Có nên mua vàng khi giá liên tục lập đỉnh?

Từ đầu năm 2023 đến nay, giá vàng thế giới đã tăng hơn 20%. Vì thế, khi giá vàng thế giới tăng, vàng trong nước không thể đứng yên được bởi sản xuất vàng trong nước không đáng kể, chủ yếu nhập từ thế giới.

Vì sao giá vàng liên tục lập đỉnh mới?

Từ đầu tuần tới nay giá vàng miếng SJC tăng thêm 4 triệu đồng/lượng so với cuối tuần trước. Giá vàng miếng SJC đang ở mức cao nhất trong nhiều tháng qua. Tương tự, giá vàng nhẫn 99,99 và vàng trang sức tiếp tục lập đỉnh lịch sử mới. Diễn biến nhảy vọt của giá vàng trong nước do ảnh hưởng từ giá thế giới, khi trên thị trường quốc tế, kim loại quý đã tăng vọt lên tới 2.730 USD/ounce.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp, Học viện Tài chính cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến giá vàng tăng không ngừng thời gian qua. Do xung đột giữa Nga và Ukraine. Đây là một trong những vấn đề rất quan trọng vì xung đột này làm đứt gãy chuỗi cung ứng của thế giới, làm giá nguyên vật liệu sản xuất kinh doanh tăng. Khi sản xuất khó khăn, người ta lại mua và dự trữ nhiều vàng.

Giá vàng liên tục lập đỉnh do các yếu tố của thị trường thế giới và trong nước.

Giá vàng liên tục lập đỉnh do các yếu tố của thị trường thế giới và trong nước.

Bên cạnh đó, xung đột giữa hai quốc gia này còn làm nguồn cung vàng giảm đáng kể do Nga là quốc gia sản xuất vàng lớn của thế giới. Khi xung đột xảy ra, Nga bị bao vây, cấm vận, việc bán vàng ra thế giới gặp khó khăn và nguồn cung giảm là điều tất yếu.

Khi giá trị của đồng USD đi xuống sau động thái tăng 0,5 điểm % lãi suất điều hành của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng giúp giá vàng tăng lên. Trong thời gian qua, lạm phát giảm nên chính phủ Mỹ và nhiều nước trên thế giới thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, nâng lãi suất đồng tiền của mình. Khi nâng lãi suất, có nghĩa là đồng tiền bị mất giá so với đồng tiền khác và đặc biệt bị mất giá so với vàng. Việc tăng lãi suất khiến các nhà đầu cơ, nhà đầu tư kỳ vọng vàng tăng giá hơn so với đồng USD.

"Qua nghiên cứu trước đó, tôi thấy có 3 lần lãi suất đồng USD tăng lên khiến kỳ vọng vàng tăng giá rất mạnh so với đồng USD, ít nhất làm tăng đến 22%. Lần cao nhất, giá vàng tăng 32% so với đồng USD. Tại thời điểm này, kỳ vọng tăng giá vàng còn lớn hơn nữa.

Đặc biệt trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine, các nước phương Tây phong tỏa kinh tế Nga, không cho Nga tham gia vào SWIFT. Do đó, nhiều nước trên thế giới, bao gồm Nga nhận thấy rằng việc nắm giữ đồng USD nói riêng và các đồng tiền mạnh trên thế giới như bảng Anh, Euro mang tính rủi ro cao. Chính vì thế, ngân hàng trung ương nhiều quốc gia trên thế giới thay vì dự trữ hối đoái bằng USD lại quay sang dự trữ vàng. Điều này làm nhu cầu vàng tăng, kéo giá vàng tăng theo", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích.

Trong khoảng thời gian từ năm ngoái đến năm nay, người dân châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam đều tăng cường mua vàng (kể cả vàng miếng và vàng nhẫn). Điều này cũng làm giá vàng thế giới tăng.

Một trong những yếu tố gần đây là cuộc xung đột giữa Israel với Iran và các lực lượng ủy nhiệm ở Trung Đông cũng khiến các nhà đầu tư lo lắng và tìm đến vàng như một tài sản trú ẩn an toàn.

Tất cả các yếu tố trên đã thúc đẩy vàng tăng giá rất mạnh. Từ đầu năm 2023 đến nay, giá vàng thế giới đã tăng hơn 20%. Vì thế, khi giá vàng thế giới tăng, vàng trong nước không thể đứng yên được bởi sản xuất vàng trong nước không đáng kể, chủ yếu nhập từ thế giới.

Thận trọng với "cơn sốt" vàng

Theo chuyên gia, trong bối cảnh giá vàng tăng cao, khả năng sẽ giảm nếu giá tăng quá cao vượt mức cầu. Khi lên quá cao có thể tạo ra bong bóng rồi lao dốc, gây rủi ro cho những người trót mua vàng thời điểm này.

"Theo dự báo, giá vàng tiếp tục tăng trong thời gian tới do chính phủ Mỹ tăng lãi suất. Như vậy, kỳ vọng đồng USD mất giá so với giá vàng vẫn xảy ra, chưa kể đến sự bùng phát của những cuộc xung đột trên toàn cầu và khả năng vàng tăng giá vẫn rất lớn", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định.

Ở Việt Nam nguồn cung hạn chế tạo lực đẩy cho sức cầu mạnh do đó chưa biết lúc nào giá vàng có thể giảm. Tuy nhiên, thị trường vàng miếng được Ngân hàng Nhà nước ổn định giá. Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ tiếp tục siết chặt nguồn cung để có thể trấn át "cơn sốt" vàng. Ngoài ra, nếu mua vàng miếng hoặc vàng nhẫn, nên mua ở các kênh chính thức, tránh mua bán trên thị trường tự do - thị trường không chính thức, không có hóa đơn mua bán, sẽ có thể gặp rủi ro.

Rủi ro lớn cho nhà đầu tư khi mua bán trên các kênh không chính thống bởi không có gì đảm bảo cho chất lượng vàng, những giao dịch không có chứng từ là những giao dịch không đúng quy định có thể vi phạm pháp luật. Do vậy, có nhiều rủi ro về pháp lý cũng như về chất lượng sản phẩm cho người mua vàng.

Đối với những nhà đầu tư nhanh nhạy, linh hoạt, và mua để “lướt sóng” trong thời điểm xáo trộn như thế này càng thấy lời nhiều. Tuy nhiên, giá vàng hiện nay đang rất cao và biến động khó lường. Do đó, nếu người dân không có đủ kiến thức, kinh nghiệm để đầu tư lớn nên cẩn trọng, suy nghĩ kĩ trước khi thực hiện các hành vi mua bán vàng.

Mặt khác, trong tình hình kinh tế Việt Nam phát triển tương đối tốt, khả năng đầu tư vào các lĩnh vực khác cũng rất tốt, đặc biệt là đầu tư trên thị trường chứng khoán, bởi khi sản xuất tăng trưởng, cổ phiếu tăng, đồng tiền Việt ổn định…

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/co-nen-mua-vang-khi-gia-lien-tuc-lap-dinh-169241025112117584.htm