Cơ hội lớn cho nhà sản xuất

Bộ Công Thương và Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam vừa ký kết Biên bản ghi nhớ nhằm tăng cường sự phối hợp trong việc kết nối, thu mua các sản phẩm, hàng hóa Việt Nam, nhất là nông sản. Theo đó, 90% hàng hóa tại MM Mega Market là hàng hóa Việt Nam. Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - xung quanh vấn đề này.

MM Mega Market (thương hiệu trước đây là Metro) hoạt động đã lâu ở thị trường Việt Nam. Bà đánh giá ra sao về những nỗ lực của doanh nghiệp (DN) này trong việc hỗ trợ tiêu thụ hàng Việt thời gian qua?

MM Mega Market hiện nay và Metro trước đây là một trong những DN rất quan tâm hưởng ứng chính sách của Việt Nam như bảo vệ môi trường, thu mua hàng hóa của Việt Nam. Đặc biệt, từ 3 năm nay, khi chuyển sang cho chủ đầu tư người Thái Lan, đổi tên thành MM Mega Market, chuỗi phân phối này đã cố gắng để làm thế nào thu mua được ngày càng nhiều hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là nông - lâm - thủy sản.

Hiện nay, họ đã thu mua các mặt hàng hàng rau, củ, quả ở Đà Lạt hoặc cá, thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) qua hệ thống thu mua tại Cần Thơ; thịt lợn ở Đồng Nai. Mới đây, họ cũng xây dựng trạm thu mua hoa quả ở Bến Tre để thu mua trái cây ĐBSCL… Hàng nông sản chiếm tỷ lệ rất cao trong hệ thống này. Nhờ tiêu thụ các sản phẩm nông đặc sản này, MM Mega Market đã thu hút được người tiêu dùng và giữ mức doanh thu hàng năm là 11.000 - 12.000 tỷ đồng/năm.

Trong buổi ký kết Biên bản với Bộ Công Thương, MM Mega Market cam kết duy trì tỷ lệ hàng Việt Nam khoảng 90% - tỷ lệ rất cao. Bà đánh giá thế nào về những nỗ lực của DN trong việc góp phần thực hiện thành công Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" sau thập niên đầu tiên được đánh giá là thành công?

Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của DN. Trong bối cảnh Việt Nam đã ký rất nhiều FTA để mở rộng cửa cho hàng hóa nước ngoài, trong đó, có hàng hóa ASEAN, ông Phidsanu Pongwatana - Tổng giám đốc MM Mega Market - khẳng định, tập đoàn thực hiện chủ trương: Xây dựng hệ thống ở đâu, phải có trách nhiệm với cộng đồng ở đó. DN đã hứa, sẽ nâng tỷ lệ hàng Việt trong thời gian tới ở mức 90% và cao hơn, ưu tiên nông - lâm - thủy sản. Chúng tôi ghi nhận điều này và sẽ tiếp tục theo dõi.

Đặc biệt, Biên bản ghi nhớ này cũng thực hiện cam kết của Vụ Thị trường trong nước, Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ với DN để kết nối được các DN, hộ nông dân, hợp tác xã có nguồn hàng chất lượng ổn định. Qua đó, đầu tiên là cung ứng cho người tiêu dùng của Việt Nam thông qua hệ thống ở Việt Nam; sau đó, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài. Tập đoàn này đang sở hữu hệ thống 1.000 siêu thị Big C ở Thái Lan cùng 45 khách sạn trên thế giới, là thị trường rất hấp dẫn mà chúng ta cần quan tâm để kết nối DN vào các kênh này trong bối cảnh đang rất thuận lợi và được họ ủng hộ.

Theo cam kết của Tổng giám đốc MM Mega Market, DN sẽ không chỉ hỗ trợ chúng ta tiêu thụ hàng hóa ở thị trường trong nước mà còn hỗ trợ xuất khẩu ra nước ngoài. Bộ Công Thương có những hỗ trợ gì cho DN Việt Nam để tận dụng được cơ hội này, đưa hàng hóa vào sâu hệ thống của họ?

Sắp tới, Vụ Thị trường trong nước sẽ phối hợp với Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn cho DN về tiêu chí mua hàng của DN bán lẻ FDI như MM Mega Market và các DN khác như AEON, Big C, Lotte… Qua đó, cung cấp thông tin về tiêu chuẩn, tiêu chí, cách cung cấp hàng hóa ra các hệ thống tại ASEAN và thị trường khác mà DN này có hiện diện như Nhật Bản, châu Âu để đạt hiệu quả tối ưu nhất.

Xin cảm ơn bà!

Phương Lan (thực hiện)

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/co-hoi-lon-cho-nha-san-xuat-123742.html