Có nên để tòa án xem xét văn bản trái luật?

Việc hiện nay tòa án chỉ được trao quyền kiến nghị sửa đổi, bãi bỏ một văn bản trái pháp luật đặt ra vấn đề về việc mở rộng thẩm quyền cho cơ quan này, giúp gỡ khó trong việc giải quyết các vụ án.

LTS: TAND Tối cao đang lấy ý kiến đối với dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) với nhiều nội dung mới, trong đó có việc xem xét tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản quy phạm pháp luật khi xét xử. Đây là vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận, nhất là những người hành nghề luật.Pháp Luật TP.HCMtrân trọng giới thiệu các ý kiến góp ý này.

Sau tám năm thi hành, TAND Tối cao đánh giá bên cạnh những kết quả đạt được thì Luật Tổ chức TAND năm 2014 cũng bộc lộ một số vướng mắc, bất cập nên việc sửa đổi là khách quan và cần thiết.

Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm trong lần sửa đổi này đó là quy định về thẩm quyền của tòa án liên quan đến các văn bản trái với hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội (QH); pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ QH (sau đây gọi chung là văn bản trái pháp luật).

Thay đổi đề xuất

Luật Tổ chức TAND năm 2014 quy định trong quá trình xét xử vụ án, tòa án phát hiện và kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản trái pháp luật để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

HĐXX một phiên tòa hình sự tại TAND TP.HCM. Ảnh: HỮU ĐĂNG

HĐXX một phiên tòa hình sự tại TAND TP.HCM. Ảnh: HỮU ĐĂNG

Khi đó, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm trả lời tòa án kết quả xử lý văn bản pháp luật bị kiến nghị theo quy định, làm cơ sở để tòa án giải quyết vụ án.

TAND Tối cao cho rằng quy định này dẫn đến tình trạng tòa án phát hiện có văn bản trái pháp luật nhưng cơ quan có thẩm quyền không sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ văn bản đó theo đề nghị của tòa án. Điều này gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án.

Do đó, tại dự thảo (lần hai) Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), cơ quan soạn thảo đã đề xuất bổ sung thẩm quyền “xem xét, quyết định tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản quy phạm pháp luật trong xét xử theo quy định của luật”.

Cụ thể, trong trường hợp cơ quan ban hành văn bản trái pháp luật mà không thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ văn bản theo kiến nghị thì tòa án tiếp tục kiến nghị cơ quan có thẩm quyền bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành văn bản. Khi hết thời hạn pháp luật quy định mà cơ quan có thẩm quyền không sửa đổi, bổ sung, đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ văn bản; hoặc trường hợp có văn bản đề nghị của cơ quan có liên quan thì tòa án có thẩm quyền xem xét, bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật từ cấp bộ trưởng trở xuống và áp dụng văn bản có hiệu lực cao hơn để giải quyết vụ việc.

Tuy nhiên, tại dự thảo mới nhất được công bố trên cổng thông tin điện tử TAND Tối cao (dự thảo 3), cơ quan soạn thảo đã điều chỉnh đề xuất trên theo hướng chỉ bổ sung vào luật quy định nếu “kiến nghị bất thành” thì tòa án áp dụng văn bản có hiệu lực cao hơn để giải quyết vụ việc.

Tưởng sẽ mới nhưng không mới

Trao đổi với PV, ThS Nguyễn Nhật Khanh, Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), đánh giá: Quy định của dự thảo 3 không có gì mới so với quy định hiện nay. Bởi lẽ bản thân tòa án vẫn ở thế bị động khi xem xét, xử lý các văn bản quy phạm trái pháp luật - vẫn chỉ có quyền phát hiện và kiến nghị.

Việc tòa án được áp dụng văn bản có hiệu lực cao hơn để giải quyết vụ việc là bổ sung về câu chữ, quy định nhưng thực chất không phải là quy định mới mà là nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật đương nhiên phải tuân thủ đã được ghi nhận tại khoản 2 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 đang có hiệu lực thi hành.

ThS Khanh cho rằng chỉ khi nào cho tòa có quyền “đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ” văn bản trái pháp luật theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong một số trường hợp thì thẩm quyền của tòa án mới trở nên thực tế.

Nói thêm, luật sư (LS) Bùi Quốc Tuấn (Đoàn LS TP.HCM) cho biết thực tiễn cho thấy có rất nhiều quy phạm pháp luật trái pháp luật mà chưa có quyết định bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành các văn bản đó. Trong khi đó, luật hiện hành chỉ cho phép tòa án có quyền kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ các văn bản này.

“Quy định này chưa thực sự hiệu quả và còn mang tính hình thức” - LS Tuấn nói và cho rằng việc tòa án sau khi kiến nghị phải chờ kết quả xử lý từ cơ quan có thẩm quyền để làm cơ sở giải quyết vụ án làm kéo dài thời gian giải quyết vụ án và tòa án bị động khi xét xử.

Vì vậy, LS Tuấn đánh giá việc bổ sung quyền cho tòa án (như dự thảo 2 - PV) là rất cần thiết, giúp việc xử lý các văn bản trái pháp luật được nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Còn khoảng trống khi kiểm soát tính hợp pháp của văn bản

Dưới góc nhìn của người làm công tác xét xử nhiều năm, LS Phạm Công Hùng (nguyên thẩm phán TAND Tối cao) cho rằng thực tiễn đang tồn tại tình trạng có quyết định và quy phạm pháp luật trái với hiến pháp, luật, nghị quyết của QH; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ QH.

Hiện tại, luật đã giao cho TAND xem xét tính hợp pháp của các quyết định hành chính, hành vi hành chính cá biệt thông qua việc xét xử các vụ án hành chính theo thẩm quyền… Như vậy, việc kiểm soát tính hợp pháp của tất cả quyết định và văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn một khoảng trống cần kịp thời giải quyết.

Từ đó, LS Hùng cho rằng việc bổ sung quyền hạn của TAND được quyền xem xét, quyết định các văn bản trái pháp luật… là phù hợp và cần thiết.

Không dễ xác định văn bản có giá trị pháp lý cao hơn

Về hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật, cho đến nay không có bất cứ quy định nào phân định một cách rõ ràng thứ bậc về giá trị pháp lý của các văn bản quy phạm pháp luật, do vậy trong một số trường hợp, việc xem xét văn bản nào có hiệu lực cao hơn cũng là điều không đơn giản.

ThS Nguyễn Nhật Khanh

Đối với một số văn bản đã được quy định rõ giá trị pháp lý như hiến pháp, luật, bộ luật thì việc so sánh giá trị pháp lý với các văn bản khác sẽ tương đối dễ dàng. Tuy nhiên, đối với các văn bản quy phạm pháp luật còn lại thì việc so sánh giá trị cao thấp là điều không dễ dàng, vì không có quy định cụ thể về phân hạng thứ bậc giá trị pháp lý.

Hiện nay, Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) liệt kê 15 nhóm/loại văn bản quy phạm pháp luật tương ứng với chủ thể có thẩm quyền ban hành từ trung ương đến địa phương. Quy định này có thể “hiểu ngầm” là sự sắp xếp về thứ bậc giá trị pháp lý của các văn bản quy phạm pháp luật, song đây chỉ là nhận định ở góc độ nghiên cứu. Còn việc áp dụng pháp luật trong thực tiễn cần phải dựa vào các quy định tường minh, rõ ràng.

Vì vậy, trong thời gian tới, thiết nghĩ QH cũng cần xem xét bổ sung trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật một điều khoản rõ ràng, cụ thể về xếp hạng giá trị pháp lý của các văn bản quy phạm pháp luật để việc áp dụng pháp luật nói chung và trong hoạt động xét xử của tòa án nói riêng sẽ dễ dàng hơn.

ThS NGUYỄN NHẬT KHANH,

Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM)

YẾN CHÂU

Nguồn PLO: https://plo.vn/co-nen-de-toa-an-xem-xet-van-ban-trai-luat-post751134.html