Cơ hội từ sản xuất khẩu trang

Có thể thấy, hầu hết các lĩnh vực kinh tế đều chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Dệt may cũng không ngoại lệ và phải đối mặt với 'cú sốc kép'. Khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát ở Trung Quốc, các doanh nghiệp (DN) dệt may Việt Nam hầu như đều bị 'đứt' nguồn cung nguyên liệu, chủ yếu là vải. Sang đến cuối tháng 3, đầu tháng 4, khi nguồn cung dần được nối lại, cũng là lúc dịch bùng phát ở châu Âu, Mỹ khiến cho thị trường cầu của ngành dệt may gần như bị đóng băng, các khách hàng liên tiếp đề nghị giãn, hoãn hoặc hủy đơn hàng. Trong bối cảnh đó, sản xuất khẩu trang đang trở thành một giải pháp để các DN dệt may có thể duy trì sản xuất, giữ chân công nhân và có thu nhập nhằm giảm bớt thiệt hại. Nhìn chung, khẩu trang là một sản phẩm không đòi hỏi đầu tư nhiều, về cơ bản nhà xưởng, thiết bị, công nhân tại các DN dệt may đều có thể sản xuất được với số lượng lớn.

Theo thống kê của Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), chỉ tính riêng 50 DN có báo cáo với Bộ Công thương, năng lực sản xuất khẩu trang đã lên đến tám triệu chiếc/ngày, tương đương khoảng 200 triệu chiếc/tháng. Mặt khác, nguyên liệu sản xuất khẩu trang về cơ bản cũng không quá khắt khe. Trước đây, DN phải nhập khẩu vải kháng khuẩn hoặc hóa chất để sản xuất ra khẩu trang kháng khuẩn. Thế nhưng hiện nay, một số đơn vị đã có thể tự sản xuất vải kháng khuẩn hoàn toàn từ nguyên liệu sinh học trong nước. Do vậy, nếu có thị trường, có khách hàng, năng lực sản xuất khẩu trang còn có thể nâng cao hơn nữa. Và sau khi đã đáp ứng đủ nhu cầu trong nước, các DN hoàn toàn có thể hướng tới xuất khẩu.

Ðể hỗ trợ các DN phát triển sản xuất khẩu trang, Bộ Công thương đã tổ chức kết nối các DN sản xuất khẩu trang vải với các đơn vị phân phối, hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị lớn để đẩy mạnh tiêu thụ khẩu trang vải ở trong nước. Hiện nay, trước tình hình năng lực sản xuất khẩu trang vải được mở rộng, trong khi thị trường trong nước dần bão hòa, Bộ Công thương đã chỉ đạo các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài khẩn trương liên hệ, tìm kiếm các đầu mối, DN để giúp tiêu thụ sản phẩm. Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để trở thành một quốc gia sản xuất khẩu trang vải lớn trên thế giới, tuy nhiên, chúng ta cũng cần tính toán kỹ nếu xét về lâu dài. Thứ nhất, trong bối cảnh dịch bệnh đang tiếp tục bùng phát, khẩu trang trở thành một mặt hàng thiết yếu. Thế nhưng, khi dịch bệnh qua đi, nhu cầu về khẩu trang cũng sẽ giảm xuống. Do vậy, đây là một mặt hàng có tính thời vụ, tính ổn định không cao. Chính vì vậy, các DN dệt may có thể tranh thủ khai thác thị trường tại thời điểm này, nhưng để coi đây là một sản phẩm lâu dài, đầu tư quy mô lớn cần thận trọng. Tiếp đó, công tác xúc tiến thương mại cần được đẩy mạnh trong bối cảnh nhiều khách hàng nước ngoài chưa biết về khả năng sản xuất khẩu trang vải của Việt Nam. Các DN cũng cần lưu ý, thị trường các nước phát triển thường đòi hỏi yêu cầu cao về chất lượng, tính an toàn với người sử dụng. Do vậy, cần tìm hiểu kỹ các tiêu chuẩn của đối tác để đáp ứng, cũng như hoàn thành các thủ tục, giấy chứng nhận phù hợp, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu.

Nguyệt Bắc

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/44083802-co-hoi-tu-san-xuat-khau-trang.html