Có nên bỏ giấy chuyển tuyến bảo hiểm y tế?

Trước đề xuất bỏ giấy chuyển tuyến bảo hiểm y tế, góp ý vào dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (dự thảo Luật) tại phiên họp tổ chiều 24.10, ĐBQH Nguyễn Tri Thức (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng cần cân nhắc kỹ.

Hai hệ lụy khi bỏ giấy chuyển tuyến

Theo đại biểu Nguyễn Tri Thức, dự thảo Luật chủ yếu điều chỉnh một số nội dung liên quan đến Luật Khám bệnh, chữa bệnh mới nhất; việc sửa đổi sao cho phù hợp với những quy định mới của Luật Khám bệnh, chữa bệnh là chính.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh mới đã thay đổi phân cấp hệ thống cơ sở khám chữa bệnh từ “phân tuyến” (4 tuyến), thành “phân cấp” (3 cấp). Tuy nhiên, những nội dung thay đổi trong dự thảo Luật này vẫn giữ “bệnh viện huyện”, “bệnh viện tỉnh”; dùng từ “thông tuyến” là chưa phù hợp với Luật Khám bệnh, chữa bệnh mới. Vì thế, ban soạn thảo cần cân nhắc.

 Đại biểu Nguyễn Tri Thức phát biểu. Ảnh: Đ. Thanh

Đại biểu Nguyễn Tri Thức phát biểu. Ảnh: Đ. Thanh

Điểm a, khoản 1, Điều 1 của dự thảo Luật quy định "cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo đăng ký của người tham gia bảo hiểm y tế để được quản lý sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh, chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế và hưởng đầy đủ quyền lợi bảo hiểm y tế phù hợp với phạm vi chi trả của quỹ bảo hiểm y tế, được thể hiện trên thẻ bảo hiểm y tế của người tham gia bảo hiểm y tế”. Đại biểu đề nghị bỏ nội dung này.

Lý giải rõ hơn, theo đại biểu, chủ trương hiện nay là thông tuyến toàn quốc cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu, nghĩa là bệnh nhân có quyền đi khám ban đầu tại bất kỳ cơ sở khám, chữa bệnh nào được quy định thông tuyến trên toàn quốc đều được hưởng đầy đủ quyền lợi bảo hiểm y tế theo quy định. Do đó, quy định phải đăng ký một cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu là hình thức tạo thêm thủ tục hành chính không đáng có.

Điều khiến đại biểu băn khoăn, lo ngại là có ý kiến đề xuất bỏ giấy chuyển tuyến trong bảo hiểm y tế, cho rằng điều này sẽ gây ra hai hệ lụy.

Một là, nếu bỏ giấy chuyển tuyến, trong bối cảnh giao thông thuận lợi, bệnh nhân sẽ không khám ở bệnh viện ban đầu mà đi thẳng lên bệnh viện Trung ương (cấp chuyên sâu). Như thế, chỉ 1 – 2 năm sẽ triệt tiêu hệ thống y tế cơ sở, đi ngược lại chủ trương phát triển, củng cố hệ thống y tế cơ sở.

Hai là, hiện nay, một bác sĩ giỏi ở bệnh viện cấp Trung ương thường bị khống chế chỉ mổ một ca bệnh đặc biệt/ngày, do ca bệnh này thường kéo dài 6 - 8 giờ. Điều này nhằm bảo đảm sự an toàn, hiệu quả cho bệnh nhân cũng như chính bác sĩ. Nếu bỏ giấy chuyển tuyến, bệnh nhân sẽ kéo lên bệnh viện chuyên sâu, với áp lực số lượng bệnh nhân như thế thì một bác sĩ sẽ không thể bảo đảm một ngày một ca mổ đặc biệt cũng như các ca phẫu thuật loại 1, 2, 3.

“Nhiều giám đốc bệnh viện cho rằng, chỉ nên bỏ giấy chuyển tuyến trong trường hợp khám ở cấp ban đầu và cấp cơ bản. Nhưng từ cấp cơ bản, hoặc cấp ban đầu mà lên cấp chuyên sâu thì cần phải có giấy chuyển tuyến. Đó là điều rất cần thiết trong ngành y, bởi nhìn vào đó, bác sĩ chuyên sâu sẽ biết quá trình diễn biến bệnh một cách tóm tắt”, đại biểu Nguyễn Tri Thức đề xuất.

 Phiên họp tổ Đoàn TP. Hồ Chí Minh chiều 24.10. Ảnh: Đ. Thanh

Phiên họp tổ Đoàn TP. Hồ Chí Minh chiều 24.10. Ảnh: Đ. Thanh

Phân định rõ mức xử phạt chậm đóng và trốn đóng

Theo dự thảo Luật, sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 3 Điều 49 Luật Bảo hiểm y tế về xử lý vi phạm là: “Bắt buộc đóng đủ số tiền chậm đóng, trốn đóng; nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền bảo hiểm y tế chậm đóng, trốn đóng và số ngày chậm đóng, trốn đóng vào quỹ bảo hiểm y tế; xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật đối với hành vi chậm đóng; xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật đối với hành vi trốn đóng bảo hiểm y tế; không xem xét trao tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng”.

Bày tỏ “hoàn toàn đồng tình” khi dự thảo đưa khái niệm chậm đóng, trốn đóng và biện pháp xử lý, song đại biểu Lê Thanh Phong (TP. Hồ Chí Minh) đề nghị, cần phân biệt rõ mức xử phạt của hành vi chậm đóng và trốn đóng, bởi nếu gộp chung sẽ không phân hóa được mức độ vi phạm.

Theo đó, nếu chậm đóng có thể nộp lại với mức 0,03%/ngày tính trên số tiền bảo hiểm y tế chậm đóng với thời hạn bao lâu, đến hạn mà không làm được thì xử lý hành chính, và sau đó có thể xử lý hình sự. Hành vi xử lý hành chính trong trường hợp trốn đóng cũng phải rõ ràng.

Đại biểu Nguyễn Tri Thức bổ sung, lâu nay, thời hiệu của việc giám định chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đã gây ra mâu thuẫn lớn giữa cơ quan bảo hiểm xã hội và các bệnh viện.

Vì vậy, đại biểu đề xuất, cần bổ sung khoản 4 Điều 29 Luật Bảo hiểm y tế về “Thời hiệu cho hoạt động giám định chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế là 1 quý ngay sau quý đó”; điều này tốt cho cả phía người bệnh.

Một nội dung cũng nhận được sự quan tâm của đại biểu tại phiên thảo luận tổ là bảo hiểm y tế có nên chi trả cho tầm soát ung thư? Đại biểu Nguyễn Trần Phượng Trân (TP. Hồ Chí Minh) kiến nghị, ban soạn thảo có thể xem xét áp dụng chi trả tầm soát ung thư thường gặp nếu tham gia bảo hiểm y tế từ 5 năm trở lên. Việc tầm soát sẽ giúp phát hiện bệnh từ sớm và chi phí điều trị sẽ giảm đi, có lợi cho chính người bệnh cũng như xã hội.

Dẫn kinh nghiệm trên thế giới, trong đó có Hoa Kỳ, đại biểu Nguyễn Tri Thức cho biết, việc thanh toán chi phí cho việc khám định kỳ tầm soát các bệnh ung thư thường gặp như ung thư gan, ung thư vú, ung thư cổ tử cung... đã giảm chi phí điều trị rõ rệt. Đây là xu hướng cần nghiên cứu.

Tuy nhiên, nội dung quy định cụ thể để đưa vào luật sẽ còn nhiều phức tạp, cần nhiều ý kiến, bằng chứng hơn nữa, cũng như cần nhiều thời gian tranh luận, để tiến tới sửa toàn diện Luật Bảo hiểm y tế.

Nhấn mạnh việc chi trả cho tầm soát các bệnh ung thư thường gặp sẽ là xu thế trong tương lai, đại biểu Nguyễn Tri Thức bày tỏ mong muốn bảo hiểm y tế thời gian tới khi cân đối được thì sẽ thanh toán cho tầm soát các bệnh ung thư thường gặp này.

Đan Thanh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/co-nen-bo-giay-chuyen-tuyen-bao-hiem-y-te-post394249.html