Cơ hội thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng nông thôn-miền núi

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Đinh Thị Chuẩn, Tổ đại biểu huyện Minh Hóa cho rằng: Quảng Bình là địa phương hội tụ đầy đủ các loại hình địa lý từ những khu rừng nguyên sinh, đồi núi, đồng bằng cho đến những cồn cát, bãi biển. Mỗi địa phương, mỗi khu vực đều có những nền tảng lợi điểm về cảnh sắc thiên nhiên, truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa dân tộc đặc trưng và văn hóa ẩm thực đặc sắc.

Quảng Bình chúng ta đã được đánh dấu trên bản đồ du lịch thế giới với danh xưng là Vương quốc hang động. Đặc biệt, trong tháng 10 vừa qua, Quảng Bình tiếp tục thêm điểm nhấn mới trên bản đồ du lịch thế giới khi xã Tân Hóa (Minh Hóa) được Tổ chức Du lịch thế giới công nhận là ''Làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2023''. Cho đến thời điểm hiện tại, Tân Hóa là làng thứ 2 của Việt Nam sau làng Thái Hải (TP. Thái Nguyên) được Tổ chức Du lịch thế giới công nhận Làng du lịch tốt nhất thế giới.

 Đại biểu Đinh Thị Chuẩn thảo luận tại hội trường.

Đại biểu Đinh Thị Chuẩn thảo luận tại hội trường.

Để có được danh hiệu này là một quá trình dài, trong nhiều năm với sự chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự chung tay xây dựng của mặt trận, đoàn thể, sự đầu tư phát triển của doanh nghiệp và đặc biệt là sự tham gia của cộng đồng nhân dân để đáp ứng với các tiêu chí của Tổ chức Du lịch thế giới.

Đại biểu Đinh Thị Chuẩn nêu rõ: Phát triển du lịch cộng đồng không phải là mô hình mới. Trên nền tảng tiềm năng, lợi thế về cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, bản sắc văn hóa dân tộc đặc trưng riêng có và truyền thống lịch sử hào hùng… bà con vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số ở các địa phương khác trên mọi miền đất nước đã xây dựng thành công hình ảnh du lịch cộng đồng thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Vấn đề này đã góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đa dạng và phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) của địa phương, từng bước nâng cao chất lượng đời sống của người dân.

Sự kiện Tân Hóa được công nhận Làng du lịch tốt nhất thế giới mở ra một ước mơ, hướng đi mới cho vùng đồng bào nông thôn, miền núi Minh Hóa. Bà con nhân dân nơi đây mong muốn vươn lên thoát nghèo trên chính mảnh đất quê hương mình dựa vào nền tảng những lợi điểm mình đang có.

Trên cơ sở nguồn lực đầu tư từ các chương trình mục tiêu quốc gia, như: Chương trình Xây dựng nông thôn mới, Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (giai đoạn 1 từ 2021-2025)..., bà con nhân dân Minh Hóa mong muốn các cấp lãnh đạo tiếp tục quan tâm, có chiến lược đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, kết nối mạng lưới du lịch trong và ngoài nước, mở rộng thêm các sản phẩm du lịch, đào tạo thêm cộng đồng dân cư tham gia tạo sinh kế bền vững nhằm xây dựng làng du lịch thích ứng thời tiết Tân Hóa đổi mới và bền vững về KT-XH và môi trường như đã cam kết.

Đồng thời với việc đầu tư phát triển Làng du lịch Tân Hóa, bà con nhân dân Minh Hóa cũng mong muốn xây dựng thêm chuỗi các điểm đến vệ tinh mà Tân Hóa là điểm đến hạt nhân nhằm tạo thêm nhiều loại hình dịch vụ du lịch để du khách có thể lựa chọn khám phá, tham quan phát huy hết tiềm năng tại Minh Hóa.

 Làng du lịch tốt nhất thế giới Tân Hóa (Minh Hóa) mang nét đặc trưng nông thôn miền núi chất phác, yên bình, đậm đà bản sắc văn hóa riêng có.

Làng du lịch tốt nhất thế giới Tân Hóa (Minh Hóa) mang nét đặc trưng nông thôn miền núi chất phác, yên bình, đậm đà bản sắc văn hóa riêng có.

Cùng với đó, tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, tôn tạo, xây dựng các điểm đến trong hành trình khám phá, chinh phục thiên nhiên, như: Hang Rục Mòn tại Hóa Sơn, Thác Mơ tại Hóa Hợp, điểm phim trường Kong- Đảo đầu lâu, hồ Yên Phú tại Trung Hóa, Khu kháng chiến Vua Hàm Nghi tại Hóa Sơn đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Đại biểu Đinh Thị Chuẩn đề nghị: Đời sống văn hóa của người dân Minh Hóa phong phú, đa dạng với những nét đặc trưng của đồng bào dân tộc Chứt, dân tộc Bru-Vân Kiều, những nét riêng trong văn hóa giao thoa giữa các tộc người dân tộc thiểu số dưới chân núi Giăng Màn và văn hóa của nước bạn Lào anh em. Vì vậy, đề nghị các cơ quan chuyên môn tiếp tục đi sâu, phát hiện, giữ gìn và phát huy những điểm mạnh văn hóa thành các sản phẩm du lịch nhằm bảo tồn văn hóa truyền thống đa dạng mang lại cơ hội cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Cùng đó, có cơ chế hỗ trợ đầu tư kinh phí, liên kết thị trường giúp bà con nhân dân đầu tư phát triển sinh kế hàng ngày, như: Các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủ công, ẩm thực... trở thành sản phẩm du lịch mang lại giá trị kinh tế có tính bền vững; có chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn kỹ năng, kiến thức xây dựng và phát triển du lịch cho bà con nhân dân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư.

Dựa trên nền tảng cảnh sắc thiên nhiên ban tặng, đời sống văn hóa nông thôn miền núi chất phác, yên bình, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc riêng có, đại biểu Đinh Thị Chuẩn cũng như nhân dân mong muốn các cấp lãnh đạo, tổ chức đoàn thể, cơ quan chuyên môn, cộng đồng doanh nghiệp sẽ cùng chung tay để giúp bà con tham gia xây dựng phát triển du lịch cộng đồng. Từ đó, biến yếu điểm thành lợi điểm, biến những bình thường của đời sống hàng ngày thành điểm nhấn văn hóa, thành đặc sản ẩm thực, tạo cơ hội đổi mới nhằm giúp bà con nhân dân cùng tham gia làm du lịch, cùng bảo tồn cảnh sắc thiên nhiên, bản sắc văn hóa, an ninh trật tự, nâng cao chất lượng đời sống kinh tế, văn hóa cho bà con vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

(lược ghi)

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202312/lang-du-lich-tot-nhat-the-gioi-tan-hoa-co-hoi-thuc-day-phat-trien-du-lich-cong-dong-nong-thon-mien-nui-2214227/