Cơ hội thay khớp khuỷu cho bệnh nhân viêm khớp dạng thấp
Một bệnh nhân nữ 38 tuổi (Hà Nội), nhưng đã có tới 22 năm 'sống chung' với căn bệnh viêm khớp dạng thấp. Căn bệnh khiến bệnh nhân bị dính khớp khuỷu, bàn tay biến dạng và không thể sinh hoạt bình thường.
Bệnh nhân nhập Bệnh viện Đa khoa St. Paul (Hà Nội) vì cứng hoàn toàn khớp khuỷu trái và biến dạng nhiều khớp ở cả hai tay do bệnh lý viêm khớp dạng thấp (hay còn gọi là viêm đa khớp).
Bệnh nhân phát hiện mắc bệnh viêm khớp dạng thấp khi 16 tuổi. Bệnh nhân đã đi khám và điều trị ở nhiều nơi, sử dụng rất nhiều đợt thuốc uống cũng như tiêm, nhưng bệnh viêm khớp không thể chữa khỏi hoàn toàn. Dần dần các khớp xương của bệnh nhân bị hỏng và biến dạng. Bệnh nhân có 3 con, nhưng không thể chăm sóc gia đình và các con.
Tại Bệnh viện Đa khoa St. Paul, khuỷu tay và 2 bàn tay bệnh nhân đã bị biến dạng hoàn toàn, trong đó nặng nhất là khớp khuỷu trái bị dính hoàn toàn không còn chức năng vận động.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Mạnh, Trưởng Đơn nguyên phẫu thuật vai và khuỷu, Bệnh viện Đa khoa St. Paul cho biết, qua thăm khám và chụp phim X-quang, cho thấy, khớp khuỷu trái của bệnh nhân bị hỏng hoàn toàn, phần xương cánh tay, xương trụ và xương quay ở khuỷu dính liền hoàn toàn với nhau. Đối với trường hợp này, chỉ có phương án thay khớp khuỷu mới có thể hy vọng trả lại chức năng vận động cho bệnh nhân. Tuy nhiên, khi các xương đã dính liền lại với nhau thì việc phẫu thuật sẽ rất khó khăn và có nhiều nguy cơ biến chứng.
Đặc biệt với ca bệnh này, xương khớp dính liền với nhau nên khi phẫu thuật, các bác sĩ phải cắt xương rất nhiều và rất khó xác định đúng mốc giải phẫu để cắt xương chính xác . Do đó rất dễ làm tổn thương mạch máu, thần kinh nếu như phẫu thuật viên không có kinh nghiệm hoặc không đủ khéo léo.
Tuy nhiên, với sự đồng ý của gia đình, các bác sĩ đã chỉ định và thực hiện phẫu thuật thay khớp khuỷu cho bệnh nhân. Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam, một bệnh nhân viêm khớp dạng thấp được phẫu thuật thay toàn bộ khớp khuỷu để phục hồi lại chức năng cho cánh tay bị tàn phế.
Hiện tại, sau mổ 4 tuần, bệnh nhân đang phục hồi rất tốt, khớp khuỷu trái đã có thể vận động gấp-duỗi cũng như sấp-ngửa gần như bình thường. Lần đầu tiên trong 10 năm qua, bệnh nhân có thể tự chải tóc cho mình, điều mà trước đó là không thể. Hiện, bệnh nhân vẫn đang tiếp tục tập phục hồi chức năng theo hướng dẫn của các bác sĩ.
Các bác sĩ dự kiến sẽ tiếp tục phẫu thuật thay các khớp bàn, ngón tay bằng khớp nhân tạo chế tạo bằng vật liệu silicone, nhằm phục hồi lại chức năng cho các ngón tay, bàn tay của bệnh nhân.
Theo các chuyên gia y tế, viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý viêm xương khớp khá phổ biến. Bệnh diễn biến dai dẳng kéo dài, và thường dẫn đến phá hủy, làm mất chức năng của khớp. Hiện nay, với sự phát triển của kỹ thuật cũng như các vật liệu khớp nhân tạo, các bệnh nhân viêm khớp dạng thấp đã có hy vọng phục hồi lại các khớp xương của mình, tránh khỏi một cuộc sống tàn phế.
Bệnh viện Đa khoa St. Paul hiện cũng là đơn vị đầu tiên trên cả nước triển khai kỹ thuật thay toàn bộ khớp khuỷu.