Có những tâm hồn mang theo tà áo

Tháng Ba, 'hội chị em' trên FB rủ nhau mặc áo dài đi làm, đi chơi... Áo dài xuất hiện nhiều hơn trên đường phố tháng Ba, dịu dàng và rộn ràng. Áo dài không chỉ được yêu vì nét đẹp của tà áo, mà còn vì có những câu chuyện, những tâm hồn gửi gắm mang theo.

Thiếu nữ với tà áo dài bên hồ Xuân Hương. Ảnh: Chính Thành

Thiếu nữ với tà áo dài bên hồ Xuân Hương. Ảnh: Chính Thành

Ở Bảo tàng Áo dài Việt Nam có dịp tôi vào thấy một chiếc áo dài mục nát rách te tua được treo trang trọng trên giá đỡ. Mỗi chiếc áo dài ở đây đều có tên gọi theo thời kỳ phát triển của nó, ví dụ như ao dài cách tân, áo dài thời Pháp... Vì là một kẻ có tâm tính hơi lãng đãng nên tôi khó để nhớ tên gọi của từng chiếc áo.

Chiếc áo te tua ấy thực tình tôi cũng không nhớ nổi tên cũng như nhiều “anh chị em” khác của nó. Nhưng câu chuyện đằng sau nó khiến tôi ngay lập tức găm vào trí nhớ của mình. Đó là một chiếc áo dài từ thời thực dân Pháp mới sang xâm lược Đông Dương. Chiếc áo dài này vẫn nhiều nét cổ nhưng bắt đầu có những nhấn nhá mới phù hợp với thời trang thời điểm đó. Một giai đoạn thay đổi rất ngắn của tà áo dài và hầu hết các chủ nhân của tà áo dài chẳng mấy ai có suy nghĩ giữ lại làm... tư liệu lịch sử.

Chiếc áo may mắn còn sót lại ấy của một gia đình được xem là có của ăn của để ở miền Bắc. Chiếc áo được chôn theo chủ nhân của nó khi bà ra đi. Khá lâu sau đó, khi các con cải táng, chiếc áo bị mục rách vài góc. Ông chủ của Bảo tàng Áo dài (Quận 9) đã ngay lập tức đến năn nỉ gia đình cho phép trưng bày tấm áo giá trị ấy trong bảo tàng. Và tấm áo ấy sau rất nhiều đắn đo tính toán của gia đình, nó đã trở thành một trong những chiếc áo dài vô giá trong Bảo tàng Áo dài Việt Nam.

Mẹ tôi, bà tôi, và không biết bao nhiêu người phụ nữ Việt Nam trong hành trình về nơi xa thẳm của mình chọn áo dài để mặc. Khi mẹ nói với tôi rằng, mai mốt mẹ mất, mẹ muốn mặc áo dài, muốn trang điểm. Mặc cho mẹ áo dài của mẹ nhé, vì mẹ thích bộ ấy nhất. Tôi cay sè mắt thương mẹ và tà áo dài duy nhất trong cuộc đời mẹ có. Chiếc áo đó cả đời mẹ chỉ mặc vài lần vì công việc chính của mẹ là bán than tổ ong, mấy khi có dịp mặc tới. Chiếc áo vẫn còn rất mới.

Khi tôi còn nhỏ, lần đầu nhà chuyển từ Trung Đô lên Quang Trung - từ ngoại thành về trung tâm thành phố, ba mẹ con ra Khách sạn Kim Liên chụp hình làm kỷ niệm, gửi bố nơi xa, mẹ cũng chọn áo dài để mặc. Đó là một chiếc áo dài trắng của tiệm ảnh cho người chụp hình mượn mặc. Tôi nhìn lên khung trưng bày những tấm mẫu đẹp của tiệm ảnh, đã có nhiều người cùng mặc tấm áo mượn ấy.

Cũng là khi tôi nhỏ, lần đầu tiên biết chú ý tới một tà áo dài là dịp tết, cô nhỏ hàng xóm xúng xính trong chiếc áo màu hồng đi chơi tết. Ba cô nhỏ là thợ may có tiếng trong khu phố mới có áo dài để mặc. Vào những năm 90 trẻ con đâu được mặc áo dài nhiều như bây giờ. Nhìn cô nhỏ trong chiếc áo dài màu hồng ấy, tôi cứ hình dung ngay hình ảnh một đóa hoa đào thật đẹp trên phố và bất chợt thèm thuồng. Trẻ con nhà nghèo đến tiền mua sách còn không đủ, huống chi một tà áo dài đẹp.

Cho đến ngày đầu tiên tôi có được tà áo dài đầu tiên của mình, một chiếc áo dài trắng đồng phục khi bước vào lớp 10. Trường cấp ba của tôi chỉ quy định mặc áo dài hai buổi thứ Hai và thứ Năm trong tuần nhưng hầu hết bè bạn đều có hai bộ áo dài để thay đổi. Dĩ nhiên tôi cũng muốn bằng bạn bằng bè nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn, những gì không thực sự cần thiết đều tối giản hết sức. Việc đơn giản vậy cũng đủ làm buồn lòng một cô bé đang ở tuổi dậy thì đầy nhạy cảm. Nhưng khi, cô Hoài thợ may mân mê ủi lại chiếc áo dài trước khi giao cho tôi, cười tủm tỉm nói: “Thu Hương sướng thật đấy, cô Hoài thích lắm mà chưa bao giờ mặc áo dài cả. Mà chắc cũng chẳng bao giờ mặc được luôn” thì tôi thấy nỗi buồn của mình vô lí quá. Cô Hoài bị bại liệt từ tấm bé. Hai chân bị khoèo, nên việc mặc áo dài hẳn vô cùng khó khăn. Có những người, việc mặc áo dài vừa vặn trên mình đã là một niềm mơ ước.

Con gái tôi bé tí tuổi đã bắt đầu biết điệu đà làm duyên trong những tà áo dài. Cô bé có vài bộ áo dài để thường xuyên thay đổi. Những chiếc áo dài do mẹ mua, bác Thúy, chị Chi tặng, mỗi khi có dịp mặc con vẫn nhắc người tặng với sự thân tình, quý mến. Sau tà áo ấy là những yêu thương mà một đứa nhỏ cũng có thể cảm nhận được.

Bé con của tôi không hề biết mỗi tháng Ba đến “hội chị em” lại rủ rê nhau mặc áo dài. Bà dì của bé là giáo viên, hết năm nay về hưu, nhìn thấy cháu gái mặc áo dài liền nói: “Bà có nhiều áo dài lắm, mai mốt không mặc nữa, bà sẽ đem ra cắt áo dài tặng Bống nhé! Dĩ nhiên, cũng như nhiều bà mẹ trẻ khác tôi biết một tấm áo dài con nít chẳng đáng bao nhiêu tiền nhưng nghe bé dạ ran, tôi vẫn rất vui lòng. Tôi bất chợt nhớ vẻ mặt háo hức của mẹ tôi khi ngồi cắt sửa chiếc áo cũ của bố thành những chiếc quần đùi cho con gái năm nảo năm nào. Thậm chí nhớ luôn cả màu vải và những họa tiết trên đó. Tôi tin chiếc áo bà dì tự tay cắt may sẽ là một chiếc áo dài rất Đẹp mà con gái sẽ giữ mãi trong ký ức. Áo dài đẹp đâu chỉ vì sắc màu đẹp, kiểu dáng đẹp mà bởi nó có tâm hồn được sinh ra từ những câu chuyện thật ấm áp...

VÕ THU HƯƠNG

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/vhnt/202103/co-nhung-tam-hon-mang-theo-ta-ao-3046070/