Có một Lâm Đồng giữa lòng thành phố Hà Giang
Giờ đây, nhiều địa danh ở Hà Giang vẫn mang tên Lâm Đồng và ngược lại như minh chứng cho tình cảm gắn kết giữa 2 tỉnh kết nghĩa 60 năm về trước.
Những năm 60 của thế kỷ trước, nhằm động viên quân dân miền Bắc thi đua lao động sản xuất và chiến đấu bảo vệ miền Bắc, chi viện cho miền Nam theo tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, ở miền Bắc đã xuất hiện nhiều phong trào yêu nước, trong đó có phong trào kết nghĩa Bắc - Nam xuất hiện đầu tiên giữa tỉnh Hà Nam và tỉnh Biên Hòa. Sau thời gian ngắn, phong trào đã bùng khắp miền Bắc và đã có nhiều tỉnh, thành phố ở miền Bắc kết nghĩa với tỉnh, thành phố ở miền Nam. Hưởng ứng phong trào kết nghĩa thắm tình đoàn kết đó, ngày 1/9/1960, tỉnh Hà Giang địa đầu cực Bắc của Tổ quốc cũng đã kết nghĩa với tỉnh Lâm Đồng.
Sau khi kết nghĩa, hai tỉnh Hà Giang và Lâm Đồng đã hiện thực hóa bằng những hành động cụ thể, khẳng định sự đoàn kết, gắn tình keo sơn. Từ mảnh đất Hà Giang biên cương, bà con các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, của cách mạng đã hành quân vào Lâm Đồng vừa xây dựng kinh tế mới, vừa củng cố, bổ sung lực lượng cho cách mạng miền Nam, để cùng với anh em các dân tộc Lâm Đồng bảo vệ, chiến đấu, giải phóng tỉnh Lâm Đồng và sau này là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Cũng sau ngày kết nghĩa giữa 2 tỉnh, tại huyện Bảo Lộc nay là thành phố Bảo Lộc, nhiều địa danh được mang tên Hà Giang như: Nông trường chè Hà Giang, đường Hà Giang và Khu đô thị mới Hà Giang. Ở căn cứ cách mạng chống Mỹ của huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng, những năm sau ngày giải phóng miền Nam đã thành lập HTX Hà Lâm được ghép tên kết nghĩa giữa tỉnh Hà Giang và Lâm Đồng.
Ở Hà Giang, một số địa danh của tỉnh mang tên Lâm Đồng cũng được hình thành; như con đường Lâm Đồng nằm giữa lòng thành phố Hà Giang xinh đẹp, văn minh và hiện đại. Đi trên con đường mang tên Lâm Đồng rợp sắc cờ đỏ sao vàng, giữa những ngày Tháng Tám lịch sử, bà Trần Thị Báu (84 tuổi), người chứng kiến sự đổi thay của Hà Giang nói chung, của bà con lối phố Lâm Đồng nói riêng, chia sẻ: Ngày trước, đường Lâm Đồng là con đường dân sinh chỉ lác đác vài ngôi nhà của cán bộ tỉnh. Sau này, tuyến đường được Nhà nước mở rộng, có tên đường là Lâm Đồng và thông với đường An Cư, chứ không phải là đường cụt như trước. Cũng từ khi đường Lâm Đồng được nâng cấp, sửa chữa, nhiều hộ đã về đây dựng nhà, sinh sống. Đến bây giờ thì rất sầm uất, phố xá rợp bóng mát của cây xanh…
Bên cạnh con đường mang tên Lâm Đồng, ở Hà Giang còn một số địa danh như: Hợp tác xã mang tên Lâm Đồng và đặc biệt là Công trường Lâm Đồng mở đường Bắc Quang đi huyện Hoàng Su Phì. Ông Triệu Đức Thanh - Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, cho biết: Khi tôi còn làm Bí thư Đoàn xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì những năm 60, tôi được huyện Hoàng Su Phì trưng tập đi các xã: Sán Sả Hồ, Pờ Ly Ngài, Nàng Đôn, Trung Thịnh, Ngán Chiên, Thu Tà, Cốc Rế, Tả Nhìu, Chế Là và Nấm Dẩn tuyển thanh niên làm công nhân mở đường từ Bắc Quang vào Hoàng Su Phì, con đường đó mang tên tỉnh kết nghĩa với Hà Giang là Lâm Đồng. Từ đó, hàng hóa được thông thương, bà con các dân tộc được đi lại thuận tiện.
Năm 1965, hưởng ứng lời kêu gọi ủng hộ đồng bào miền Nam chống Mỹ, mặc dù Hà Giang những năm tháng đó còn rất nhiều khó khăn về mọi mặt, nhưng tất cả vì miền Nam ruột thịt, vì bà con Lâm Đồng thân thương, Tỉnh ủy Hà Giang đã giao cho Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phát động các chi hội quyên góp, ủng hộ hiện vật cho đồng bào tỉnh Lâm Đồng, hiện vật đóng góp được quy ra tiền khoảng 4,5 triệu đồng. Đặc biệt, năm 1967, nhằm chuẩn bị lực lượng cho chiến dịch giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã thành lập tiểu đội mang tên Lâm Đồng. Tiểu đội Lâm Đồng thành lập đã huy động những chàng trai của mảnh đất biên cương sẵn sàng lên đường cho chiến trường miền Nam. Sau khi thành lập được 1 năm, Tiểu đội Lâm Đồng được xác nhập vào Sư đoàn 304 tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Tròn 60 năm kết nghĩa giữa 2 tỉnh Hà Giang và Lâm Đồng, 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Nhân dân các dân tộc hai tỉnh đã cùng với Nhân dân cả nước hợp lực sức mạnh, đoàn kết thống nhất, chung sức, chung lòng, kiên cường, ý chí đấu tranh giành chính quyền, đánh đuổi đế quốc Mỹ để giải phóng non sông, đất nước thu về một mối. Và, những người con cùng với các địa danh được hình thành mang tên 2 tỉnh Hà Giang và Lâm Đồng trong những năm kháng chiến đó đến bây giờ ngày càng phát triển. Cùng với những chuyến thăm, làm việc giữa lãnh đạo 2 tỉnh trong những năm vừa qua càng khẳng định thêm mối quan hệ thân thiết, gắn bó sâu sắc, chân tình của hai địa phương, để cùng chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa, phát triển du lịch và hướng tới tương lai.