cao trong thời gian trước. Đại dịch Covid-19 bùng phát vào cuối năm 2019 đã khiến việc phát triển doanh nghiệp bền vững theo các tiêu chí ESG không còn là lựa chọn mà trở thành quyết định mang tính sống còn của doanh nghiệp.

Thông qua sáng kiến này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và USAID kỳ vọng sẽ thúc đẩy đầu tư cho bền vững trong doanh nghiệp tư nhân, qua đó góp phần tăng cường sức cạnh tranh, đặt nền tảng cho sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, và tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Sáng kiến ESG Việt Nam là một phần của Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPSC). Dự án có mục tiêu tháo gỡ các hạn chế về chính sách, thị trường và ở cấp độ doanh nghiệp gây cản trở sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng, bao gồm những doanh nghiệp do phụ nữ và nhóm yếu thế làm chủ.

Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPSC) là một dự án do USAID tài trợ và Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, là cơ quan chủ quản. Dự án hướng đến mục tiêu thúc đẩy thực thi các chính sách phát triển khu vực kinh tế tư nhân hiệu quả, góp phần tăng cường năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng của Việt Nam, bao gồm cả các doanh nghiệp do phụ nữ và nhóm yếu thế làm chủ.

Với tổng vốn viện trợ hơn 36 triệu USD và được thực hiện trong thời gian 5 năm (2020-2025), dự án đặt mục tiêu cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho 5.000 doanh nghiệp nhỏ đang tăng trưởng nhằm giúp họ nâng cao năng suất; hỗ trợ 240 doanh nghiệp nhỏ đang tăng trưởng gia nhập thành công thị trường khu vực và quốc tế; 60 doanh nghiệp tiên phong được nhận các gói hỗ trợ tổng thể trị giá tới 150.000 USD để tạo ra sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng và trí tuệ của người Việt Nam, định vị thương hiệu sản phẩm Made by Viet Nam.

Chính thức đi vào thực hiện từ ngày 18/01/2022 đến nay dự án đã cung cấp các gói hỗ trợ cho hơn 2.000 doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng của Việt Nam và đã chọn lựa được 6 doanh nghiệp đầu tiên được nhận gói hỗ trợ dành cho doanh nghiệp tiên phong trị giá tới 150.000 USD.

Cùng với các gói hỗ trợ kỹ thuật về thực hành ESG, trong năm tới, dự án tiếp tục cung cấp gói hỗ trợ kỹ thuật dành cho doanh nghiệp tiên phong và các gói hỗ trợ dành cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh.

(theo USAID)

Ngọc Lan

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/co-hoi-duoc-ho-tro-ky-thuat-va-tu-van-chuyen-sau-cho-cac-doanh-nghiep-tu-nhan-hop-tac-xa-ho-kinh-doanh-220157.html