Cơ quan Hải quan bắt giữ nhiều vụ buôn lậu lớn trên phương tiện tạm nhập tái xuất

Việc chú trọng đào tạo, xây dựng lực lượng, hoàn thiện thể chế, hiện đại hóa, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ vào hoạt động… đã giúp cho ngành Hải quan thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát hàng hóa, phương tiện vận tải; phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; tổ chức thực hiện pháp luật về thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Công chức hải quan kiểm tra, kiểm soát hàng hóa trên các phương tiện vận tải biển. Ảnh: Văn Tá.

Công chức hải quan kiểm tra, kiểm soát hàng hóa trên các phương tiện vận tải biển. Ảnh: Văn Tá.

Chủ động tham mưu, thực hiện chính sách

Có thể nói, công tác quản lý về hải quan đối với nhiên liệu trên phương tiện vận tải tạm nhập tái xuất khi xuất nhập cảnh là một trong những vai trò then chốt của việc tạo mọi điều kiện thuận lợi cho thương mại quốc tế và các mối quan hệ giao lưu, hợp tác phát triển.

Để đảm bảo công tác quản lý đạt hiệu quả, ngành Hải quan đã thực hiện tốt công tác tham mưu xây dựng pháp luật, tuyên truyền, hướng dẫn Luật Hải quan và các văn bản quy phạm pháp luật thi hành liên quan đến từng người dân, doanh nghiệp, người làm thủ tục hải quan, tích cực hợp tác thực thi pháp luật, không tiếp tay để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại…

Trong đó, cơ quan hải quan đã tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật như Luật Hải quan; Thông tư 139/2013/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 69/2016/TT-BTC ngày 6/5/2016 của Bộ Tài chính quy định thủ tục hải quan đối với xăng dầu, hóa chất, khí xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh; nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất và pha chế hoặc gia công xuất khẩu xăng dầu, khí; dầu thô xuất nhập khẩu; hàng hóa xuất nhập khẩu phục vụ hoạt động dầu khí…

Trong hoạt động chuyên môn nghiệp vụ liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát và kiểm soát hải quan, chính sách thuế đối với nhiên liệu trên phương tiện vận tải tạm nhập tái xuất ban hành nhiều văn bản hướng dẫn chính sách thuế, thủ tục hải quan đối với nhiên liệu trên tàu biển xuất nhập cảnh, trong hoạt động thuê tàu biển, tàu bay, xử lý thuế đối với nhiên liệu trên tàu biển khi xuất nhập cảnh...

Ngoài ra, cơ quan hải quan còn tích cực góp ý để hoàn thiện nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan như: Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Luật Biên phòng…

Đặc biệt, cơ quan hải quan đã tích cực thực thi chính sách pháp luật liên quan đến công tác quản lý về hải quan đối với nhiên liệu trên phương tiện vận tải tạm nhập tái xuất khi xuất nhập cảnh thông qua các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về hải quan.

Thống kê từ 1/1/2022 đến 30/4/2023, cơ quan hải quan đã bắt giữ 16 vụ việc, thu giữ trên 740 nghìn lít dầu FO, 417 nghìn lít xăng, 76 nghìn lít dầu diesel với trị giá trên 26 tỷ đồng.

Điển hình, ngày 29/9/2022 tổ công tác của Hải đội 1 (Cục Điều tra chống buôn lậu) triển khai theo dõi tàu QN-7395, thuộc sở hữu của Công ty TNHH MTV VIPCO Hạ Long. Theo khai báo, tàu QN-7395 vận chuyển 100 tấn dầu FO theo loại hình tái xuất và 33.600 (28 tấn) lít dầu DO theo phương thức vận chuyển nội địa để cấp cho tàu GREAT DOLPHIN quốc tịch PANAMA.

Tuy nhiên ngày 30/9/2022, tàu QN-7395 di chuyển tới địa phận sông Cấm, TP Hải Phòng đã tự ý phá niêm phong hải quan, bơm khoảng 98 tấn dầu FO sang hầm hàng số 5 của tàu HP-4658, trị giá tang vật khoảng 5 tỷ đồng. Vụ việc đã được Tổng cục Hải quan (Cục Điều tra chống buôn lậu) khởi tố chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Quảng Ninh xử lý

Hay vụ việc Công ty CP xăng dầu Quân đội khu vực 2 làm thủ tục nhập kinh doanh lô hàng 5.614, 293 tấn diesel 0,25%S và 32.746,539 tấn Gasoil QC, xuất xứ Trung Quốc chở trên tàu MolDanger quốc tịch Na Uy. Tuy nhiên, công ty chỉ khai báo với Cảng vụ tầu MolDanger XC có 32.746,539 tấn Gasoil QC; cơ quan hải quan phát hiện, Công ty đã tự ý bơm 5,6 nghìn tấn DO 0.25% (theo chứng thư giám định) lên bồn của Công ty khi chưa mở tờ khai NK.

Ngoài ra, hàng loạt các vụ việc được cơ quan hải quan phát hiện bắt giữ như: vụ việc 70.000 lít dầu FO (bắt ngày 14/1/2022 tại Nghệ An); vụ 431.000 lít dầu FO (do Cục Điều tra chống buôn lậu phối hợp với Phòng 3- Cục Cảnh sát ĐTTP về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) bắt ngày 28/2/2022); vụ 300 lít xăng sinh học E5 RON 92 (bắt ngày 5/4/2022); vụ 2.160 lít dầu diesel và 40.000 kg FO tại Quảng Ninh (bắt ngày 21/4/2022)...

Vụ việc cơ quan hải quan phối hợp với lực lượng chức năng phát hiện vụ vận chuyển trên 32.000 lít dầu DO không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Ảnh: Hải đội 3.

Vụ việc cơ quan hải quan phối hợp với lực lượng chức năng phát hiện vụ vận chuyển trên 32.000 lít dầu DO không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Ảnh: Hải đội 3.

Không ngừng hoàn thiện bộ máy, trang, thiết bị

Theo quy định, phương tiện vận tải tạm nhập tái xuất khi xuất nhập cảnh phải được làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập cảnh đầu tiên và cửa khẩu xuất cảnh cuối cùng. Để đảm bảo hiệu quả công tác quản lý, cơ quan hải quan các cấp đã bố trí cán bộ tiếp nhận và làm thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát đối với phương tiện xuất nhập cảnh 24 giờ/7 ngày.

Ngành Hải quan chú trọng tổ chức nhiều lớp đào tạo bồi dưỡng nhằm cập nhật, nâng cao kiến thức trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, chú trọng các khóa học áp dụng công nghệ ứng dụng vào công tác quản lý hiện đại để nâng cao kỹ năng cho cán bộ công chức trong toàn ngành. Hiện tại, Tổng cục Hải quan đang phối hợp với các tổ chức, cơ quan hải quan quốc tế tổ chức các các buổi tập huấn, đào tạo liên quan đến phương tiện xuất nhập cảnh.

Đồng thời, nâng cao ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động nghiệp vụ; triển khai Hệ thống VNACCS/VCIS tạo điều kiện thuận lợi trên cơ chế tự động hóa; xây dựng, ứng dụng hệ thống quản lý phương tiện vận tải đường bộ, đường biển và đường hàng không.

Ghi nhận, năm 2019 Cục Hải quan Bà Rịa- Vũng Tàu đã nghiên cứu và áp dụng Hệ thống cảnh báo phương tiện vận tải NC chưa XC “Ship risk”. Việc áp dụng hệ thống đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát và kiểm soát hải quan, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại tại địa bàn quản lý của Cục Hải quan Bà Rịa- Vũng Tàu.

Không dừng lại đó, để quản lý hiệu quả nhiên liệu trên các phương tiện vận tải tạm nhập tái xuất khi xuất nhập cảnh, Tổng cục Hải quan đã ký kết và thực hiện 14 Điều ước quốc tế song phương, đa phương về vận tải đường bộ qua biên giới với các các nước láng giềng, khu vực như Lào, Campuchia, Trung Quốc, các nước GMS và ASEAN.

Việc ký kết các điều ước đã tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp vận tải của Việt Nam và các nước ký kết thực hiện hoạt động vận tải qua biên giới, giảm bớt các thủ tục hành chính, tăng cường năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp vận tải, góp phần đẩy mạnh các hoạt động giao lưu hợp tác và tham gia mạnh mẽ hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngoài ra, thông qua đối tác, các tổ chức quốc tế đã kết nối, thiết kế các chương trình đào tạo giúp nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ công chức làm công tác kiểm soát; tìm kiếm nguồn kinh phí hỗ trợ, viện trợ, đầu tư, mua sắm, trang thiết bị chuyên dùng phục vụ công tác quản lý phương tiện vận tải xuất nhập cảnh./.

Nguyễn Nam Thắng (Cục Hải quan Bà Rịa – Vũng Tàu)

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/co-quan-hai-quan-bat-giu-nhieu-vu-buon-lau-lon-tren-phuong-tien-tam-nhap-tai-xuat-161404.html