Có nên tiếp tục giảm 2% thuế VAT?

Đến hết ngày 30/6/2024, chính sách giảm 2% thuế suất thuế VAT sẽ hết thời hạn áp dụng. Vậy có nên kéo dài thời gian thực hiện để tiếp tục giảm thuế hay nên dừng lại?

Cộng đồng doanh nghiệp chờ sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng để giải quyết các bất cập trong thực tiễn. Nguồn: quochoi.vn

Cộng đồng doanh nghiệp chờ sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng để giải quyết các bất cập trong thực tiễn. Nguồn: quochoi.vn

Kết quả việc thực hiện chính sách miễn giảm thuế, báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 43 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”, số thuế VAT (giá trị gia tăng) dự kiến giảm khi xây dựng chương trình là 49.400 tỷ đồng. Số thực hiện đạt 44.458 tỷ đồng, trong đó làm giảm thu ngân sách Nhà nước năm 2022 là 41.498 tỷ đồng, làm giảm thu ngân sách nhà nước tháng 1/2023 là 2.960 tỷ đồng, bằng 90% số dự kiến. Trong đó, giảm thuế giá trị gia tăng sản xuất kinh doanh trong nước khoảng 25.200 tỷ đồng, giảm thuế giá trị gia tăng trong hoạt động xuất, nhập khẩu khoảng 19.258 tỷ đồng.

Chính phủ đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 và kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV cho phép tiếp tục áp dụng chính sách giảm 2% thuế suất thuế VAT tương tự như quy định tại Nghị quyết số 43 trong thời gian từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023 và từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 30/6/2024.

Như vậy thời gian thực hiện chính sách giảm 2% thuế VAT sắp kết thúc. Vấn đề đang đặt ra là có nên tiếp tục kéo dài thêm thời gian thực hiện hay dừng lại?

Cuối tuần qua, khi Quốc hội thảo luận về vấn đề này, một số ĐBQH đã đề xuất Quốc hội cân nhắc xem xét cho phép tiếp tục kéo dài việc thực hiện chính sách giảm 2% thuế VAT cho tất cả các mặt hàng đến hết năm 2024.

Ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho rằng, nhiều ý kiến đề nghị giảm thêm vài tháng sang năm 2025 vì đây là thời điểm giáp hạt đối với doanh nghiệp (DN). Như trước đây vào thời điểm mới bắt đầu hết giãn cách, khôi phục các đường bay nên tính đến việc giảm VAT hàng không về 0 hoặc giảm các loại phí và thuế khác, điều này có thể giúp cho ngành hàng không và các ngành khác phục hồi phát triển kinh tế nhanh hơn. Bên cạnh đó, ĐB Mai Văn Hải (Đoàn ĐBQH Thanh Hóa) cũng đề nghị Quốc hội cân nhắc xem xét cho phép tiếp tục kéo dài thêm thực hiện chính sách trong thời gian phù hợp.

Theo ĐB Trần Anh Tuấn (Đoàn ĐBQH TPHCM), nhóm chính sách thành công, mang lại hiệu quả tích cực đối với nền kinh tế là chính sách giảm thuế VAT 2%. Ngoài những nhận định mà chúng ta thấy rõ ràng là chính sách đã góp phần kích cầu nền kinh tế, hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN thì chính sách giảm thuế VAT 2% còn góp phần vào tăng thuế thu nhập cho DN. Do vậy, ông Tuấn đề nghị chính sách giảm thuế VAT 2% tiếp tục được kéo dài trong thời gian tới.

Việc hỗ trợ giảm 2% thuế VAT diễn ra trong bối cảnh đang diễn ra dịch Covid-19, đến nay mọi thứ đã trở lại hoạt động bình thường. Vậy hiện nay tiếp tục giảm thuế VAT liệu có phù hợp? Bởi trong 2 năm đã hỗ trợ gần 44.500 tỷ đồng từ giảm 2% thuế VAT, điều đó đồng nghĩa với việc ngân sách hụt thu lớn. Chưa kể từ 1/7/2024 bắt đầu thực hiện chính sách tiền lương mới, rất cần nguồn lực để thực hiện chế độ tiền lương mới.

Ngay trong quá trình giám sát, Đoàn giám sát cũng chỉ ra nhiều tồn tại trong việc thực hiện miễn, giảm thuế. Cụ thể, về việc xác định một số hàng hóa, dịch vụ không được giảm thuế VAT và một số hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế VAT và tra cứu mã ngành kinh doanh và mã HS code khi nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu, một số DN không nắm rõ các mặt hàng kinh doanh thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ không được giảm thuế VAT.

Đặc biệt, cơ sở kinh doanh tính thuế VAT theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế VAT khi thực hiện xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế VAT. Số tiền giảm thuế VAT đối với trường hợp này thấp, một số cơ sở kinh doanh, người mua hàng hóa dịch vụ không muốn thực hiện theo quy định. Còn một bộ phận khá lớn hộ gia đình, cá nhân kinh doanh nhỏ, lẻ không thực hiện hoặc không có điều kiện thực hiện xuất hóa đơn bán hàng nên không quản lý được giá bán hàng hóa.

ĐB Nguyễn Quang Huân (Đoàn ĐBQH Bình Dương) cũng không đồng tình với việc tiếp tục kéo dài thêm thời gian thực hiện giảm 2% thuế VAT. Ông Huân cho rằng: Nghị quyết 43 là áp dụng trong thời điểm dịch bệnh Covid-19. Việc chính sách hỗ trợ là quý giá nhưng chỉ áp dụng trong ngắn hạn 1-2 năm. Còn khi điều kiện kinh tế - xã hội trở lại bình thường thì nên quay trở lại vận hành bình thường.

Bởi theo ông Huân, khi giảm 2% thuế VAT thì ngân sách tụt thu gần 44,5 nghìn tỷ đồng, trong đó 25 nghìn tỷ đồng là trong nước, còn 19 nghìn tỷ đồng là xuất nhập khẩu. Tới đây người nghèo cần hưởng phúc lợi xã hội thì Nhà nước lấy đâu ra tiền để trợ cấp khi mất hơn 44 nghìn tỷ đồng.

“Thuế VAT bản chất là thuế gián thu, người ta thu của người tiêu dùng nộp cho Nhà nước, còn DN không bị ảnh hưởng gì. Trong lúc dịch bệnh, người dân không chi tiêu thì giảm thuế 2% là hoàn toàn phù hợp để giúp đỡ DN. Còn bây giờ xã hội đã quay trở lại hoạt động bình thường thì phải đưa về trạng thái bình thường. Cho nên việc giảm 2% thuế VAT nên thực hiện đến hết thời điểm 30/6/2024 thì dừng lại, không áp dụng nữa” - ông Huân nói.

H.Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/co-nen-tiep-tuc-giam-2-thue-vat-10280926.html