Có nhà máy gỗ ở Đồng Nai cháy 5 năm rồi chưa được đền bù bảo hiểm

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường dẫn chứng, đề nghị sửa luật Kinh doanh bảo hiểm để khắc phục việc bán bảo hiểm rất dễ nhưng khi có sự việc xảy ra thì bên mua khó được đền bù.

Sáng 13/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Theo Tờ trình do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày, việc ban hành Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về hoàn thiện các quy định pháp luật về lĩnh vực bảo hiểm. Khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế. Nâng cao năng lực quản lý, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm; thực hiện hiệu quả các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế trong lĩnh vực bảo hiểm.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tờ trình tại phiên họp.

Mặt khác, Luật Kinh doanh bảo hiểm ra đời cách đây 20 năm, khi thị trường bảo hiểm còn non trẻ, cơ quan quản lý cũng mới thành lập, quy mô thị trường còn nhỏ, các sản phẩm, kênh phân phối chưa đa dạng. Đến nay, trước sự phát triển của thị trường và nhiều quy định pháp luật liên quan thay đổi nên luật đã bộc lộ một số bất cập nhất định, không còn thống nhất, đồng bộ. Một số quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành chưa theo kịp với quốc tế như: quy định về phòng, chống trục lợi bảo hiểm, rửa tiền, tài trợ khủng bố chưa đầy đủ; điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài còn hạn chế; mô hình quản lý tài chính lạc hậu; chưa có yêu cầu về quản trị rủi ro. Do đó, việc sửa đổi luật là cần thiết.

Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) gồm 8 chương, 156 điều.

Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban nhận thấy, Hồ sơ dự án Luật đã được Cơ quan soạn thảo chuẩn bị công phu, cơ bản đầy đủ, đáp ứng quy định, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bài báo cáo thẩm tra.

Về hợp đồng bảo hiểm, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành với các quy định về hợp đồng bảo hiểm và cho rằng hợp đồng bảo hiểm là chế định quan trọng trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cần rà soát và làm rõ các quy định như nguyên tắc thế quyền, hình thức hợp đồng bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm vô hiệu, đơn phương chấm dứt hợp đồng... để bảo đảm nhất quán giữa các quy định trong chính dự thảo Luật, vừa phù hợp với nguyên tắc chung về hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự, vừa bảo đảm tính đặc thù của hoạt động bảo hiểm trong việc bảo vệ quyền và lợi ích các bên.

Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho rằng, việc bán bảo hiểm rất dễ nhưng khi có sự việc xảy ra đền bù rất khó, do đó cần có luật hướng dẫn, thông tư ban hành kèm theo. Ông cũng đề cập tình trạng mỗi đơn vị có hợp đồng riêng, không có chuẩn nào, nên khi có sự cố xảy ra liên quan đền bù thiệt hại thì bên bán bảo hiểm không muốn đền, sau cùng lại đưa nhau ra tòa.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường thảo luận tại phiên họp.

"Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai xảy ra nhiều vụ mấy năm không đền bù. Bên bán bảo hiểm đưa ra một số từ ngữ trong hợp đồng rồi vin vào đó không đền bù cho bên mua. Tôi kiến nghị các cơ quan nhà nước có hợp đồng mẫu, chứ để tùy mỗi doanh nghiệp soạn thảo thì đến lúc tranh chấp rất khó xử lý. Có nhà máy gỗ ở Đồng Nai xảy ra cháy nổ 5 năm rồi chưa được đền bù", ông dẫn chứng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị cần rà soát lại hợp đồng dân sự bởi hiện vấn đề này đang nặng về chuyện bảo vệ lợi ích, rủi ro cho doanh nghiệp cung cấp bảo hiểm, còn người thụ hưởng, người đi mua chưa được chú trọng đúng mức. Quy định làm sao cân bằng giữa bên cung cấp dịch vụ và bên sử dụng dịch vụ, phải rà soát kỹ để đảm bảo bình đẳng, minh bạch, công khai.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thảo luận tại phiên họp.

Theo Chủ tịch Quốc hội, hiện tại, vế bảo hộ cho bên kinh doanh bảo hiểm có hai cơ quan rất rõ là: Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam và Hiệp hội kinh doanh bảo hiểm, còn người sử dụng bảo hiểm chưa có một tổ chức chuyên ngành nào bảo vệ. Do đó, trong dự án luật một mặt cần xem xét tính tương thích của hợp đồng dân sự, mặt khác tính toán việc đảm bảo công bằng lợi ích các bên.

Tán thành với việc cần thiết sửa đổi dự án luật, song Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng băn khoăn khi dự thảo bổ sung một số quy định còn khác nhau giữa các luật liên quan đến bảo hiểm. Ông đề nghị phải rà soát cho đảm bảo thống nhất với Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Luật Phá sản, Bộ Luật dân sự. Đặc biệt, việc cung cấp thông tin cũng như cơ sở dữ liệu cung cấp ra là vấn đề cần quan tâm. Do vậy, phải làm sao để đảm bảo không trái quy định, đảm bảo bí mật đời tư, thông tin cá nhân, gia đình.

Phát biểu giải trình thêm tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định sẽ rà soát lại các nội dung của dự án luật để hợp đồng bảo hiểm bảo vệ quyền lợi, không gây hậu quả cho người tham gia bảo hiểm, cũng như không gây khó khăn cho doanh nghiệp cung cấp bảo hiểm. Đồng thời, về công nghệ thông tin sẽ thiết kế luật theo đúng quy định của Luật An ninh mạng, các luật, nghị định liên quan đến quy định về bảo vệ bí mật cá nhân...

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/co-nha-may-go-o-dong-nai-chay-5-nam-roi-chua-duoc-den-bu-bao-hiem-i628013/