Cơ hội và thách thức của ngành nội dung số
Trong 5 năm gần đây, sự xuất hiện đa dạng các nền tảng số đã làm thay đổi thói quen, hành vi của người sử dụng. Sáng tạo nội dung số đã trở thành một sân chơi mới với các nhà sản xuất, các nhãn hàng và các doanh nghiệp quảng cáo số, đồng thời cũng có nhiều thách thức trong quá trình triển khai, đặc biệt là vấn đề bản quyền và kinh doanh quảng cáo số.
Tại Diễn đàn "Sáng tạo nội dung số, bảo vệ bản quyền số và quảng cáo số" do Hội Truyền thông số Việt Nam, Liên minh Sáng tạo nội dung số (DCCA) phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức ngày 24/4, ông Tạ Mạnh Hoàng, Chủ tịch Liên minh Sáng tạo nội dung số Việt Nam đã chia sẻ về những cơ hội, thách thức và kinh nghiệm để sản phẩm nội dung số Việt Nam có thể chinh phục thị trường quốc tế.
Cơ hội cho các doanh nghiệp Việt
Nhận định về cơ hội cho các doanh nghiệp nội dung số Việt Nam, ông Tạ Mạnh Hoàng cho biết, tính đến tháng 1/2023, nước ta có 77,93 triệu người dùng Internet, tương đương 79,1% tổng dân số, tăng 5,3 triệu người sử dụng so với năm 2022. Số kết nối di động đang hoạt động là 161,6 triệu kết nối, tương đương với 164% tổng dân số, tăng 4,7 triệu so với năm 2022. Số người sử dụng mạng xã hội là 70 triệu người tương ứng với 71% dân số Việt Nam, trong đó 68% người trên 18 tuổi sử dụng mạng xã hội.
Sự phát triển của các nền tảng xuyên biên giới đã mở ra một thế giới phẳng, cho phép các nhà sáng tạo nội dung số tiếp cận với người dân một cách dễ dàng hơn. Tại Việt Nam, có 66,2 triệu người dùng Facebook; 63 triệu người dùng Youtube; 10,3 triệu người dùng Instagram; 49,86 triệu người dùng Tik Tok, với khoảng 2 triệu thuê bao Netflix.
Hành vi tiêu dùng số cũng có sự dịch chuyển đáng kể, 4 xu hướng ảnh hưởng mạnh mẽ tới hành vi tiêu dùng số như: Mua sắm trên mạng xã hội; trải nghiệm thực tế ảo (75% người dùng cho biết thực tế ảo làm gia tăng trải nghiệm trực tuyến của họ); social video (90% người dùng tương tác với video sau khi xem); trí tuệ nhân tạo (hơn 100 triệu người sử dụng Chat GPT sau 2 tháng).
Thị trường phim hoạt hình trên toàn cầu cũng tăng trưởng ngoạn mục, ước đạt 391,19 tỷ USD năm 2022 và dự kiến lên tới 587,1 USD vào năm 2030, với tỉ lệ tăng trưởng hằng năm 5,2%...
Bên cạnh đó, Việt Nam còn có lợi thế về nguồn nhân lực trẻ, với khả năng tiếp cận công nghệ nhanh và tính sáng tạo cao. Nhiều trường tham gia đào tạo thiết kế đồ họa, truyền thông đa phương tiện...
Thách thức và khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam
Tuy nhiên, ông Tạ Mạnh Hoàng cũng nêu ra những thách thức, khó khăn của các doanh nghiệp Việt Nam. Trước tiên có thể kể đến là mô hình kiếm tiền nhanh phổ biến ở Việt Nam hiện nay, chủ yếu mang tính tự phát và tính rủi ro cao.
Số lượng các doanh nghiệp startup nhiều nhưng quy mô nhỏ và thời gian tồn tại ngắn. Đến hết năm 2022, Việt Nam có khoảng 3.800 startup, đứng thứ 54 trong hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu, nhưng chỉ 50% startup tồn tại sau 5 năm hoạt động.
Doanh nghiệp Việt Nam có sức cạnh tranh yếu dễ bị tổn thương khi ra nhập thị trường quốc tế. Trường hợp một doanh nghiệp lớn nước ngoài đã lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ để tranh chấp bộ nhân vật hoạt hình, một số doanh nghiệp game Việt Nam cũng bị vướng vào kiện tụng sở hữu trí tuệ từ các công ty nước ngoài.
Ông Hoàng cũng chia sẻ, doanh nghiệp Việt Nam chưa có các sản phẩm thực sự nổi bật tạo tiếng vang lớn trên thế giới nhằm tạo ra sự nhận biết của khách hàng, đối tác, dẫn tới thiếu cơ hội kinh doanh và giá trị nguồn lao động chưa cao.
Nhận thức của người dùng sản phẩm nội dung số chưa cao, dễ bị lôi kéo vào các sản phẩm tiêu cực không mang nhiều giá trị, chưa tôn trọng bản quyền.
"Sự phát triển quá nhanh của các loại hình nội dung cũng khiến chúng ta chưa có các mục tiêu và chiến lược tổng thể kịp thời để hỗ trợ phát triển ngành nội dung số", ông Tạ Mạnh Hoàng nhấn mạnh.
Giải pháp để chinh phục thị trường quốc tế
Với những điểm mạnh và điểm yếu trên, ông Tạ Mạnh Hoàng cũng chia sẻ về kinh nghiệm trong việc xây dựng và phát triển của một đơn vị sáng tạo nội dung cho thị trường quốc tế.
Theo lãnh đạo Liên minh Sáng tạo nội dung số Việt Nam, doanh nghiệp nội dung số Việt Nam nên nghiên cứu và vận dụng mô hình phát triển thành công của các doanh nghiệp: Mỹ, Nhật, Hàn Quốc. Phát triển mô hình phát triển sản phẩm IP (tài sản sở hữu trí tuệ): đa dạng dòng sản phẩm, đa dạng nền tảng kinh doanh, đa ngành kinh doanh, kiên trì chinh phục từng dòng sản phẩm, nền tảng kinh doanh, mảng kinh doanh từ thị trường trọng tâm mở rộng ra toàn thế giới, xây dựng mô hình kinh doanh bền vững cho doanh nghiệp Việt Nam, bước chuyển từ mô hình kiếm tiền nhanh sang mô hình phát triển bền vững.
Đồng thời, liên tục nâng cao năng lực phát triển của doanh nghiệp, tăng cường giao lưu liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp cùng mảng trong nước và quốc tế, tham dự các triển lãm, hội chợ cùng mảng quốc tế, tiếp cận và học hỏi các mô hình quản trị hiện đại, các công nghệ mới, tuyển dụng và bồi dưỡng phát triển đội ngũ chuyên gia trong mảng…
Trong khuôn khổ sự kiện cũng đã diễn ra Triển lãm trưng bày các sản phẩm, giải pháp tiêu biểu của các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp nội dung số trong nước và quốc tế. Hội Truyền thông số Việt Nam cũng đã ra mắt Trục bản quyền số quốc gia - nền tảng kết nối các nhà sản xuất nội dung, nhà công nghệ, nhà quảng cáo, cơ quan quản lý Nhà nước, các nền tảng công nghệ... trong việc bảo vệ bản quyền số.