Cổ phần hóa chậm, đại biểu Quốc hội yêu cầu xử lý người chịu trách nhiệm

Vào cuối giờ chiều 9/6, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã báo cáo, giải trình một số vấn đề được đại biểu Quốc hội và đồng bào, cử tri quan tâm, chất vấn.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho biết, xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2022, Chính phủ đã quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công gắn với tăng cường thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm các sai phạm làm chậm tiến độ giải ngân. Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thẩm định, phê duyệt quy hoạch, hoàn thành quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch ngành, hạ tầng quan trọng trong năm 2022, phấn đấu hoàn thành các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch ngành quốc gia trong năm 2023, cũng như chỉ đạo thực hiện hiệu quả đột phá Chiến lược về hoàn thiện thể chế, trong đó tập trung tiếp tục rà soát, triển khai quyết liệt, hiệu quả các trọng tâm xây dựng, hoàn thiện thể chế, bảo đảm chất lượng và tiến độ thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm gắn với việc thực hiện Đề án, định hướng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Nhất trí với Báo cáo giải trình của Phó Thủ tướng về nội dung công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế của Chính phủ, tuy nhiên, đại biểu Cầm Hà Chung, đoàn tỉnh Phú Thọ cho rằng, Phó Thủ tướng cần trao đổi, làm rõ thêm những hạn chế liên quan đến công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Ông CẦM HÀ CHUNG - Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ: “Hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng đâu đó vẫn còn lợi ích nhóm, cục bộ ngành chạy theo thành tích trong quá trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Chính phủ đánh giá vấn đề này như thế nào và sẽ có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này trong thời gian tới?”

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cho rằng, vấn đề lợi ích nhóm, cục bộ, chạy theo ngành trong vấn đề ra văn bản cũng phải chỉ ra cụ thể là lợi ích nhóm nào, chỗ nào, đồng thời khẳng định quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật rất chặt chẽ, minh bạch từng khâu, công đoạn nên rất khó xảy ra sai xót.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ PHẠM BÌNH MINH: “Với quy định nêu trên của luật, nếu tuân thủ quy trình xây dựng văn bản pháp luật một cách nghiêm túc thì hiện tượng lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ của các bộ, ngành, địa phương trong quá trình xây dựng theo quy trình này rất khó xảy ra, bởi vì không thể một cơ quan nào xây dựng luật được mà phải trên cơ sở lấy ý kiến đánh giá tác động cũng như tiến trình hết sức chặt chẽ. Chính phủ đã đề ra những quy định và có những biện pháp, nhóm giải pháp, đó là cần minh bạch hóa và kiểm soát chặt chẽ quá trình xây dựng luật, xây dựng văn bản, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, của các cơ quan Chính phủ, phát huy vai trò của Ban soạn thảo, nâng cao chất lượng thẩm định, kiện toàn và phát huy hiệu quả tổ chức pháp chế của các bộ, cơ quan ngang bộ.”

Chất vấn Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, đoàn tỉnh Quảng Bình cho rằng, tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện chậm, không đạt kế hoạch đề ra, gây lãng phí lớn nguồn lực của nhà nước. Đại biểu cho rằng, tồn tại này không mới, mặc dù Bộ trưởng Bộ Tài chính đã nêu rõ thực trạng, nguyên nhân cũng như giải pháp, đặc biệt trong phần nguyên nhân thì nguyên nhân chủ quan rất lớn.

Ông NGUYỄN MẠNH CƯỜNG - Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình: “Đề nghị Phó Thủ tướng làm rõ hơn trách nhiệm đối với hạn chế này. Chúng ta đã xử lý trách nhiệm ai chưa và nếu chưa thì tại sao lại chưa xử lý?”

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ PHẠM BÌNH MINH: “Việc cổ phần hóa đúng là thực hiện không theo đúng kế hoạch cổ phần hóa, cũng có nhiều nguyên nhân là các doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn trong giai đoạn vừa qua bao gồm nhiều doanh nghiệp lớn có tình hình tài chính phức tạp, sở hữu đất đai là những vấn đề cần phải giải quyết trước khi cổ phần hóa. Nhiều quy định mới về cổ phần hóa, thoái vốn mới thì được ban hành theo hướng ngày càng chặt chẽ, công khai, minh bạch, bảo đảm tối đa lợi ích của Nhà nước, nên quy trình thực hiện dài hơn và các doanh nghiệp phải thực hiện lại từ đầu hoặc một số nội dung, công đoạn thuộc quá trình cổ phần hóa, thoái vốn.”

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh cũng khẳng định, thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi các văn bản luật liên quan đến công tác cổ phần hóa, thoái vốn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa.

Thực hiện : Phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/co-phan-hoa-cham-dai-bieu-quoc-hoi-yeu-cau-xu-ly-nguoi-chiu-trach-nhiem