Có mối tình nào cao hơn Tổ quốc?

Ra đời đến nay đã ngót tám mươi năm, bài thơ 'Tình sông núi' vẫn song hành cùng đất nước. Nó vẫn thắm đượm, tươi nguyên những tinh thần và giá trị cao cả; vẫn lay động tâm hồn người đọc một cách lạ thường.

Chiến sĩ - thi sĩ Trần Mai Ninh (1917 - 1948)

Chiến sĩ - thi sĩ Trần Mai Ninh (1917 - 1948)

Nhắc đến nhà thơ - liệt sĩ Trần Mai Ninh (quê ở Hà Nội, lớn lên ở Thanh Hóa, tên thật là Nguyễn Thường Khanh, sinh năm 1917 tại Hương Khê tỉnh Hà Tĩnh và mất năm 1948 tại nhà tù Nha Trang tỉnh Khánh Hòa) người ta liền nghĩ đến hai bài thơ nổi tiếng của ông. Đó là “Nhớ máu” và “Tình sông núi”. Đây là hai bài thơ rất hay của thơ ca kháng chiến chống Pháp nói riêng và thơ Việt Nam hiện đại nói chung.

Điều đặc biệt ở hai bài thơ để đời này của Trần Mai Ninh là đều mang đậm dấu ấn của vùng đất Nam Trung Bộ, nơi hoạt động trong nhưng năm tháng cuối đời của ông.

Đọc hai bài thơ ấy người ta cũng dễ dàng nhận ra một hồn thơ độc đáo của Trần Mai Ninh: thứ nhất, tình yêu nước tha thiết không chỉ thể hiện trong việc ca ngợi non sông gấm vóc mà trước hết là ở ý thức trách nhiệm của con người với đất nước; thứ hai, tình yêu nước thiết tha đó được thể hiện trong một nguồn cảm hứng chủ đạo “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” với một giọng thơ tự do, phóng khoáng, hào sảng nhưng cũng không kém phần trữ tình, đằm thắm, thiết tha.

Tiếc rằng ông hy sinh quá sớm nên đời thơ của ông cũng khá ngắn ngủi. Tuy vậy những gì ông để lại cho hậu thế cũng đủ để làm nên một hồn cốt linh thiêng dẫu cho vật đổi sao dời thì những thi phẩm ấy vẫn cứ sừng sững trong lòng người đọc.

Và mới đây, bài thơ “Tình sông núi” đã được đưa vào trong sách Ngữ văn lớp 9. Bài thơ như sau:

Trăng nghiêng trên sông Trà Khúc...
Mây lồng và nước réo
Nắng bột chen dừa Tam Quan
Gió buồn uốn éo
Bồng Sơn dìu dịu như bài thơ
Mờ soi Bình Ðịnh trăng mờ
Phú Phong rộng
Phù Cát lì
An Khê cao vun vút,
Giá lạnh - rừng buồn
Mượn ai kín hộ nước nguồn về đây
Gặp sông Cầu khó rời tay!
Sông Cầu của đất nước này là duyên
Vũng Lấm dăm lá thuyền
Nhiều dừa che ít mái tranh
Vừa đẹp - vừa lành
Hỏi ai tới đó sao đành lòng đi?
Tuy Hòa ngay dọc ngõ
Dậy sáng, - dịu màu tươi
Nha Trang cười
Nha Trang đẹp
Diên Khánh xanh um.

... Tôi lim dim cặp mắt
Không thấy nơi nào không đẹp
Không giàu
Lúa xanh như biển rộng
Mì vươn cao khắp các sườn đèo
Rẫy đè lên rẫy
Bắp và khoai tiếp bắp và khoai...
Mấy sông là mấy vạn chài
Ngựa xe rào rạt đổ người sang ngang
Gầu nước gieo vàng
Tiếng thoi nghe dội rộn ràng vách nghiêng
Dân tộc rớt mồ hôi thấm đất
Bắp căng như đồng
Tay ghì cán cuốc
Tay ghì tay xe
Nhìn quanh là cả bốn bề cần lao...
Có mối tình nào hơn thế nữa?
Ăn sâu lòng đất, thấm lòng người
Ðượm lều tranh, thơm dậy ngàn khơi
Khi vui non nước cùng cười
Khi căm non nước với người đứng lên!
Có mối tình nào hơn thế nữa,
Nói bằng súng, bằng gươm sáng rền
Có mối tình nào hơn thế nữa
Trộn hòa lao động với giang sơn
Có mối tình nào hơn
Tổ quốc?
(Theo “Ngữ văn 9 tập hai”, Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, NXB Giáo dục Việt Nam, 2024)

Bài thơ không nhớ được chính xác thời điểm sáng tác. Nhưng căn cứ vào hành trình hoạt động cách mạng của Trần Mai Ninh thì người ta cũng có thể suy đoán được khoảng thời gian ra đời của nó.

Theo dòng tiểu sử của nhà thơ, chúng ta được biết, sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), Trần Mai Ninh đã vượt ngục (nhà giam Buôn Ma Thuột) về Ninh Hòa (Khánh Hòa) hoạt động và lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền ở đây.

Trong thời gian này ông thường xuyên qua lại các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên - Liên khu V, lúc bấy giờ được coi là vùng tự do của ta.

Trong thời gian đầu của ngày Toàn quốc kháng chiến, Trần Mai Ninh từ Phú Yên về Nha Trang để chỉ đạo phong trào cách mạng. Ban đầu ông muốn đi đường bộ, vượt đèo Cả nhưng sau đó lại đi đường biển bằng một chuyến tàu vẫn thường xuyên chở vũ khí và lương thực cung cấp cho mặt trận Khánh Hòa. Chuyến đi được khởi hành vào khoảng cuối năm 1947, bắt đầu từ cửa Tiên Châu thuộc xã An Ninh, huyện Tuy An. Không may chuyến đi đó ông đã bị bắt tại vùng biển ngoài khơi Hòn Hèo thuộc huyện Ninh Hòa. Địch đã dụ dỗ mua chuộc ông không được nên đã tra tấn rất dã man và cuối cùng chúng đã sát hại ông một cách tàn nhẫn trong nhà tù ở Nha Trang vào năm 1948.

Căn cứ vào các địa danh trong bài thơ và thời gian Trần Mai Ninh hoạt động ở những nơi này, chúng ta có thể phỏng đoán, bài thơ “Tình sông núi” được nhà thơ sáng tác trong giai đoạn ông hoạt động Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên (trước lúc ông vào mặt trận Khánh Hòa và hy sinh ở đó).

Đọc bài thơ “Tình sông núi” chúng ta thấy cảm hứng của sáng tác của nhà thơ được hiển lộ ngay trong nhan đề tác phẩm. Đó không phải là tình cảm của “sông” với “núi” mà là tình cảm của nhà thơ với cảnh sắc tươi đẹp của núi sông đất nước, với cuộc sống lao động vất vả của nhân dân để “làm nên đất nước”. Đây chính là tình yêu đất nước tha thiết của nhà thơ; sự gắn bó sâu nặng với Tổ quốc, với nhân dân của nhà thơ.

Cảm hứng sáng tạo này của Trần Mai Ninh đã tạo nên tứ thơ và được thể hiện qua mạch cảm xúc đầy sáng tạo; xuyên suốt tác phẩm qua bố cục ba phần như sau: phần thứ nhất, bắt đầu từ “Trăng nghiêng trên sông Trà Khúc” đến “Diên Khánh xanh um”: sự hứng khởi của nhà thơ trước vẻ đẹp diễm lệ của non nước vùng đất Nam Trung Bộ; phần thứ hai, từ chỗ “Tôi lim dim cặp mắt” đến “Tiếng thoi nghe rộn ràng vách nghiêng”: cảm xúc sâu lắng của nhà thơ trước cuộc sống tươi đẹp của nhân dân; phần thứ ba, từ chỗ “Dân tộc rớt mồ hôi thấm đất” đến hết bài thơ “Tổ quốc?”: Những suy ngẫm, cắt nghĩa của nhà thơ về Tổ quốc, về tình yêu Tổ quốc. Triển khai bài thơ theo mạch cảm xúc này nhà thơ đi từ vẻ đẹp thiên nhiên đến vẻ đẹp của con người và cuối cùng là cất lên tiếng nói khẳng định: “Có mối tình nào cao hơn/ Tổ quốc?”.

Đến với bài thơ, trước hết, trong phần thứ nhất của tác phẩm, chúng ta được chứng kiến cảm hứng dạt dào, say sưa, thích thú của nhà thơ trước một vùng non xanh nước biếc trù phú nên thơ trên dải đất Nam Trung Bộ tươi đẹp.

Ở đây, để ý, ta sẽ thấy Trần Mai Ninh kể tên đến mười hai địa danh của các tỉnh Quảng Ngãi (Trà Khúc), Bình Định (Tam Quan, Bồng Sơn, Bình Định, Phú Phong, Phù Cát), Gia Lại (An Khê), Phú Yên (Sông Cầu, Vũng Lẫm, Tuy Hòa) Khánh Hòa (Nha Trang, Diên Khánh). Tuy nhiên đây không phải là phép liệt kê đơn thuần của những tên gọi mà đi kèm với từng địa danh còn có những cảnh sắc, đặc điểm riêng biệt của mỗi vùng đất. Với Quảng Ngãi là hình ảnh “trăng nghiêng” và “mây lồng” trên sông nước Trà Khúc.

Với Bình Định là những nét chấm phá về nắng, gió ở làng dừa Tam Quan, về cánh đồng dịu nhẹ ở Bồng Sơn, về vầng trăng huyền ảo ở Bình Ðịnh, về những vùng đất mênh mông, phẳng lì, thẳng cánh cò bay ở Phú Phong, Phù Cát. Với Gia Lai là vùng rừng núi cao vút trời, giá lạnh ở An Khê. Với Phú Yên là những cảnh đẹp nên thơ của những bãi biển ở Sông Cầu, như thể eo biển Vũng Lẫm được điểm xuyết bởi dăm ba chiếc thuyền bồng bềnh neo đậu bên những vườn dừa tươi đẹp, trong lành hay Tuy Hòa sầm uất, sôi động (văn bản sách giáo khoa ghi là “ngay dọc ngõ” nhưng một số văn bản khác chép là “ngang dọc ngõ”, có lẽ “ngang dọc ngõ” đúng hơn).

Với Khánh Hòa là một buổi sớm hôm trong không khí vui tươi mát dịu “chân trời rất xanh gọi nắng xôn xao” ở phố biển Nha Trang hay một màu xanh um tươi tốt của cây trái bên thành cổ Diên Khánh… Có thể thấy trong con mắt của thi nhân, mỗi miền đất là một hiện hình rõ ràng, cụ thể của từng cảnh sắc. Mỗi vùng đất của miền Nam Trung Bộ mà nhà thơ từng ở lại hay đi qua được tái hiện trong đoạn thơ với một nét đặc trưng riêng biệt.

Nếu ghép tất cả những nét riêng biệt đó lại ta sẽ thấy hiện lên trước mắt một bức tranh trù phú và diễm lệ đến vô cùng của giang sơn gấm vóc. Trong bức tranh này người ta không nghe thấy tiếng súng, không thấy tàn phá hay đổ vỡ; dường như chiến tranh chưa đi qua chốn này. Tái tạo được bức tranh đất nước như thế cũng có thể gọi là kỳ bút nhưng với tài năng thi ca của Trần Mai Ninh thì những hình ảnh thơ của ông không dừng lại ở đó.

Hơn những thế, qua từng biện pháp tu từ cụ thể, được sử dụng trong từng hình ảnh, nhà thơ đã tạo nên những bức tranh lung linh, sống động, diệu kỳ hơn rất nhiều ở mỗi miền quê để phản ánh hiện thực và mở ra một thế giới “thi trung hữu họa” nhằm khơi gợi sự tưởng tượng phong phú với nhiều tầng bậc mỹ cảm trong tâm trí của người đọc.

Khi tả về bóng trăng, áng mây trên dòng sông Trà Khúc; ánh nắng, ngọn gió trong vườn dừa Tam Quan; ánh trăng soi ở Bình Định; cánh rừng ở An Khê; cảnh đẹp vui tươi ở Nha Trang nhà thơ đã dùng nghệ thuật nhân hóa để gợi lên những cảnh tượng vô cùng sinh động. Nếu ai từng ở bên dòng sông Trà Khúc, vào những đêm trăng sáng, hẳn đã nhìn thấy những guồng nước quay đều đều, chậm rãi làm bắn những giọt nước phản chiếu ánh trăng như dát vàng sẽ thấy được vẻ đẹp gợi cảm của câu thơ “trăng nghiêng trên sông” hay “mây lồng và nước reo”. Và ai đã đến Tam Quan, đứng dưới rừng dừa khép tán giữa trưa nắng hè với những cơn gió thoảng thì sẽ biết thế nào là “nắng bột”.

Những lá dừa đan vào nhau, chỉ hở ra những khoảng sáng rất bé làm cho ánh nắng tỏa xuống còn lại cũng rất mong manh, như những sợi chỉ mịn màng. Tất nhiên cái oi bức của nắng hè khi đó cũng bị tiêu tan. Tất cả trong khu vườn, cảm giác và hình ảnh còn lại chỉ là những con gió uốn éo theo những lá dừa rung rinh, xao động. Cảnh ấy vừa làm người ta có cảm giác mát mẻ vừa gợi lên những ánh nắng dịu nhẹ, mong manh tưởng chừng nhỏ mịn, mềm mại như rây bột.

Hình ảnh “Mờ soi Bình Định trăng mờ” làm ta nhớ đến hình ảnh những “Tháp Chàm đua nhau đổ dưới trăng mờ” trong thơ Chế Lan Viên. Bóng trăng mờ trên vùng đất Bình Định ấy gợi lên trong lòng người đọc cái dáng vẻ rêu phong cổ kính của kinh đô Chăm Pa chập chờn giữa huyền hồ sương khói. Cái ánh trăng ấy trong thi ca dường như là một thứ “đặc sản” của vùng “đất võ trời văn”.

Ngược lên An Khê, vùng đất Tây Sơn thượng đạo, ngoài những khối núi cao vun vút, gió lạnh rợn người còn có “rừng buồn” gợi lên cái cảm giác hoang vu, vắng vẻ. Nhưng tiến về miền biển Nha Trang cảnh đẹp của biển xanh, cát trắng, nắng vàng gợi lên một không gian lộng lẫy với những nụ cười tươi sáng, rạng ngời của phố biển. Phải chăng cái tươi vui lộng lẫy của Nha Trang hút hồn người như thế mà sau này khi đất nước thống nhất nhà thơ Sóng Hồng (cố Tổng Bí thư Trường Chinh) đến đây đã phải thốt lên rằng: “Đẹp thay non nước Nha Trang/ Người đi hồn cứ mơ màng đâu đây”.

Trở lại với bài thơ, ta sẽ thấy Trần Mai Ninh tạo hình đất nước không chỉ bằng một nghệ thuật nhân hóa mà còn bằng cả nghệ thuật so sánh và các tính từ có giá trị tạo hình để gợi tả không gian.

Câu thơ “Bồng Sơn dìu dịu như bài thơ” là nghệ thuật so sánh. Vùng đất Phú Phong “rộng”, Phù Cát “lì” là tính từ gợi tả không gian. Nếu nghệ thuật so sánh gợi lên cảm giác dịu nhẹ của những cánh đồng lúa mênh mông ở Bồng Sơn thì các tính từ “rộng”, “lì” lại gợi lên cái bát ngát, bằng phẳng của hai vùng đất Phú Phong và Phù Cát.

Không kể lể dài dòng, Trần Mai Ninh chỉ cần điểm xuyết bằng vài nét chấm phá mà mỗi vùng đất của miền Nam Trung Bộ hiện lên trong bức ký họa ngôn từ thật rõ ràng và sinh động. Những chấm phá ấy quả là nét thần bút. Nó đã gọi hồn được cảnh vật và làm cho người đọc thấy được những nét đặc trưng cũng như sự diễm lệ và cuộc sống thanh bình của những làng quê “Khu năm dằng dặc, khúc ruột miền Trung”.

Những câu thơ gợi tả về địa danh như thế không chỉ thể hiện năng lực quan sát tinh tế mà còn phản ánh một sự am hiểu về đất và người nơi đây cực kỳ sâu sắc. Với những vùng đất này hẳn là nhà thơ không chỉ ngang qua mà phải từng gắn bó rất sâu nặng. Bởi không thế thì làm sao ông có thể tái hiện được nét thần thái của từng “khuôn mặt” đến vậy.

Trần Mai Ninh chỉ gợi tả và gọi hồn cảnh vật thế thôi mà người đọc cũng đủ thấy cái tình sâu nặng của nhà thơ với những vùng đất này. Nếu không có sự say mê, yêu quý thì không bao giờ có được những bức tranh tươi đẹp, gợi cảm đến thần kỳ như vậy. Cái sự say mê, yêu quý vùng đất như thế hiểu theo nghĩa hẹp là miền Nam Trung Bộ còn theo nghĩa rộng là tình yêu Tổ quốc. Cái cách yêu Tổ quốc của nhà thơ ở đây lại làm ta nhớ đến câu nói nổi tiếng của nhà văn người Nga: “Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc” (Ê-ren-bua).

Có thể nói, qua những vần thơ đầy hứng khởi ấy, hình ảnh Tổ quốc được hiện lên theo cách của Trần Mai Ninh rất cụ thể. Đó là những cảnh vật rất gần gũi, thân thương. Theo cách thể hiện này phải chăng nhà thơ muốn cho mọi người nhận ra vẻ diễm lệ của non sông tươi đẹp của mình mà bấy lâu bị kẻ thù chà đạp, dày xéo, nay đã được cách mạng hồi sinh trở về với nguyên vẹn vẻ đẹp ban sơ như vốn có.

Nếu như ở phần thứ nhất cảm hứng của nhà thơ nghiêng về tâm thế hân hoan, hứng khởi trước cảnh vật tự nhiên của non xanh nước biếc, núi sông diễm lệ thì sang phần thứ hai cảm hứng của Trần Mai Ninh dường như đang lắng đọng với những xúc cảm trước cuộc sống tươi đẹp của nhân dân, từng được hình thành và phát triển qua đôi bàn tay cần cù sáng tạo của ông cha từ ngàn đời để lại. Trước non nước ấy nhà thơ dường như không kìm nén được cảm xúc. Bởi thế Trần Mai Ninh đã trực tiếp thổ lộ với mọi người về tâm thế và những điều mình quan sát và suy ngẫm. Cái “tôi” của tác giả ở đây được bộc bạch một cách tự nhiên, không cần phải che đậy, giấu giếm:

“... Tôi lim dim cặp mắt
Không thấy nơi nào không đẹp
Không giàu
Lúa xanh như biển rộng
Mì vươn cao khắp các sườn đèo
Rẫy đè lên rẫy
Bắp và khoai tiếp bắp và khoai...
Mấy sông là mấy vạn chài
Ngựa xe rào rạt đổ người sang ngang
Gầu nước gieo vàng
Tiếng thoi nghe dội rộn ràng vách nghiêng”

Từ láy “Lim dim” diễn tả trạng thái của đôi mắt. Đó là trạng thái chưa nhắm mắt hẳn, mắt còn hé mở. Nhưng đây không phải là trạng thái buồn ngủ mà là trạng thái đang tập trung suy nghĩ về một vấn đề nào đó còn đang vương vấn, băn khoăn. Và liền sau câu thơ miêu tả trạng thái ấy nhà thơ đã trực tiếp bộc lộ những suy nghĩ của mình về cảnh vật cùng cuộc sống ở những nơi mình trông thấy: “Không thấy nơi nào không đẹp/ Không giàu”. Trần Mai Ninh đã dùng cách nói phủ định để khẳng định. Cách phủ định ấy nhằm khẳng định một điều mắt thấy tai nghe: nơi nào cũng đẹp, cũng giàu.

Để làm sáng tỏ cái điều mình suy nghĩ ấy nhà thơ đã liệt kê một loạt các hình ảnh về sự tươi đẹp giàu có của đất nước và con người cho mọi người cùng chiêm nghiệm: “Lúa xanh như biển rộng/ Mì vươn cao khắp các sườn đèo/ Rẫy đè lên rẫy/ Bắp và khoai tiếp bắp và khoai.../ Mấy sông là mấy vạn chài/ Ngựa xe rào rạt đổ người sang ngang/ Gầu nước gieo vàng/ Tiếng thoi nghe dội rộn ràng vách nghiêng”. Dường như, ở đây không chỉ đơn giản là những lời kể mà trong lời kể ấy còn có cái nét gì đó như một sự ngỡ ngàng.

Hình ảnh so sánh “Lúa xanh như biển rộng” gợi lên những cánh đồng trù phú bát ngát muôn dặm như thể đang báo hiệu những vụ mùa ấm no. Nghệ thuật nhân hóa mì (cây sắn) “vươn”, rẫy (chỉ nơi canh tác) “đè” và cách điệp từ “Bắp và khoai tiếp bắp và khoai”, “Mấy sông là mấy vạn chài” hay cách dùng nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác: “Ngựa xe rào rạt đổ người sang ngang/ Gầu nước gieo vàng/ Tiếng thoi nghe dội rộn ràng vách nghiêng” để gợi lên sự giàu có, đông vui, nhộn nhịp, trù phú và đẹp đẽ của quê hương.

Phải nói rằng, đây là đoạn thơ rất hay của Trần Mai Ninh. Một đoạn thơ có đủ sắc màu và âm thanh. Có màu xanh của cánh đồng hòa vào sắc vàng của ánh trăng óng ánh in trong gàu nước và lan tỏa theo nhịp hất văng ra của chiếc gầu. Có thanh âm của tiếng ngựa xe cùng dòng người tấp nập hòa trong thanh âm của “Gầu nước gieo vàng” (tiếng động phát ra từ gầu nước khi đang tát), thanh âm của “Tiếng thoi nghe dội rộn ràng vách nghiêng” (tiếng thoi dệt cửi). Đến đây ta thấy ấn tượng quan sát, suy ngẫm của nhà thơ không chỉ có hiện thực khách quan mà còn có cả những xúc cảm chủ quan.

Tất cả những điều đó không chỉ giúp cho nhà thơ tạo dựng được một bức tranh sống động về sự giàu có, nhộn nhịp, đẹp đẽ của cảnh vật và cuộc sống mà còn diễn tả được tâm trạng mê mẩn, ngất ngây của nhà thơ. Nếu không có sự gắn bó, yêu quý cảnh sắc và cuộc sống của con người nơi đây thì làm sao nhà thơ có thể phát hiện ra những vẻ đẹp kỳ diệu và diễm lệ như thế. Không phải lên gân lên cốt gì cả, chỉ cần thấu cảm được cái tâm trạng vô thức như thế người đọc cũng đủ để nhận ra mối tình sâu nặng của nhà thơ với quê hương. Đó là một tình yêu máu thịt chứ không phải là những lời chót lưỡi đầu môi.

Sang phần thứ ba, mạch cảm xúc của bài thơ chuyển thành những suy ngẫm, cắt nghĩa của nhà thơ về Tổ quốc, về tình yêu Tổ quốc. Đọc đoạn thơ này chúng ta sẽ thấy, sau những hình ảnh phô diễn gợi lên sự giàu đẹp ở phần thứ hai, Trần Mai Ninh đi vào suy tưởng. Nhà thơ chiêm nghiệm về đất nước. Sự giàu đẹp của đất nước, hình hài của đất nước không phải bỗng dưng mà có. Đất nước có được sự cẩm tú như hôm nay là một hành trình đầy vất vả của biết bao thế hệ ông cha từ muôn đời nối tiếp nhau làm thành:

“Dân tộc rớt mồ hôi thấm đất
Bắp căng như đồng
Tay ghì cán cuốc
Tay ghì tay xe
Nhìn quanh là cả bốn bề cần lao...”

Trần Mai Ninh rất tinh tế khi sử dụng hình ảnh hoán dụ giọt “mồ hôi” rơi để gợi lên những gian lao, vất vả của dân tộc trong quá trình khai sơn, phá thạch dựng làng, khẩn hoang làm thành những cánh đồng phì nhiêu, những nương rẫy tốt tươi. Hình ảnh giọt “mồ hôi thấm đất” của dân tộc trong bài thơ này lại làm ta nhớ đến hình ảnh giọt mồ hôi trong một bài thơ của Thanh Tịnh được làm sau này: “Mồ hôi mà đổ xuống đồng,/ Lúa mọc trùng trùng sáng cả đồi nương./ Mồ hôi mà đổ xuống vườn,/ Dâu xanh lá tốt vấn vương tơ tằm./ Mồ hôi mà đổ xuống đầm,/ Cá lội phía dưới, rau nằm phía trên./ Mồ hôi xuống, cây mọc lên,/ Ăn no đánh thắng, dân yên, nước giàu.”.

Sau cái hình ảnh khái quát về nỗi vất vả, cực nhọc của dân tộc ấy, nhà thơ đã cụ thể hóa bằng những hình ảnh rất chi tiết và đậm chất tạo hình qua phép tu từ so sánh “Bắp căng như đồng” và điệp từ “Tay ghì cán cuốc/ Tay ghì tay xe”. Có thể nói những hình ảnh khổ lao này đã giúp cho người đọc hình dung rõ hơn hình ảnh: “Dân tộc rớt mồ hôi thấm đất”.

Thấu hiểu và thấu cảm về hành trình dựng nước của cha ông như thế nên nhà thơ dễ dàng nhìn ra chiều sâu của vẻ đẹp quê hương, đất nước. Đó là vẻ đẹp của “Đất Nước sau bốn ngàn năm đi đâu ta cũng thấy/ Những cuộc đời đã hóa núi sông ta...”, đất nước của “Năm tháng nào cũng người người lớp lớp/ Con gái, con trai bằng tuổi chúng ta/ Cần cù làm lụng/ Khi có giặc người con trai ra trận/ Người con gái trở về nuôi cái cùng con/ Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh” (Nguyễn Khoa Điềm). Cũng bởi nhận thức như vậy mà Trần Mai Ninh đã cắt nghĩa và lý giải về tình yêu Tổ quốc:

“Có mối tình nào hơn thế nữa?
Ăn sâu lòng đất, thấm lòng người
Ðượm lều tranh, thơm dậy ngàn khơi
Khi vui non nước cùng cười
Khi căm non nước với người đứng lên!
Có mối tình nào hơn thế nữa,
Nói bằng súng, bằng gươm sáng rền
Có mối tình nào hơn thế nữa
Trộn hòa lao động với giang sơn
Có mối tình nào hơn
Tổ quốc?”

Nhà thơ Trần Mai Ninh đã khẳng định và lý giải tình yêu Tổ quốc của mình bằng câu hỏi tu từ: “Có mối tình nào hơn thế nữa?”. Có nghĩa không có mối tình nào bằng tình yêu Tổ quốc. Tình yêu ấy được nhà thơ diễn tả, thể hiện ở mọi góc độ, trong mọi hoàn cảnh, với mọi cung bậc của cảm xúc: “Ăn sâu lòng đất, thấm lòng người/ Ðượm lều tranh, thơm dậy ngàn khơi”, “Khi vui non nước cùng cười/ Khi căm non nước với người đứng lên!”, “Nói bằng súng, bằng gươm sáng rền”, “Trộn hòa lao động với giang sơn”.

Cuối cùng nhà thơ chốt lại bằng một sự khẳng định chắc chắn qua câu thơ ngắt dòng: “Có mối tình nào hơn/ Tổ quốc?”. Có thể nói việc lặp lại liên tiếp câu hỏi tu từ “Có mối tình nào hơn thế nữa?” và khẳng định “Có mối tình nào hơn/ Tổ quốc?” là cách để nhà thơ nhấn mạnh, gây ấn tượng cho người đọc về mối tình cao cả nhất, thiêng liêng nhất của mỗi con người, mỗi đời người, nhất là trong hoàn cảnh đất nước đang bị ngoại xâm giày xéo.

Đó là tình yêu Tổ quốc. Tình yêu cao cả ấy sau này được nhiều nhà thơ khác tiếp nối và thể hiện một cách chân thực nhưng cũng đầy xúc động: “Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình/ Phải biết gắn bó san sẻ/ Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở/ Làm nên Đất Nước muôn đời...” (Nguyễn Khoa Điềm); “Tình yêu Tổ quốc là đỉnh núi bờ sông/ Đến lúc tột cùng là dòng huyết chảy” (Xuân diệu); “Ôi Tổ quốc ta, ta yêu như máu thịt,/ Như mẹ cha ta, như vợ như chồng/ Ôi Tổ quốc, nếu cần, ta chết/ Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông...” (Chế Lan Viên).

Ra đời đến nay đã ngót tám mươi năm, bài thơ “Tình sông núi” vẫn song hành cùng đất nước. Nó vẫn thắm đượm, tươi nguyên những tinh thần và giá trị cao cả; vẫn lay động tâm hồn người đọc một cách lạ thường.

Thành công của bài thơ có lẽ không chỉ bắt nguồn từ một tấm lòng tha thiết với đất nước, với nhân dân hay cách tìm tòi những thi ảnh vừa chân thực vừa gợi cảm mà còn phải kể đến sự một mới lạ, hấp dẫn về cách tổ chức ngôn ngữ trong các câu thơ theo thể tự do cùng với cách ngắt nhịp, thay đổi giọng điệu vô cùng linh hoạt (khi miêu tả cảnh hùng vĩ, tráng lệ giọng thơ hào hùng, sôi nổi; khi thể hiện tình cảm sâu lắng giọng thơ chuyển sang da diết, trữ tình). Đây chính là những cống hiến to lớn của Trần Mai Ninh cho nghệ thuật thơ ca Việt Nam hiện đại. Bài thơ ra đời không bao lâu thì nhà thơ đã anh dũng hy sinh một cách vẻ vang như những gì mình đã thể hiện.

Có một chuyện kể rằng: “Trần Mai Ninh bị địch đưa về giam ở nhà tù Nha Trang, bị tra tấn dã man mà vẫn luôn chửi mắng kẻ thù. Ông còn vẽ nhiều tranh có nội dung cách mạng lên tường nhà giam. Kẻ thù đã cắt lưỡi và chọc mù hai mắt ông. Cuối cùng chúng dùng xe kéo lê xác ông trên đường phố, rồi bêu đầu ông ở chợ. Nhưng đến đêm, dân chúng yêu quý nhà thơ đã lấy, đem đầu ông đi mai táng...” (theo Tân An, “Trần Mai Ninh nhà thơ của đất nước độc lập, tự do”, Báo Nhân Dân cuối tuần, ngày 30 tháng 8 năm 2013).

Đúng, thơ cũng là người. Với Trần Mai Ninh quả là “Có mối tình nào hơn/ Tổ quốc?”.

Đào Thị Thu Hiền

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/co-moi-tinh-nao-cao-hon-to-quoc-a27152.html