Cơ hội 'ngàn vàng': Nga lẽ ra đã như 'hổ mọc thêm cánh' nếu không vuột mất cơ hội mua 2 tàu sân bay từ NATO?
Nếu thương vụ suôn sẻ, NATO ngày nay sẽ phải đương đầu với mối đe dọa từ bốn tàu sân bay của Nga, thay vì không có gì.
Pháp bán tàu sân bay cho Nga
Không có gì lạ khi các nhà lãnh đạo quốc gia khuất phục trước sự cám dỗ của hợp đồng bán vũ khí béo bở ra nước ngoài, bất chấp những rủi ro về an ninh quốc gia, lợi ích ngoại giao của họ, hoặc của các đồng minh thân cận, theo National Interest.
Vương quốc Anh, Pháp và Mỹ là những quốc gia luôn bảo vệ các bí mật về máy bay chiến đấu và tàu chiến được chế tạo trong các nhà máy phương Tây. Ngay cả khi khách hàng trông có vẻ “an toàn”, việc chuyển giao công nghệ cũng chưa bao giờ được thực hiện bừa bãi.
Tuy nhiên, 5 năm trước, Pháp gần như đã bán cho Nga hai tàu sân bay trực thăng tiên tiến, cũng như chuyển giao công nghệ để Moscow chế tạo thêm hai chiếc nữa. Nếu mọi thứ suôn sẻ, NATO hôm nay có thể phải lên kế hoạch cho mối đe dọa từ bốn tàu sân bay trực thăng của Nga, thay vì không có gì.
Tàu Mistral của Pháp có đầy đủ hầu hết các tính năng mà một quốc gia mong đợi từ tàu tấn công đổ bộ, chỉ ngoại trừ việc chúng chỉ hỗ trợ cho trực thăng thay vì chiến đấu cơ.
Mỗi chiếc có chiều dài bằng hai sân bóng đá với sàn máy bay có thể chứa tới 35 máy bay trực thăng cỡ nhỏ hoặc 16 chiếc cỡ vừa, với các điểm hạ cánh có thể hỗ trợ 6 chiếc cùng một lúc. Chúng có thể được sử dụng cho mục đích săn ngầm, đưa lính bộ binh lên bờ hoặc tấn công các mục tiêu mặt nước.
Ngoài ra, nó có thể chở tới bốn tàu đổ bộ CTM hoặc EDA để mang theo 60 xe chiến đấu (bao gồm cả xe tăng chiến đấu chủ lực) và 450-900 binh sĩ lên bờ, cùng một bệnh viện lớn với 69 giường để điều trị thương vong hoặc di tản.
Mẫu Mistral cũng được trang bị hệ thống liên lạc vệ tinh tiên tiến, hệ thống dẫn đường quán tính laser, radar ba chiều và có không gian trung tâm chỉ huy rộng rãi.
Mistral có giá chỉ bằng một nửa so với tàu đổ bộ lớp Wasp của Hải quân Mỹ, với mức giá khoảng 600 đến 700 triệu USD, và nhờ mức độ tự động hóa cao mà mẫu tàu của Pháp chỉ cần đội thủy thủ đoàn 160 người thay vì 1.000 người như trên chiếc Wasp. Về mặt lý thuyết, Mistral có những tính năng hấp dẫn để xuất khẩu.
Đây là con tàu rất hữu ích cho các nhiệm vụ hòa bình và can thiệp vũ trang. Pháp đã đưa hai tàu đầu tiên là Mistral và Tonnerre vào hoạt động từ năm 2006. Mistral đã di tản các công dân nước ngoài khỏi Lebanon trong cuộc xung đột giữa Israel và Hezbollah năm 2006, trong khi Tonnerre đã vận chuyển quân đội và trực thăng trong sự can thiệp của Pháp vào Nội chiến Ivorian (Chiến dịch Licorne).
Thương vụ đổ bể phút chót
Năm 2009, Nga muốn có tàu sân bay trực thăng nhưng thiếu công nghệ để tự phát triển. Do đó, Moscow đã tìm kiếm một sự lựa chọn mua sắm từ nước ngoài.
Vào tháng 12/2010, mẫu Mistral đã đánh bại con tàu lớp Juan Carlos của Tây Ban Nha để lấy lòng Nga.
Với giá 1,7 tỷ USD, Paris đã đồng ý chế tạo hai tàu Mistral cho Moscow, đào tạo thủy thủ đoàn và sau đó chuyển giao công nghệ để Nga có thể xây dựng thêm hai chiếc nữa. Đây là thỏa thuận vũ khí lớn nhất của phương Tây dành cho Moscow kể từ Thế chiến II.
Thỏa thuận này đã minh họa cho mối quan hệ khá bình yên giữa châu Âu và Nga trước sự kiện Crimea và cuộc khủng hoảng Ukraine. Mặc dù vậy, việc bán Mistral cũng không tránh khỏi bị chỉ trích ở nước ngoài bởi các thành viên NATO.
Với việc Pháp chuyển giao hiệu quả công nghệ đóng tàu, các quan chức Nga tin rằng họ sẽ mất một thập kỷ để phát triển con tàu của riêng mình. Hơn nữa, thỏa thuận này còn bao gồm việc chuyển giao các công nghệ về radar nhạy cảm và các công nghệ về hệ thống chỉ huy và điều khiển, có thể còn giá trị hơn cả bản thân con tàu.
Hai con tàu được đặt tên là Sebastopol và Vladivostok, trang bị vũ khí phòng thủ do Nga chế tạo như tên lửa phòng không tầm ngắn Igla và pháo tự động AGK630.
Quan trọng hơn cả, Hải quân Nga đã lên kế hoạch sử dụng Mistral làm căn cứ cho các máy bay trực thăng hải quân, như trực thăng tấn công Ka-52K, trực thăng tấn công Ka-27, được thiết kế để săn ngầm và trực thăng vận tải Ka-29TB được thiết kế để triển khai quân đội nhanh xuống các bãi đáp nóng.
Nga đã trả trước 893 triệu euro để ký kết thỏa thuận. Chiếc Mistral đầu tiên được ra mắt vào năm 2013 và gần như chắc chắn được giao cho Nga vào tháng 11/2014. Nhưng tháng 2 năm đó, các lực lượng đặc nhiệm và Hải quân Nga chiếm giữ bán đảo Crimea.
Khi quan hệ phương Tây-Nga nhanh chóng xấu đi, Paris đã đóng băng công việc đóng tàu nhưng khẳng định thỏa thuận vẫn còn tiếp tục. Mặc dù vậy, cuộc khủng hoảng trở nên nghiêm trọng hơn và bước ra ngoài sự tính toán của Pháp.
Áp lực bên ngoài buộc Pháp phải hủy bỏ thỏa thuận, vì các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga ngày càng khắt khe và toàn diện hơn. Đã có sự phản đối dữ dội từ bên trong nước Pháp khi thỏa thuận bị hủy bỏ.
Giới phân tích tin rằng, nếu thương vụ không đổ bể, Nga giờ đây đã có tàu sân bay trực thăng có thể hỗ trợ cho các hoạt động ở Biển Đen, vùng Baltic hoặc Scandinavi, và có thể là cuộc chiến ở Syria sau này.
Vào ngày 3/9/2014, Pháp tuyên bố đóng băng công việc đóng tàu. Sau các cuộc đàm phán kéo dài, Paris đã trả lại toàn bộ khoản thanh toán tạm ứng của Moscow và gửi lại thiết bị do Nga chế tạo.
Nga cũng lưu giữ 150.000 trang tài liệu kỹ thuật giúp thiết kế hai tàu sân bay đổ bộ lớp Priboy (Surf) trong nước. Nếu ngân sách được thông qua, các tàu sân bay mới này với tên gọi Sevastopol và Vladivostok, có thể được đưa vào sản xuất từ năm 2020 và 2022.
Sau thỏa thuận bị hủy bỏ không ai mong muốn, Pháp giữ lại hai tàu Mistral neo đậu tại St. Nazaire, tiêu tốn hơn một triệu USD phí bảo trì mỗi tháng.
Cuối cùng, vào tháng 8/2015, Paris đã bán tàu cho Ai Cập với giá hời 950 triệu euro. Hai tàu đã được chuyển cho Hải quân Ai Cập vào năm 2016 và hiện được đặt tên là ENS Anwar El Sadat và Gamal Abdel Nasser.