Có nên uống cà phê trước khi ăn sáng?
Nhiều người có thói quen vừa thức dậy là phải uống ngay ly cà phê rồi mới ăn sáng hoặc thậm chí nhịn ăn để đi làm. Liệu thói quen ấy có gây tổn hại gì cho sức khỏe lâu dài.
Cà phê được coi là thức uống hấp dẫn nhờ hương vị thơm ngon cùng với nhiều ích lợi cho sức khỏe được khoa học chứng thực trong thời gian gần đây, đặc biệt là ưu điểm giúp tăng cường sự tập trung và năng lượng, theo Express.
Thậm chí mới đây, các chuyên gia sức khỏe còn chứng minh cà phê có thể giúp giảm nguy cơ bệnh đa xơ cứng.
Song, điều quan trọng nhất là uống cà phê vào thời điểm nào là phù hợp. Việc tiêu thụ caffein với cái bụng đói trước khi ăn sáng gây bất lợi cho sức khỏe về lâu dài, đặc biệt là với hệ tiêu hóa.
Chuyên gia Nitin Makadia của LloydsPharmacy, hãng dược hàng đầu ở Anh, lý giải: "A xít hydrochloric có chức năng rất quan trọng trong việc hỗ trợ tiêu hóa thức ăn và do đó nó được tiết ra khi bạn ăn vào, ngửi hoặc thậm chí ngay khi bắt đầu nghĩ đến đồ ăn. Trong khi đó, cà phê (kể cả khi đã khử caffein) được cho thấy có thể kích thích sản xuất a xít, dẫn đến nguy cơ gây tổn thương lên niêm mạc dạ dày khi thường xuyên dùng cà phê lúc bụng rỗng".
Tiến sĩ Adam Simon, giám đốc chuyên môn của PushDoctor.co.uk, cho rằng thói quen uống cà phê trước khi ăn sáng có thể gây chứng ợ nóng hoặc khó tiêu. "Dùng cà phê với cái bụng đói còn có thể khiến bạn bị mất nước, từ đó gây nhịp tim bất thường bằng cách tạo áp lực lên tim, và điều này có thể gây ảnh hưởng xấu cho huyết áp của bạn", tiến sĩ Adam nói thêm.
Do đó, các chuyên gia khuyến cáo nên uống cà phê sau khi đã ăn sáng, nếu không thì có thể thêm sữa vào cà phê để tạo điều kiện cho cơ thể hấp thụ các vitamin và dưỡng chất khác, làm giảm tác động xấu của caffein lên bao tử rỗng.