Có một 'ngân hàng' đặc biệt để… cứu người

Việt Nam có nhiều đảo, có nhiều địa bàn thuộc vùng sâu, vùng xa nên việc bảo đảm nguồn máu để cấp cứu người bệnh vô cùng cần thiết. GS.TS Nguyễn Anh Trí nguyên Viện trưởng Viện Huyết học-truyền máu Trung ương cho biết, không phải nơi nào cũng có chi phí để trang bị tủ lạnh và hệ thống thiết bị cần thiết cho việc trữ máu.

Cả nước có khoảng 3.000 đảo, nên nếu trang bị 3.000 chiếc tủ lạnh thì chi phí không hề nhỏ. Chưa kể huy động, vận chuyển máu ra đảo cũng rất phức tạp, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa khác. Vì vậy, xây dựng lực lượng hiến máu dự bị tại chỗ là phương án tối ưu nhất, bởi những “ngân hàng máu sống” này có thể cung cấp máu bất cứ lúc nào cần. Ở nhiều địa bàn vùng sâu, vùng xa, “ngân hàng máu sống” thực sự là cứu cánh cho nhiều người bệnh cũng như thầy thuốc trong những trường hợp khẩn cấp. Bởi, việc tạo nguồn máu ở những địa bàn này không dễ như ở các vùng đô thị, nhu cầu cần máu cũng không nhiều bằng nhưng khi đã cần là rất cấp thiết, bởi nếu không có máu truyền bệnh nhân gần như mang “án tử”.

“Ngân hàng máu sống” là tâm huyết và sự dày công nghiên cứu của Viện Huyết học-truyền máu Trung ương trong những năm qua. Từ mô hình của đề tài “Nghiên cứu xây dựng nguồn người hiến máu dự bị ổn định, bền vững cho vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo” do GS. TS Nguyễn Anh Trí và PGS, TS Bùi Thị Mai An đồng chủ nhiệm, được triển khai thí điểm tại 4 huyện: Phú Quốc (Kiên Giang), Cát Hải (Hải Phòng), Tịnh Biên (An Giang), Điện Biên Đông (Điện Biên), đến nay nhiều “ngân hàng máu sống” được thành lập tại huyện đảo Lý Sơn, Cồn Cỏ, Bạch Long Vĩ, Phú Quý, Trường Sa hay các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, như: Đồng Văn (Hà Giang), Si Ma Cai (Lào Cai), Bố Trạch (Quảng Bình)…

Tại những địa bàn vùng sâu, vùng xa, khu vực hải đảo“ngân hàng máu sống” thực sự là cứu cánh cho nhiều người bệnh cũng như thầy thuốc trong những trường hợp khẩn cấp. Ảnh tư liệu

Tại những địa bàn vùng sâu, vùng xa, khu vực hải đảo“ngân hàng máu sống” thực sự là cứu cánh cho nhiều người bệnh cũng như thầy thuốc trong những trường hợp khẩn cấp. Ảnh tư liệu

Tham gia CLB hiến máu dự bị huyện đảo Phú Quốc từ ngày đầu thành lập, anh Võ Phong Hầu, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đã có nhiều lần hiến máu tình nguyện, trong đó có những lần hiến máu khẩn cấp. Trong số những lần hiến máu khẩn cấp, anh Hầu nhớ nhất lần hiến máu cho một cụ bà hơn 60 tuổi, nhập viện trong tình trạng rất mệt, choáng váng, khó thở, huyết sắc tố giảm, có tiền sử xuất huyết tiêu hóa, xơ gan... Bệnh nhân đã được truyền 4 đơn vị khối hồng cầu.

Tuy nhiên, việc cung cấp khối hồng cầu từ đất liền không đáp ứng được so với nhu cầu sử dụng tại đảo, do đó cần phải truyền máu toàn phần thay thế. Sau khi nhận được điện thoại huy động hiến máu khẩn cấp của BV, anh Hầu đã có mặt hiến máu chỉ sau vài phút. Anh Hầu kể thêm trong lúc nằm nghỉ sau hiến máu, có một người đàn ông cầm một ly trà đường vào đưa cho anh. Đôi mắt rưng rưng đỏ hoe, người đàn ông giới thiệu là con trai của bà cụ vừa được anh cho máu. Người đàn ông ấy bắt tay anh thật chặt và cảm ơn làm anh vô cùng xúc động. Đó là lần đầu tiên và cũng là duy nhất anh được biết người mình cho máu và nhận được lời cảm ơn của họ.

CLB hiến máu dự bị anh Hầu tham gia có vài chục thành viên. Anh Hầu cho biết, tất cả đều sẵn sàng thu xếp công việc để đến cho máu bất cứ khi nào BV cần. Việc hiến máu có thể là một việc làm hết sức bình thường nhưng chỉ khi trong những hoàn cảnh nguy cấp người ta mới thấy việc làm này có ý nghĩa lớn như thế nào. Do vậy, mỗi lần BV cần và gọi là anh sẽ đến ngay. Anh Hầu luôn tâm niệm: “Trong cuộc sống nếu mình làm việc thiện sẽ có những việc thiện khác đến với gia đình mình, những người có đủ sức khỏe đừng e ngại tham gia hiến máu”. Hiến máu không hề ảnh hưởng tới sức khỏe, khoa học cũng chỉ ra rằng, hiến máu còn giúp tái tạo lượng máu trong cơ thể, rất tốt cho sức khỏe. Thực tế, nhiều người lớn tuổi đã đi hiến máu và hiến máu tận 60 đến 70 lần mà không hề có vấn đề gì. Họ chỉ nghĩ rằng giọt máu của mình sẽ giúp đỡ được cho những trường hợp bất hạnh, góp phần cứu giúp những người bệnh cần máu.

Ông Phạm Tuấn Dương, Phụ trách Trung tâm Máu quốc gia cho biết: “Chúng tôi đã phối hợp với cơ sở y tế các địa phương tổ chức tuyển chọn, xét nghiệm nhóm máu, các bệnh lây truyền qua đường máu và lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn, tự nguyện tham gia "ngân hàng máu sống". Những "ngân hàng" này được thành lập dựa trên lực lượng hiến máu dự bị để bảo đảm máu được dự trữ ngay trong chính những người dân khỏe mạnh. Số lượng thành viên hiện tuy chưa đông nhưng khi cần có thể huy động kịp thời, an toàn”.

Đăng Quý

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/co-mot-ngan-hang-dac-biet-de-cuu-nguoi-151934.html