Có một đội kéo co nữ vô địch tỉnh ở Di Linh

Ðó không phải là một đội kéo co bình thường mà là một đội vô địch tỉnh. Ðiều đặc biệt, tất cả các thành viên đều ở trong cùng thôn, lần đầu tiên dự giải họ đã chiến thắng một mạch từ xã đến huyện và giành luôn tấm Huy chương Vàng vô địch kéo co nữ tại Ðại hội TDTT cấp tỉnh Lâm Ðồng năm 2018 vừa qua.

Đội kéo co nữ Hàng Hải - Gung Ré, Di Linh giành Huy chương Vàng và Cúp vô địch giải Đại hội TDTT cấp tỉnh năm 2018 tại Đà Lạt

Vùng đất của những người làm vườn

Cách thị trấn Di Linh không xa, trải dài dọc theo Quốc lộ 28 chạy về hướng Bình Thuận là xã Gung Ré, nơi đội kéo co nông dân nữ đang sinh sống tại đây.

Gung Ré, theo ông Phó Chủ tịch xã K’Brôh, là tên của một ngọn núi cao trong vùng, được đặt tên cho cả vùng đất ven thị trấn Di Linh từng là thủ phủ xứ Đồng Nai Thượng này. Giống như địa hình Đà Lạt, những con đường nơi đây xuống thấp rồi lại lên cao, uốn lượn qua những sườn đồi xanh ngắt vườn cà phê, sâu dưới lòng thung là các ruộng lúa nước mùa này đã thu hoạch.

Không xanh ngắt cà phê sao được khi toàn bộ diện tích đất nông nghiệp nơi đây đều được che bóng bởi cà phê. Theo ông K’Brôh, hầu như toàn bộ đất nông nghiệp nơi đây với trên 1.594 ha đều được trồng cà phê, không chỉ người Kinh mà hơn 44% người K’Ho và Nộp - dân tộc bản địa nơi đây cũng vậy. Phần diện tích đất còn lại, trên 232 ha nằm dưới các thung lũng được người dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số làm lúa nước. Gần đây một số người dân đã bắt đầu trồng xen vào vườn cà phê các loài cây ăn trái như sầu riêng, bơ, trồng xen mắc ca - cây lấy hạt như là một cách tăng giá trị đất trên một diện tích canh tác.

Cũng như mọi người dân nơi đây, cả 10 thành viên của đội kéo co nữ vô địch tỉnh này đều trên dưới 40 tuổi, là những nông dân thực thụ, là lao động chính trong gia đình bên cạnh chồng con. Tất cả đều sống trong cùng một thôn, đó là thôn Hàng Hải của Gung Ré.

Theo chị Nguyễn Thị Minh, 48 tuổi, đội trưởng đội kéo co, các thành viên trong đội nhà nào cũng làm cà phê, ít nhất như nhà chị cũng trên 1 ha, thêm việc chăn nuôi, buôn bán. Nhà nhiều hơn như chị Vũ Thị Đậu, 37 tuổi có gần 2 ha; chị Ninh Thị Lược, 46 tuổi, đội phó, nhà có 4,5 ha, hay như chị Phạm Thị Hiền, 44 tuổi, cũng có hơn 6 ha.

“Cà phê thì có bao giờ hết việc đâu, ngày nào cũng lên vườn, mùa nào có việc đó, mùa mưa tháng này lo làm cỏ, sạt bồn, bón phân theo kỳ, mùa khô lo đi tưới nước, rồi đến kỳ thu hoạch, rồi cơm nước, con cái học hành, ngày ngày cứ phải ra vườn rồi về nhà chẳng đi đâu xa được, quanh quẩn ở làng hoài” - chị Minh nói.

Cũng nói thêm một chút về thôn Hàng Hải, nơi đội kéo co này đang sinh sống. Cái tên Hàng Hải nghe có vẻ biển cả này lại có một xuất xứ khá hay, gắn bó với vùng đất núi non trùng điệp này. Theo ông K’Brôh, ngày trước nơi đây có một buôn người dân tộc thiểu số địa phương tên Hàng Ràng, sau đó những người dân lập nghiệp đến đây đa số từ Hải Hậu - Nam Định phía bắc, một thôn mới được tách ra từ buôn cũ, khi đặt tên vẫn giữ cái tên đầu tiên - Hàng, còn chữ Hải ở sau được lấy từ địa danh Hải Hậu.

Chiến thắng từ thôn đến tỉnh

Như tất cả các thành viên của đội kéo co nữ nông dân này cho biết, đây là lần đầu tiên họ tham gia đội kéo co của thôn. “Chưa bao giờ tham gia một môn thể thao nào”- chị Lược khẳng định.

Theo yêu cầu của huyện, trong kỳ Đại hội TDTT cấp cơ sở vừa qua, mỗi xã ít nhất phải có 5 môn thi đấu, nên bên cạnh các môn bóng đá, bóng chuyền vốn phổ biến tại đây, xã Gung Ré đã chọn thêm môn kéo co. Theo tinh thần của xã, thôn Hàng Hải vận động các phụ nữ trong thôn thành lập đội tuyển kéo co thôn thi đấu ở xã.

“Chẳng tập luyện gì nhiều, thôn chọn được 10 người để vận động tham gia, 8 người kéo chính, 2 dự bị, thế là ráp vào rồi đi thi, lúc đầu thi cũng chỉ để cho vui thôi” - chị Minh kể lại. Nhưng rồi đội nữ thôn Hàng Hải cứ thắng liên tiếp các đội trong thôn của mình rồi đến các đội khác tại xã Gung Ré để giành chức vô địch xã “Cứ kéo là thắng, chắc là nhờ làm vườn, vác nặng leo dốc hằng ngày nên mới khỏe như vậy” - chị Lược hài hước.

Được chọn đại diện Gung Ré thi đấu giải cấp huyện, đội nữ Hàng Hải đã một lần nữa gây ngạc nhiên lớn khi lần lượt vượt qua các đội nữ rất mạnh lâu nay của Di Linh, trong đó có những đội nữ ở các xã vùng dân tộc thiểu số. Cũng nói thêm một chút là thể thao phong trào Di Linh phát triển rất tốt lâu nay, trong đó có các môn rất phổ biến cho nữ giới ở đây như bóng đá nữ, bóng chuyền nữ, kéo co nữ… Thông thường, để dự giải cấp huyện, các xã thường chọn lựa các thành viên nổi bật trong các đội của xã mình để thành lập đội tuyển, tuy nhiên với Gung Ré, đội hình kéo co nữ thôn Hàng Hải vẫn được giữ nguyên và chính đội hình này lại tiếp tục vô địch huyện.

Với giải tỉnh, theo chị Minh, đội cũng có chừng một tháng để cùng nhau chuẩn bị, chủ yếu là tập luyện buổi chiều sau giờ đi làm về. Huấn luyện viên của đội lúc này được huyện tăng cường về giúp xã, đây cũng chính là huấn luyện viên của đội kéo co nam của huyện. Đội kéo co nam Di Linh sau đó cũng giành vô địch giải tỉnh cùng với đội nữ Hàng Hải.

Những ngày đội kéo co nữ Hàng Hải lên tỉnh thi đấu, như Bí thư thôn Đỗ Trọng Dinh cho biết, thôn rộn ràng như một ngày hội. Nào là thành viên trong gia đình, nào là người trong xóm cùng lên cổ vũ tinh thần cho đội thi đấu. “Đi thì đi nhưng cũng lo lo vì không biết có được giải hay không” - chị Minh nhớ lại. Nhưng trước tinh thần cổ vũ nồng nhiệt của thôn và của người thân, các chị cũng cố gắng hết mức. Cũng nói thêm rằng, trong thôn có những ông chồng có vợ đi thi đấu, sáng lại vượt hơn 70 km phóng xe máy lên Đà Lạt cổ vũ, chiều xuôi về lại Di Linh để lo việc nhà khi vợ đi vắng.

Ấn tượng nhất trong hành trình chinh phục Huy chương Vàng và chiếc cúp vô địch kéo co nữ cấp tỉnh của đội thôn Hàng Hải chính là chiến thắng trong trận chung kết trước đội nữ Sở Giáo dục - Đào tạo Lâm Đồng. Đội này gồm những học sinh của Trường Dân tộc Nội trú tỉnh vốn được tập luyện bài bản, thi đấu rất ổn định trong giải cho đến trước trận đấu này.

Cũng cần nêu những cái tên trên hành trình chiến thắng đó của đội thôn Hàng Hải. Đó là chị Minh - đội trưởng, chị Lược, chị Đậu, chị Hiền đã nhắc tên ở trên, là chị Lê Thị Yến, chị Ninh Thị Lành, chị Nguyễn Thị Ánh, chị Dương Thị Thủy, chị Vũ Thị Ngoan. Thể thao đã mang lại cho các chị niềm vui và những giây phút đáng nhớ trong cuộc đời. Trong những căn nhà của các chị ở Gung Ré khi tôi có dịp ghé thăm đó, vẫn thấy những chiếc Huy chương Vàng được treo ở những chỗ trang trọng.

VIẾT TRỌNG

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/thethao/201907/co-mot-doi-keo-co-nu-vo-dich-tinh-o-di-linh-2954543/