Cổ phiếu Tập đoàn cao su Việt Nam sắp IPO giá 13.000 đồng

Dự kiến vào ngày 2/2, Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) sẽ phát hành chào bán lần đầu ra công chúng hơn 475 triệu cổ phiếu, tương đương 11,88% vốn điều lệ (40.000 tỷ đồng) với mức giá khởi điểm là 13.000 đồng/cổ phiếu.

Ngày 18/1, tại TPHCM, Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) đã tổ chức họp báo công bố sẽ phát hành chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) hơn 475 triệu cổ phiếu, tương đương 11,88% vốn điều lệ (40.000 tỷ đồng) với mức giá khởi điểm là 13.000 đồng/cổ phiếu.

Sau đợt đấu giá công khai, VRG sẽ tiến hành bán hơn 475 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư chiến lược, 48,9 triệu cổ phiếu ESOP và 830 nghìn cổ phiếu cho công đoàn.

Ông Trần Ngọc Thuận, Tổng giám đốc VRG cho biết Theo phương án đã được chính phủ phê duyệt thì cơ cấu sau cổ phần hóa tỷ lệ sở hữu của nhà nước tại VRG vẫn chiếm tỷ lệ chi phối là 75%.

Theo trình tự VRG sẽ thực hiện bán đấu giá công khai trước hơn 475 triệu cổ phiếu, sau đó sẽ tổ chức bán cho người lao động, công đoàn và nhà đầu tư chiến lược.

Với mức giá khởi điểm là 13.000 đồng/cổ phiếu, vốn hóa ước tính của VRG đạt 52.000 tỷ đồng.

Do có lĩnh vực khá đặc thù nên việc chọn nhà đầu tư chiến lược có nhiều tiêu chí cao như phải là doanh nghiệp trong nước, có vốn điều lệ phải đạt tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong 5 năm trước đăng ký tham gia và có lợi nhuận trong ba năm liên tiếp. Nhà đầu tư chiến lược bị ràng buộc không chuyển nhượng cổ phần trong 5 năm.

VRG hiện có 123 thành viên gồm 3 nhóm như sau: 20 công ty con và 4 đơn vị sự nghiệp nắm giữ 100% vốn điều lệ; 79 công ty con nắm giữ vốn chi phố hơn 50% và 20 công ty liên doanh liên kết không nắm giữ tỷ lệ chi phối.

Có 26 công ty thuộc đối tượng phải sắp xếp lại do công ty mẹ và con cùng tham gia góp vốn; 25 công ty cần thoái vốn do đầu tư ngoài ngành

Dự kiến sau cổ phần hóa, các doanh nghiệp thuộc tập đoàn sẽ gồm 90 công ty con và 9 công ty liên kết.

VRG đang quản lý hơn 410 nghìn ha cao su, trong đó có 90 nghìn ha ở Campuchia và 28 nghìn ha ở Lào. Quỹ đất trồng cao su của VRG phân bố tại 18 tỉnh, thành, chủ yếu là Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và khu vực Duyên hải miền Trung.

VRG hiện có 40 nhà máy và xưởng chế biến với tổng công suất thiết kế là 354 nghìn tấn mủ/năm. VRG tham gia đầu tư 13 khu công nghiệp trong đó trực tiếp quản lý, điều hành 11 khu với tổng diện tích 16 nghìn ha

Kết quả kinh doanh của VRG trong năm 2017 đã được cải thiện. Doanh thu thuần 6 tháng đầu năm 2017 đạt hơn 8.100 tỷ đồng, tăng 46,1% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 1526,9 tỷ đồng, tăng 169,1% so với năm trước.

Có kết quả tích cực như trên là do giá cao su thế giới phục hồi, biên lợi nhuận ròng tăng mạnh 6,7 điểm phần trăm do thuế suất giảm còn 14,5% so với trung bình các năm trước (từ 21 – 24%)

Theo đánh giá của một số chuyên gia phân tích, năm 2018 sẽ là một năm đầy triển vọng với VRG nhờ mảng kinh doanh chính là cao su tự nhiên đóng góp tới 63,2% tổng lợi nhuận trước thuế. Diện tích khai thác tăng trưởng 15% và năng suất khai thác trung bình tăng 3%, đạt 1,49 tấn/ha.

Huy Thịnh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/co-phieu-tap-doan-cao-su-viet-nam-sap-ipo-gia-13000-dong-1233771.tpo