Cơ hội với tấm năng lượng mặt trời

Thị trường tấm năng lượng mặt trời được đánh giá có tiềm năng phát triển mạnh khi nhu cầu lắp đặt loại pin này tại các hộ gia đình và doanh nghiệp đang tăng cao bên cạnh sự phát triển các dự án sản xuất điện mặt trời quy mô lớn.

 Nhu cầu lắp đặt tấm năng lượng mặt trời tại các hộ gia đình và doanh nghiệp đang tăng cao. Ảnh: QUỐC HÙNG

Nhu cầu lắp đặt tấm năng lượng mặt trời tại các hộ gia đình và doanh nghiệp đang tăng cao. Ảnh: QUỐC HÙNG

Nhu cầu đang tăng cao

Những ngày qua, ông Võ Hồng Văn khá phấn khởi vì công trình điện mặt trời gia đình ông lắp đặt trên mái nhà ở đường Phạm Văn Hai, phường 2, quận Tân Bình, TPHCM đã mang lại một số kết quả ban đầu như dự tính. Công trình có tổng công suất thiết kế 6,375 kWp này vừa có thể cung cấp điện sinh hoạt cho gia đình ông, vừa có thể bán lại cho Công ty Điện lực Tân Bình. Đáng chú ý, căn nhà trở nên dịu mát hơn vì những tấm pin này chống nắng hiệu quả hơn tôn lợp mái thông thường. Đây cũng là một trong những lợi ích khiến ông quyết định đầu tư.

Theo ông Văn, trong 10 ngày đầu đưa vào khai thác, thông tin đồng hồ thể hiện số tiền công ty điện lực mua nguồn năng lượng này của gia đình ông đạt 380.000 đồng, trong khi lượng điện gia đình ông sử dụng và vì vậy phải trả tiền cho công ty điện lực chỉ phân nửa số này. Với kết quả ban đầu như vậy, ông Văn cho rằng đây là một khoản đầu tư khá hợp lý dù chi phí ban đầu cho toàn bộ công trình lên đến hơn 120 triệu đồng.

Cũng nhìn thấy lợi ích khi lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà, hàng ngàn hộ gia đình khác trên cả nước đã lắp đặt các tấm pin phát điện này. Theo thống kê của Tổng công ty Điện lực TPHCM, đến tháng 4-2019, TPHCM có 1.379 khách hàng lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà và đăng ký bán lại điện với tổng công suất lắp đặt 16,68 MW. Đơn vị này ước tính TPHCM hiện có hơn 18.000 khách hàng có tiềm năng lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà. Dự kiến trong năm 2019, tổng công suất lắp đặt tại TPHCM từ 50-80 MW.

Việc sản xuất điện mặt trời quy mô công nghiệp cũng đã trở nên hấp dẫn với nhà đầu tư sau khi Chính phủ ban hành Quyết định 11/2017/QĐ-TTg khuyến khích phát triển dự án điện mặt trời. Theo đó, mức giá điện mặt trời nhà đầu tư có thể bán lại cho tập đoàn Điện lực Việt Nam là 9,35 cent/kWh (tương đương trên 2.000 đồng/kWh), thời hạn hợp đồng là 20 năm (đối với dự án điện mặt trời vận hành thương mại trước ngày 30-6-2019). Đến cuối tháng 6-2019, cả nước đã có 82 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất 4.464 MW được đưa vào vận hành.

Cơ hội cho nhà sản xuất trong nước?

Nhu cầu lắp đặt điện mặt trời từ các hộ dân, doanh nghiệp được dự báo sẽ tăng cao trong thời gian tới, mở ra cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp cung cấp tấm năng lượng mặt trời. Trên thực tế, thị trường tấm năng lượng rất đa dạng với nhiều mức giá khác nhau, người tiêu dùng khó có thể phân biệt và lựa chọn loại nào là phù hợp, có chất lượng.

Những năm trước, dù Việt Nam chưa có nhiều dự án phát triển năng lượng mặt trời nhưng các nhà sản xuất tấm năng lượng mặt trời trên thế giới đã có mặt khá sớm nhằm tận dụng các ưu đãi đầu tư như tiền thuê đất rẻ và ưu đãi thuế để sản xuất quy mô lớn rồi xuất khẩu sang các nước phát triển. Gần đây, bên cạnh số ít nhà đầu tư đến từ Mỹ và Canada, thị trường đã chứng kiến sự đổ bộ của các doanh nghiệp đến từ Trung Quốc và Đài Loan. Đáng chú ý, không ít nhà sản xuất trong tốp đầu của Trung Quốc và thế giới như JA Solar, Trina Solar, hay JinkoSolar... đã góp mặt trong các dự án điện mặt trời quy mô lớn tại Việt Nam.

Nói về tiềm năng của thị trường năng lượng mặt trời trong nước, IREX (một thành viên của SolarBK), công ty sản xuất tấm pin PV và Solar Cell 100% vốn nội địa, cho hay hiện tại, nhà máy tại khu công nghiệp Bà Rịa của công ty đang chạy hết công suất để kịp cung ứng cho cả thị trường trong nước và quốc tế.

“Trước nay, nhà máy chủ yếu phục vụ thị trường nước ngoài nhưng thời điểm vừa rồi, thị trường trong nước chiếm tỷ trọng lớn hơn do ảnh hưởng từ chính sách”, bà Phạm Thị Thu Trang, Giám đốc hoạt động Công ty IREX, nói.

Bà Trang cho rằng theo xu hướng chung, Việt Nam đang định hướng phát triển điện mặt trời thành một nguồn năng lượng chính. Do đó, tiềm năng thị trường điện mặt trời trong nước còn rất lớn, cơ hội cho các doanh nghiệp Việt gia nhập thị trường còn rộng cửa.

Tiềm năng này phần nào được thể hiện qua kế hoạch doanh thu của IREX. Bà Trang cho biết năm 2018, doanh thu của công ty đạt 8,3 triệu đô la Mỹ, nhưng sang năm 2019, công ty đặt mục tiêu thu về tới 28 triệu đô la Mỹ. “Khách hàng có xu hướng “tẩy chay” tấm năng lượng mặt trời từ Trung Quốc, hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư từ Trung Quốc. Do đó, đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam mong muốn phát triển dài hạn và bền vững tại thị trường này”, bà Trang nhận định.

Theo giới phân tích, nhu cầu năng lượng mặt trời trên toàn cầu tăng dần sau năm 2016, trong khi chi phí lắp đặt và sản xuất sẽ tiếp tục giảm. Hiện các doanh nghiệp Trung Quốc cung cấp khoảng hai phần ba lượng tấm năng lượng mặt trời cho thị trường toàn cầu. Sản lượng sản xuất ở Trung Quốc vẫn tăng do họ có khả năng cạnh tranh về chi phí và có thể lắp đặt nhà máy điện mặt trời công suất lớn trên khắp thế giới.

Quốc Hùng

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/293088/co-hoi-voi-tam-nang-luong-mat-troi-.html