Cổ phiếu RDP của Rạng Đông Holding về đáy lịch sử, bị hạn chế giao dịch

Cổ phiếu RDP của Công ty cổ phần Rạng Đông Holding đã bốc hơi trên 80% giá trị trong 1 năm qua về vùng 1.800 đồng/cp. Doanh nghiệp kinh doanh đi xuống, Chủ tịch liên tục đăng ký bán và bị bán giải chấp hàng triệu cổ phiếu.

Cổ phiếu bị hạn chế giao dịch

Cổ phiếu RDP của Công ty cổ phần Rạng Đông Holding bị chuyển từ diện kiểm soát sang diện hạn chế giao dịch. Cổ phiếu chỉ được giao dịch phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh tập trung và phương thức giao dịch thỏa thuận kể từ ngày 24/10.

Nguyên nhân là Rạng Đông Holding đã chậm công bố thông tin BCTC soát xét bán niên năm 2024 quá 45 ngày so với thời hạn quy định.Công ty lý giải do chưa chốt được báo cáo kiểm toán đúng thời hạn theo quy định với Công ty TNHH Kiểm toán Nhân Tâm Việt. Doanh nghiệp cam kết hoàn thành báo cáo và công bố trong thời gian sớm nhất, đồng thời định kỳ hàng quý (tính theo năm dương lịch) sẽ giải trình, báo cáo tình hình khắc phục tình trạng chứng khoán bị hạn chế giao dịch và thực hiện công bố thông tin trên thị trường đúng quy định.

Trước thềm hạn chế giao dịch, cổ phiếu RDP tiếp tục giảm xuống vùng 1.860 đồng/cp, đáy trong lịch sử giao dịch. Xét trong 1 năm qua cổ phiếu RDP giảm trên 80% từ vùng 9.900 đồng/cp xuống.

Rạng Đông Holding tiền thân là doanh nghiệp nhà nước, được cổ phần hóa năm 2005, với tên gọi Nhựa Rạng Đông, vốn điều lệ 90 tỷ đồng, cổ đông nhà nước sở hữu 51%. Ngày 22/9/2009, Công ty niêm yết 11,5 triệu cổ phiếu trên HOSE, giá đóng cửa phiên đầu tiên là 18.000 đồng/cổ phiếu (vốn điều lệ khi đó là 115 tỷ đồng).

Đến năm 2014, cổ đông nhà nước thoái toàn bộ 6,2 triệu cổ phiếu RDP (tương đương 43,36% vốn điều lệ khi đó là hơn 142,6 tỷ đồng). Từ đó, doanh nghiệp nằm trong tay nhóm cổ đông cá nhân, trong đó nắm quyền chi phối là ông Hồ Đức Lam.

Người đứng đầu Rạng Đông Holding từng sở hữu đến 64,15% vốn công ty nhưng hiện nay chỉ còn nắm 6,09% vốn công ty. Từ tháng 8/2023 đến nay, ông Lam liên tục đăng ký bán và bị bán giải chấp hàng triệu cổ phiếu RDP.

Kinh doanh thua lỗ, xuống dốc

Nửa đầu năm nay, Rạng Đông Holding có kết quả kinh doanh chưa thực sự khởi sắc. Doanh thu giảm 44% còn 766 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế âm gần 65 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi 11 tỷ đồng. Giá vốn hàng bán cao là nguyên nhân chính "ăn mòn" lợi nhuận của doanh nghiệp.

Tuy nhiên năm 2023, Rạng Đông Holding cũng đã đối mặt với thua lỗ khi lợi nhuận âm gần 147 tỷ đồng trong khi năm trước lãi 12,5 tỷ đồng. Đây cũng là năm có lỗ sâu trở lại kể từ năm 2017.

Năm nay, Rạng Đông Holding đặt kế hoạch doanh thu thuần 2.722 tỷ đồng, tăng 5% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế gần 23 tỷ đồng, cải thiện mạnh mẽ so với con số lỗ gần 147 tỷ đồng. Tuy nhiên với kết quả nửa đầu năm, công ty còn đang cách khá xa so với mục tiêu đề ra khi đang gánh khoản lỗ gần 65 tỷ đồng.

Lỗ liên tiếp từ năm 2023 đến nửa đầu năm 2024 đã khiến công ty lỗ lũy kế hơn 266 tỷ đồng, gần bằng vốn chủ sở hữu (279,3 tỷ đồng).

Không chỉ thua lỗ, Rạng Đông Holding còn nặng gánh nợ vay. Công ty đối mặt với áp lực trả nợ lớn, khi nợ vay tài chính ngắn hạn lên tới hơn 1.034 tỷ đồng, còn nợ dài hạn gần 198 tỷ đồng. Tổng nợ vay tài chính đang gấp 4,4 lần vốn chủ sở hữu.

Tính đến 30/6, Rạng Đông Holding còn có hơn 252 tỷ đồng nợ xấu từ nhiều đối tác khác nhau, như Công ty TNHH MTV Hoàng Hoàng Quỳnh, Công ty TNHH Đầu tư - Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Minh Phát Đạt, Công ty TNHH MTV Sản xuất Thương mại Dịch vụ Ánh Hồng cùng nhiều đối tượng khác. Công ty phải trích lập dự phòng gần 61 tỷ đồng cho các khoản nợ xấu này.

Sự xuống dốc của Rạng Đông thể hiện rõ kể từ sau khi bị Tòa án nhân dân cao cấp tại TP.HCM phán quyết phải trả cho Sojitz Pla-net Corporation số tiền gốc 156,9 tỷ đồng cùng kỳ phía pháp lý, chi phí hành chính khác và lãi chậm thanh toán với số tiền 81,9 tỷ đồng.

Sự việc xuất phát từ năm 2017, công ty ký hợp đồng mua bán cổ phần với Sojitz 20% tổng số cổ phần tại Công ty cổ phần Nhựa Rạng Đông Long An (RLP) với giá 174,4 tỷ đồng. Đối tác đã chuyển 90% giá trị hợp đồng (tương ứng 156,9 tỷ đồng). Đến năm 2020, Sojittz thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán và xảy ra tranh chấp liên quan tới việc hoàn trả 90% tiền mua cổ phần và các chi phí phát sinh. Cùng năm, Sojitz đã đưa vụ tranh chấp ra Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore (SIAC).

Trong năm 2022, SIAC đã phán quyết buộc Rạng Đông phải thanh toán tiền gốc cùng chi phí phát sinh, Sojitz có đơn yêu cầu Tòa an TP.HCM công nhận và thi hành phán quyết.

Vào đầu năm 2023, Tòa án nhân dân TP.HCM không công nhận phán quyết nhưng sau khi Sojitz kháng cáo lại thì đến tháng 8/2023 đã ra quyết định chấp nhận. Từ phát sinh vụ việc này, BCTC hợp nhất soát xét năm 2023 của Rạng Đông ghi nhận khoản lỗ kỷ lục 147 tỷ đồng, trong khi báo cáo tự lập trước đó có lãi 26 tỷ đồng. Qua đó, nâng lỗ lũy kế của công ty lên 206 tỷ đồng.

Mặt khác, số nợ ngắn hạn đã vượt tài sản ngắn hạn. Đơn vị kiểm toán cho rằng yếu tố này cho thấy hiện hữu một sự không chắc chắn mang tính trọng yếu dẫn đến nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của công ty.

Ban lãnh đạo Rạng Đông Holding cho biết đã lập kế hoạch cho 12 tháng tiếp theo bao gồm dòng tiền dự kiến được tạo ra từ thanh lý các khoản đầu tư tài chính, thu hồi nợ từ đối tác, đẩy mạnh hoạt động bán hàng, đàm phán các ngân hàng thương mại để có thêm hạn mức tín dụng, đàm phán đối tác cơ cấu lại lịch thanh toán các khoản nợ. Ngoài ra, công ty nhận được sự cam kết hỗ trợ tài chính của cổ đông lớn, đồng thành và hỗ trợ góp phần giúp thanh toán các khoản nợ đến hạn…

Trung Hiếu

Nguồn Doanh nhân & Pháp luật: https://doanhnhan.vn/co-phieu-rdp-cua-rang-dong-holding-ve-day-lich-su-bi-han-che-giao-dich-78610.html