'Có một Hà Nội trong tôi…'
Hà Nội - 'Trái tim hồng' của đất nước luôn nhận được sự quan tâm, yêu mến của bao người như câu hát 'Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội'. Với không ít văn nghệ sĩ, tình yêu ấy được thể hiện qua các tác phẩm tâm huyết, ở nhiều loại hình cùng với những cảm xúc đau đáu khôn nguôi dành cho Hà Nội…
Nhà văn, nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Quý: “Khảo cứu và viết về những đổi thay cũng là cách giữ lại những giá trị vốn có”
Tôi thực lòng không dám nhận tình cảm “thiên vị” của mình dành cho Hà Nội là một kiểu tình yêu. Tôi cho rằng mỗi người viết về nơi nào cũng cần dành nhiều thời gian quan tâm, đào sâu thông tin và viết có trách nhiệm về nơi chốn đó. Được gọi là “nhà Hà Nội học”, với tôi là sự ưu ái của mọi người dành cho. Hà Nội đem lại nhiều giá trị tốt đẹp cho chúng ta, điều ấy cắt nghĩa vì sao nhiều người yêu mến cuộc sống có nhiều tầng nấc văn hóa phong phú ở đây. Và công việc của người viết văn hay khảo cứu về Hà Nội đương nhiên phải giúp họ có được sự giàu có tinh thần đó.
Tôi bắt đầu công việc từ những khía cạnh nhỏ của đường phố, của đời sống con người Hà Nội cho đến những cộng đồng văn hóa, giáo dục, các nhà trí thức hay văn nghệ sĩ đã bồi đắp khung cảnh văn hóa của đô thị này suốt vài thế kỷ qua. Chính xác thì tôi có xu hướng muốn hình dung lại khung cảnh Hà Nội bằng nhiều dữ kiện văn hóa tản mát, giờ bằng những phương pháp nghiên cứu hay cách viết của mình, tôi có thêm những khung cảnh thú vị cho riêng mình. Từ đó tôi muốn chia sẻ với những người đọc sách và cả xem bằng các loại hình đa phương tiện kết hợp nghe nhìn những gì mình đã làm ra.
Sự thực là có một nỗi hoài niệm man mác trong tâm trí người Hà Nội với những giá trị họ coi là truyền thống. Bản thân tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, cũng sớm có những suy tư như thế. Và khi tôi viết, tôi nhận ra mình phải sống “hòa thuận” với cách nghĩ như vậy, cho dù không phải lúc nào mình cũng muốn giữ những cái cũ mãi. Mình cũng muốn cái mới, cái thay đổi, nhưng cái thay đổi phải học được những bài học tốt lành từ cái đã qua. Tôi muốn chỉ ra rằng, vẻ đẹp của một nơi chốn là một sự tổng hòa giữa cảnh quan thiên nhiên, những công trình xây trên đó và đời sống văn hóa tiến bộ của nơi đó. Người Hà Nội tuy có vẻ như hoài cổ nhưng thực tế là nhiều điều ở đây dễ bị lãng quên, và những dấu tích vật chất lẫn ký ức bị biến đổi rất mau chóng. Bằng việc khảo cứu và viết về những đổi thay ấy cũng là một cách giữ lại những giá trị vốn có. Tôi thích đọc lại các tác phẩm của giai đoạn Hà Nội biến đổi từ đô thị thuộc địa thành thủ đô nước Việt Nam độc lập hay giai đoạn cựa quậy đổi thay thời cuối thế kỷ 20. Đó cũng là những thời người Hà Nội bộc lộ những cách thích ứng đặc biệt.
Là một công dân Thủ đô, tôi mong môi trường Hà Nội tốt hơn, các phương tiện giao thông công cộng tiện lợi... Hà Nội cũng phải là nơi mà các không gian tra cứu thông tin được tích hợp dễ dàng như không gian khám phá văn hóa, thư viện hay nơi đọc ngoài giờ hành chính...
Ca sĩ Hồng Nhung: “Tôi có tình yêu lớn dành cho Hà Nội”
Tôi có một tình yêu lớn, cho tôi niềm vui sống, nhìn thấy cái đẹp, cảm nhận được chút ấm áp của hy vọng ngay cả trong những tháng ngày khó khăn nhất, hay những khoảnh khắc đau khổ nhất khi trái tim biết đến những mất mát lớn lao trong đời.
Tình yêu Hà Nội, ngôi nhà của tôi, gia đình của tôi, quê hương của tôi, chiếc nôi ấm vỗ về tâm hồn tôi, nơi có những con người đã yêu thương, đã nâng giấc một tâm hồn nghệ sĩ thơ trẻ, nhạy cảm và mong manh. Tôi còn có biệt danh là Bống (có nghĩa là cá Bống ở Hồ Tây). Tôi biết ơn vì tất cả, để hôm nay, tôi là tôi, người con Hà Nội, dù bé nhỏ mà ôm ấp một tình yêu lớn - được hát, được sáng tạo và nhất là không cô đơn, vì được chia sẻ, được đồng cảm.
Tới giờ, đã bôn ba nhiều, đã chuyển nhà bao nhiêu lần, trong mỗi giấc mơ, nhà của tôi vẫn là ngôi nhà ngói, phía trước có gốc nhãn già, trên đường Điện Biên Phủ, Hà Nội. Thế hệ chúng tôi đi qua một thời đạn bom, một thời hòa bình, trải qua một thời bao cấp, mà giờ các con tôi chỉ thấy di vật để lại trong viện bảo tàng... “Cái khó bó cái khôn”, tôi từ nhỏ đã biết tập cho mình một kỷ luật cá nhân và tôi duy trì tới giờ, để giữ sức khỏe, bảo toàn giọng hát, và nhất là cách tự bảo vệ trái tim, tâm hồn mình để có thể đi qua nỗi buồn, nỗi đau, có khi cả thoáng tuyệt vọng, tập trung hơn vào những điều tích cực, không ngừng học hỏi cái mới, cách trẻ hóa bản thân, luyện đức tin vào cách “có công mài sắt, có ngày nên kim”.
Năm nay là một năm đặc biệt, kỷ niệm 70 năm tiếp quản Thủ đô Hà Nội với bề dày lịch sử văn hóa ngàn năm, tôi xin dành tình yêu và tâm huyết của mình cho những mảnh ghép tinh thần nho nhỏ dành cho quê hương tôi, bao gồm 3 dự án: Phim tài liệu ngắn “Thong dong Hà Nội”, Liveshow “Hồng Nhung hát về Hà Nội” tổ chức tại Nhà hát Hồ Gươm ngày 30/11 và đĩa than cùng tên đánh dấu album thứ 3 của tôi hát về Hà Nội.
NSƯT Phùng Tiến Minh: “Hà Nội là đề tài ám ảnh với tôi”
Sinh ra và lập nghiệp tại Hà Nội, cá nhân tôi thấy, Hà Nội cho tôi nhiều thứ, cả đời sống vật chất và tinh thần. Đặc biệt, Hà Nội cho tôi cảm quan về cuộc sống, cuộc đời, con người. Sự đa dạng về thời tiết, khí hậu dường như cũng tạo nên tính cách đặc trưng, phong thái rất riêng của người Hà Nội: trầm mặc, tinh tế và sâu sắc, lãng mạn. Có lẽ vì thế mà cái chất Hà Nội, tâm hồn ngấm vào tôi từ lúc nào không hay.
Hà Nội là đề tài ám ảnh với tôi, cả ở sân khấu và âm nhạc, đặc biệt trong âm nhạc. Đôi khi thật khó gọi tên hay có thể nói một cách rành rọt, âm nhạc về Hà Nội phải như thế nào, mà chỉ có thể bằng cảm nhận. Chỉ cần nghe văng vẳng giai điệu ấy, ca từ ấy là nhận ra viết về Hà Nội.
Bài hát hay về Hà Nội có rất nhiều. Tôi luôn có khao khát viết về Hà Nội hay được như thế. Nhưng mong mỏi quá lại thành ra áp lực, không viết được. Cho đến một ngày, tự nhiên giai điệu ào đến, chảy tràn trong tôi “Hà Nội của tôi mỗi khi thu về lá rơi vàng/ Xào xạc trong nắng yêu dấu kín con đường xưa..”. (Hà Nội của tôi). Và may mắn là ca khúc nhận được sự yêu mến của đông đảo khán giả.
Trong sự phát triển, có những mâu thuẫn giữa cái cũ và cái mới, giữa hiện đại và truyền thống, sẽ có những điều khiến ai đó chưa hài lòng về Hà Nội. Nhưng tôi cho rằng, quan trọng nhất là phải nhìn vào cái chung. Hà Nội vẫn còn rất nhiều điều đẹp đẽ, tuyệt vời. Điều tôi mong muốn ở Hà Nội, đó là đời sống văn hóa nghệ thuật sôi động, phát triển không chỉ ở bề nổi mà các hoạt động phải thường xuyên và có chiều sâu. Khi gu thẩm mỹ của khán giả nâng cao thì chắc chắn các chương trình nghệ thuật cũng phải thay đổi cho tương xứng.
Đạo diễn Vạn Nguyễn: “Sức sống văn hóa của Hà Nội rất mạnh”
Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình truyền thống, Hà Nội gắn bó với tuổi thơ tôi. Tất cả những yếu tố đó đã khiến tôi yêu Hà Nội theo cách đặc biệt, của một người hoài cổ. Thế giới quan về Hà Nội trong tôi là Hà Nội xưa với phố cổ, mái ngói rêu phong, những phong tục tập quán, nề nếp từ bao đời, những giá trị xưa cũ, những món ăn mang phong vị Hà Nội. Thế nên, trong nghệ thuật tôi vẫn lấy giá trị Hà Nội xưa làm quy chiếu. Hà Nội là nơi có di sản hàng đầu trong cả nước. Tôi cho rằng, thương hiệu của Hà Nội là di sản.
Từ quan niệm đó, trong quá trình thực hiện các chương trình nghệ thuật cho Hà Nội, tôi cũng đều lấy thước đo là giá trị truyền thống. Tôi thực hiện những chương trình có âm nhạc dân tộc dân gian như ca trù, hát xẩm hay sử dụng những ca khúc về Hà Nội của các nhạc sĩ Hoàng Hiệp, Phan Nhân, Trần Tiến, Phú Quang… và mời những ca sĩ nổi danh gắn liền với nhạc phẩm ấy để khán giả được sống trọn vẹn với không gian Hà Nội, cảm xúc Hà Nội… Những chương trình nghệ thuật của tôi luôn bắt nguồn từ sự trân trọng quá khứ, muốn bảo vệ những giá trị truyền thống và bởi vẫn có nhiều khán giả yêu Hà Nội của ngày xưa.
Một điều mà tôi thấy tự hào đó là sức sống văn hóa của Hà Nội rất mạnh. Hà Nội có một nền văn hóa được đúc kết, trui rèn, bảo tồn và lưu truyền khiến dù sau này, Hà Nội mở rộng, nhiều người từ nơi khác đến, một số giá trị truyền thống bị mai một nhưng đâu đó vẫn ủ giữ. Vẫn có những người yêu Hà Nội cổ xưa và có ý thức trau truyền lại cho đời sau. Tuy nhiên, vẫn có nỗi tiếc nuối là phố phường Hà Nội còn đó nhưng “người Hà Nội” đúng nghĩa còn ít quá.
Tôi cho rằng, hoạt động nghệ thuật của Hà Nội khá phong phú ở cả lĩnh vực nhà nước và ltư nhân. Nhưng vẫn thiên về hoạt động bề nổi hơn là tính chuyên sâu. Đặc biệt, đa số vẫn là sân chơi dành cho tuổi trẻ. Lứa tuổi trung niên và người già ít có không gian nghệ thuật để thưởng thức. Vì thế, với công việc của mình, tôi đang cố gắng để có nhiều không gian nghệ thuật hơn cho lứa tuổi này.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/van-hoa/co-mot-ha-noi-trong-toi-i749520/