Có một cuộc chiến khác thời COVID: Đối mặt với tin giả

Khi làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, chính quyền và nhân dân TPHCM không chỉ căng mình chống dịch mà còn phải 'chiến đấu' với các kiểu tin đồn, tin giả và với ý thức kém của một bộ phận người dân.

Những tin đồn thất thiệt gây hoang mang dư luận (ảnh tin giả do Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam cung cấp)

0h ngày 9/7, TPHCM chính thức giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng chính phủ. Cụ thể, thời gian giãn cách sẽ là 15 ngày và người dân phải ở nhà, chỉ có thể ra khỏi nhà trong trường hợp cần thiết như mua thực phẩm, thuốc men, thực hiện công vụ... Tuy nhiên tới ngày 13/7, một số thông tin trên mạng cho rằng ngày 15/7, thành phố sẽ “thiết quân luật”. Thông tin trên đã khiến dân tình nháo nhào và lãnh đạo thành phố phải họp báo để trấn an.

Loạn tin giả

Trong tình hình dịch bệnh, khi người dân và các ban ngành, địa phương đang đối mặt với đủ thứ lo lắng, cũng là lúc những kẻ làm tin giả có thêm cơ hội tung tin giật gân, mục đích để câu view, thậm chí để gây hoang mạng dư luận. Chỉ tính riêng từ đầu tháng 7/2021 tới nay, trên địa bàn thành phố đã có hàng trăm tin giả được tung ra, từ chuyện nhiều nhà thuốc tại Sài Gòn tặng thuốc miễn phí cho tới mạo danh cán bộ y tế nói tình hình dịch bệnh của thành phố hiện bi thảm không khác gì Ấn Độ. Hay tin, thành phố sẽ bắt tất cả những ai ra đường vào đêm khuya từ lúc 22h-5h mà không cần lý do…

"Nhóm bác sỹ Khoa" lập Facebook tung tin giả để trục lợi

"Nhóm bác sỹ Khoa" lập Facebook tung tin giả để trục lợi

Thậm chí Bộ Y tế cũng bị mạo danh khi trên mạng xã hội lan truyền đoạn tin nhắn cung cấp thông tin về một nghiên cứu của Singapore, nhận định rằng, COVID- 19 là một loại vi khuẩn bị nhiễm phóng xạ gây ra đông máu và làm chết người. Các nhà khoa học Singapore sau khi tiến hành khám nghiệm tử thi của các bệnh nhân tử vong do COVID- 19 đã phát hiện ra điều đó. Tin nhắn mạo danh trên còn khẳng định có thể điều trị COVID- 19 bằng thuốc kháng sinh, kháng viêm và chống đông máu...

Luật sư Đỗ Thanh Lâm - Đoàn luật sư TPHCM cho rằng, để tránh hoặc dễ dàng nhận biết các tin giả, người đọc phải trau dồi kiến thức, hiểu biết, tư duy đọc tin tức. Cụ thể, đối với quyết định của cơ quan nhà nước, nên xem ở kênh thông tin chính thức của cơ quan đó. Đối với những tình trạng, hoạt động diễn ra ở một địa bàn nào đó, nên tham khảo và xác nhận lại với chính người đang sinh sống ở nơi đó hoặc thông tin từ những trang báo chính thống. Đối với những vấn đề chuyên môn, nên sử dụng dịch thuật hoặc tham khảo ý kiến từ những người có chuyên môn, uy tín trong lĩnh vực đó. Riêng đối với vấn đề về y tế, sức khỏe, nên tới những cơ sở chuyên khoa đã được cấp phép. Cẩn trọng với những phương pháp, kiến thức chưa được nghiên cứu, công nhận.

Không chỉ mạo danh gây ảnh hưởng tới nhiều đơn vị của Nhà nước, trên mạng xã hội còn nhiều tin nhắn gây hoang mang trong cộng đồng. Như chỉ với một bức ảnh chụp người chết tại một quốc gia nào đó, các kẻ làm giả tin nhắn đã tải về, đưa lên mạng và nói đó là tình hình thực tế đang diễn ra tại một bệnh viện ở TPHCM. Còn với tin giả thành phố sẽ “thiết quân luật” vào ngày 15/7, những kẻ làm giả tin nhắn đã khiến nhiều người dân hoang mang, đổ xô đi mua lương thực, thực phẩm dự trữ. Điều này khiến các siêu thị khủng hoảng, cháy hàng.

Theo thông tin từ Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam, hàng ngày đơn vị này tiếp nhận hàng trăm thông tin về tin giả. Tin giả cũng đa dạng từ chuyện giả danh các ban ngành Nhà nước để tìm cách tống tiền lừa đảo tiền bạc, đến mạo danh đánh giá thị trường để bán hàng… “Nhưng nhiều nhất là những kẻ tung tin giả gây hoang mang, lo sợ với người dân trong hoàn cảnh dịch bệnh. Dường như tin giả là thứ “mồi” kẻ tung tin đưa ra, để sau đó ngồi nhìn thiên hạ hoang mang”- một chuyên gia tâm lý cho biết.

Không xử lý xuể

Một cán bộ Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM thừa nhận, với hàng trăm tin giả mỗi ngày thì công tác xử lý bị quá tải. Chính vì thế, những người có trách nhiệm chỉ có thể lựa chọn, xử lý những tin giả gây ảnh hưởng lớn với đời sống người dân.

Theo công văn của Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, lãnh đạo thành phố đang tập trung triển khai các biện pháp quyết liệt để kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi dịch COVID-19. Đồng thời, thực hiện các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu cho người dân đồng thời, triển khai thực hiện các giải pháp cung ứng lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu cho người dân. Chính vì thế, đề nghị người dân bình tĩnh, không nghe theo, không lan truyền các thông tin không chính xác. Người dân TPHCM nên cập nhật thông tin từ nguồn báo chí chính thống.

Song song với việc tuyên truyền, công tác xử lý nguồn tin giả cũng được các ngành chức năng đẩy mạnh. Những nguồn tin gây ảnh hưởng, tác động xấu tới dư luận, làm ảnh hưởng tới công tác chống dịch của thành phố đều được các ngành chức năng xử lý nghiêm. Nhiều kẻ tung tin giả đã phải chịu án phạt, thậm chí phải đối mặt với những bản án hình sự nghiêm khắc vì những hành động cố ý của mình.

Tuy nhiên, theo đại diện của Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam, người dân cần tỉnh táo khi đón nhận các nguồn tin. Với những nguồn tin chính thống thì cần chia sẻ, lan truyền cho mọi người cùng nắm. Còn với những nguồn tin giả, tin xấu, mọi người nên cảnh giác, không nên chia sẻ, lan truyền. “Việc lan truyền tin giả cũng là một hành động xấu, vi phạm pháp luật và làm ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống xã hội. Vì thế, với những nguồn tin giả, mọi người nên chủ động báo cáo cho ngành chức năng để sớm xử lý, không nên tiếp tay để lan truyền những thông tin này”- đại diện Trung tâm Xử lý tin giả khuyến cáo.

Theo PGS.TS Nguyễn Lê Ninh - Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, những hậu quả do tin giả gây ra là khó có thể định lượng hoặc đo đếm ngay về thiệt hại. Đa số các thông tin thất thiệt về dịch bệnh đã tác động không nhỏ tới người dân, làm gia tăng tâm lý sợ hãi, hoang mang, tiềm ẩn các nguy cơ gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội. Trong bối cảnh cả hệ thống chính trị và nhân dân TPHCM đang cùng nhau đoàn kết chống dịch, bên cạnh các biện pháp xử lý hành chính và hình sự để răn đe người tạo tin giả, các cơ quan nhà nước và các cơ quan thông tấn, báo chí cũng cần đưa tin kịp thời, giải thích, tuyên truyền để tránh làm nhân dân hoang mang trước các tin giả, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự và khó khăn trong công tác phòng, chống dịch của thành phố.

(Còn nữa)

Trọng Thịnh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/co-mot-cuoc-chien-khac-thoi-covid-doi-mat-voi-tin-gia-post1365273.tpo