'Cỗ máy' kiếm tiền tỷ của Amazon
Hơn một nửa lợi nhuận hoạt động mỗi năm của tập đoàn bán lẻ trực tuyến Amazon là từ mảng điện toán đám mây Amazon Web Services (AWS).
Ít nhất kể từ năm 2014, hơn một nửa lợi nhuận hoạt động mỗi năm của tập đoàn bán lẻ trực tuyến Amazon là từ mảng điện toán đám mây Amazon Web Services (AWS), bộ phận cung cấp các dịch vụ và công cụ trực tuyến mà các công ty phát triển phần mềm cần để chạy các trang web và các ứng dụng.
* Dịch vụ đa dạng
Đó là một bộ phận kinh doanh ấn tượng về lợi nhuận tính theo USD, không chỉ về tỷ lệ phần trăm. AWS kết thúc năm 2020 với lợi nhuận hoạt động đạt 13 tỷ USD, giúp Amazon đạt tổng lợi nhuận ròng 21 tỷ USD.
Không có gì bất ngờ khi ông Andy Jassy, người đứng đầu AWS trong 15 năm, được chọn trở thành Giám đốc điều hành sau khi ông Jeff Bezos nghỉ vào đầu năm nay.
Không như các dịch vụ đám mây của Alibaba và Google, AWS là bộ phận sinh lời. Trong quý II/2021, quý cuối cùng của ông Jassy trên cương vị người đứng đầu AWS, bộ phận này đạt lợi nhuận hoạt động 4 tỷ USD, tăng khoảng 25% so với cùng kỳ năm ngoái và vượt dự báo của các nhà phân tích. Doanh thu của bộ phận này tăng 37%.
AWS như một bữa tiệc buffet, mang đến cho các nhà phát triển và người dùng cuối cùng hàng trăm dịch vụ và trình làng các dịch vụ mới mỗi năm. Về khía cạnh tài chính, Amazon không tiết lộ doanh thu của AWS đến từ đâu, không cho biết những dịch vụ nào sinh lời nhất.
Tuy nhiên, AWS có xuất phát điểm là nhà cung cấp các dạng tính năng máy tính cơ bản nhất là năng lực điện toán và lưu trữ dữ liệu, và đó có thể là những mảng đóng góp phần lớn trong doanh thu của bộ phận này ngày hôm nay.
Ông Corey Quinn, nhà kinh tế trưởng phụ trách dịch vụ điện toán đám mây tại Duckbill Group, ước tính rằng hơn 50% doanh thu của AWS là từ dịch vụ web cung cấp năng lực điện toán bảo mật EC2. Dịch vụ này cho phép các khách hàng sử dụng các máy chủ ở các trung tâm dữ liệu của Amazon.
Ông Quinn nói cùng với các dịch vụ lưu trữ dữ liệu Elastic Block Store và Simple Storage
Service, dịch vụ lưu trữ và cung cấp dữ liệu Relational Database Service chiếm trên 70% doanh thu.
* Đổi mới để giữ chân khách hàng
Tuy nhiên, Amazon hiện đang tập trung nhiều hơn vào những dịch vụ cao cấp và phức tạp hơn, mang lại biên lợi nhuận cao hơn và có thể khiến khách hàng khó chuyển sang các nhà cung cấp khác.
Một ví dụ là hồi tháng Năm, Adam Selipsky, người thay ông Jassy trở thành CEO của AWS từ tháng Bảy, đã nói đến App Runner, dịch vụ mới giúp khách hàng có thể tập trung vào việc phát triển doanh nghiệp.
Các nhà phân tích tại Bernstein hồi tháng Sáu đã ước tính, trong năm 2015, 14% doanh thu của AWS đến từ các nền tảng dịch vụ có biên lợi nhuận cao, trong khi phần còn lại đến từ cơ sở hạ tầng dịch vụ có biên lợi nhuận thấp hơn. Trong nửa đầu năm 2020, các nhà phân tích ước tính tỷ lệ phần trăm của các nền tảng đã tăng lên 18%.
Ông Joe Kinsella - nhà sáng lập và từng phụ trách về công nghệ của CloudHealth, một doanh nghiệp khởi nghiệp mà công ty cung cấp phần mềm giúp các công ty tinh chỉnh việc sử dụng dịch vụ điện toán đám mây là VMware đã mua vào năm 2018 – cho biết, doanh thu và lợi nhuận có thể không được phân phối đồng đều giữa hàng triệu khách hàng của AWS.
Nếu 20% lượng khách hàng của AWS chiếm 80% doanh thu, 80% là những khách hàng vừa và nhỏ chiếm số còn lại. Các khách hàng lớn có thể được hưởng các ưu đãi lớn hơn.
Các nhà phân tích tại Bernstein ước tính AWS đạt tổng biên lợi nhuận gộp 61% vào năm 2019.
Người đồng phụ trách mảng nghiên cứu cổ phiếu công nghệ của William Blair, Bhavan Suri, cho rằng EC2 là một trong những dịch vụ ra đời sớm nhất của AWS và hiện vẫn là dịch vụ đóng góp chính trong tổng lợi nhuận và lợi nhuận hoạt động. Tỷ lệ phần trăm trong biên lợi nhuận gộp có thể là khoảng giữa 50-60%.
Amazon không công bố biên lợi nhuận của từng dịch vụ mà AWS cung cấp, dù biên lợi nhuận của AWS khoảng 31% trong quý I/2021. Biên này không phản ánh chi phí nghiên cứu và phát triển, và chi phí tiếp thị.
Một trong những dịch vụ được đón nhận tích cực trong những năm gần đây là dịch vụ tính toán Lambda cho một số sự kiện nhất định như tạo ra một hình ảnh hiển thị thu nhỏ mới khi một người đăng tải một ảnh mới lên mạng xã hội.
Các nhà phát triển gọi dạng công cụ này là “phi máy chủ”, bởi các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám may không yêu cầu bất kỳ một hạ tầng máy chủ cá nhân nào.
Một dịch vụ khác cũng ra đời sớm của AWS là Simple Storage Service, hay S3, dịch vụ được ra mắt vào năm 2006. Các khách hàng sử dụng S3 để lưu các chủ thể như ảnh, video và các dạng file khác.
Các công ty có thể không còn phải lưu trữ dữ liệu quá mức cần thiết trong S3. Năm ngoái, AWS đã ra mắt một công cụ là S3 Storage Lens, có thể giúp các tổ chức phát hiện các khoản chi không cần thiết.
CEO của một nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ đám mây là Wasabi, David Friend, tin rằng S3 là "cỗ máy" kiếm tiền của Amazon./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/co-may-kiem-tien-ty-cua-amazon/211474.html