Có một nước Nga ở Hòa Bình

Nhận được cuốn sách của anh bạn đồng môn tặng mà mừng. Tập thơ dịch 'Thơ Ê-xê-nhin' mà chính anh là dịch giả, từ nguyên bản tiếng Nga… Lật giở mỗi trang, đọc những câu thơ mang đậm 'chất Nga' bỗng lại thấy nhớ bao điều, bao câu chuyện về nước Nga xa xôi mà anh từng có gần 10 năm theo học và công tác. Trong đó, thủ đô Mat-xcơ-va anh có tới 6 năm gắn bó.

 Du khách tham quan Bảo tàng trên Công trình thủy điện Hòa Bình-Biểu tượng của tình hữu nghị Việt Xô

Du khách tham quan Bảo tàng trên Công trình thủy điện Hòa Bình-Biểu tượng của tình hữu nghị Việt Xô

Nhiều lần về Hà Nội, được anh và các bạn học ở Nga dẫn đi một vài quán ăn, thưởng thức món ăn Nga và nghe âm nhạc Nga mà thấy tuyệt vời làm sao. Trong không gian Nga, ngắm nhìn bức tranh "Mùa thu vàng" của Lê-vin-tan, nghe "Chiều ngoại ô Mát-xcơ va", "Triệu bông hồng", "Ánh trăng" qua các giọng hát nổi tiếng thời Liên Xô (cũ) mà thấy xúc động, xen lẫn một chút ghen tị (vì chưa từng được đến thăm quê hương Cách mạng Tháng Mười). Rồi một câu nói của anh và một người bạn học cũ vang lên: "Hòa Bình còn nhiều dấu tích của Liên Xô (cũ) mà…", khiến bao điều tha thiết, chân thành ùa về…

Vâng, Liên Xô (cũ) và nước Nga hiện nay chưa bao giờ phai mờ trong tâm khảm biết bao người. Trên đất nước Việt Nam, biết bao công trình mang dấu ấn Việt Nam - Liên Xô. Ở Hòa Bình, Nhà máy thủy điện Hòa Bình - công trình biểu tượng cho tình hữu nghị Việt - Xô luôn là điểm đến thăm quan, tìm hiểu của du khách gần xa. Mỗi khi chiều buông, nắng tắt, đêm về, bao du khách đứng từ phía cầu Hòa Bình nhìn về quầng sáng lung linh từ phía nhà máy mà tưởng tượng, ngẫm nghĩ về một thời sôi động, vất vả, gian nan đã qua. Trên khu vực Bảo tàng Thủy điện, nơi lưu giữ những hiện vật, hình ảnh một thời đó vẫn còn bức thư của những người xây dựng thủy điện gửi thế hệ mai sau. Thật đẹp và lãng mạn. Bao cung bậc tình cảm dâng tràn khi cũng trên cung đường đó, vào thắp hương cho những người đã ngã xuống trong quá trình xây dựng nhà máy thủy điện, trong đó, có 11 chuyên gia Nga. Họ đến từ Liên Xô xa xôi và đã nằm xuống cho dòng điện tỏa sáng muôn nơi. Câu thơ được khắc tại nơi đây bay trong không gian như nhắc nhở bao thế hệ: Không ai bị quên lãng/ Không điều gì bị lãng quên… Vâng, chẳng có điều gì đẹp đẽ, ân tình lại bị lãng quên cả. Trong ký ức của nhiều cựu sinh viên từng học ở Nga, của nhiều kỹ sư, cán bộ, công nhân từng được chung sức trên công trình thế kỷ ở Hòa Bình vẫn lưu lại sự ấm áp, chân tình từ những người bạn Nga một thời. Chính họ đã truyền cho nhiều người bạn Việt những giá trị nhân văn của Liên bang Xô viết và điều đó vẫn chảy trong huyết quản cùng thời gian…

Trên địa bàn TP Hòa Bình đâu đó vẫn còn những dấu tích về một thời đáng nhớ. Núi Đúng, khu chuyên gia Liên Xô với những hạng mục khơi gợi bao điều cho du khách khi đến đây. Nhà hát mùa hè, nhà hát mùa đông, những tòa nhà tựa lưng vào đồi, bể bơi nước trong xanh… cùng gương mặt những chuyên gia, cậu bé, cô bé Nga nô đùa ở khu vui chơi dưới bóng nắng, tán lá hoàng lan dường như còn đó. Lớp chuyên Nga, trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ từng đón các chuyên gia, học sinh Nga đến giao lưu. Cái tên phường Hữu Nghị cũng gợi lên cả một thời gắn bó; các trường tiểu học, THCS Hữu Nghị, chợ Hữu Nghị cũng đều chung xuất phát điểm đó…

Đêm về, đi trên những con đường Thịnh Lang, Hữu Nghị, Cù Chính Lan… thấy ánh sáng điện từ thủy điện Hòa Bình càng rực rỡ, vươn tỏa hơn. Vang đâu đó bài hát của nhạc sỹ An Thuyên (lời thơ Quang Huy): "Một đêm trăng lên thấp thoáng, tôi nghe tiếng Ba-la-lai-ka, lặng nghe khúc hát Von-ga, bồng bềnh trên sóng nước sông Đà. Tưởng như thiên nga chắp cánh, khi nghe tiếng Ba-la-lai-ka, Bạch Dương ru hát xa vời, cùng về trên khúc hát quê tôi…”.

Tản văn của Bùi Huy

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/135256/co-mot-nuoc-nga-o-hoa-binh.htm