Cơ sở cho đặc quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao?

Trong lịch sử quan hệ ngoại giao, các luật gia quốc tế đã dựa trên những lý thuyết nào để làm cơ sở cho đặc quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao?

Công ước Vienna năm 1961 về quan hệ ngoại giao đã mở đầu bằng câu: "Các quốc gia tham gia Công ước này, nhắc lại rằng từ thời xa xưa, nhân dân tất cả các nước đã thừa nhận quy chế các viên chức ngoại giao". Một vài điều của quy chế đó như quyền bất khả xâm phạm của các sứ giả thì đã có từ xã hội nô lệ. Để bảo vệ các sứ thần, đạo luật của Ấn Độ cổ xưa đã quy định người ám sát sứ thần sẽ bị tử hình". Trong quá trình phát triển quan hệ ngoại giao giữa các nước, các lý thuyết sau đây đã được nêu lên để làm cơ sở lý luận cho đặc quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao.

Thuyết "tính cách đại diện" bắt nguồn từ thời Trung cổ ở châu Âu và rất thịnh hành cho mãi tới khi có cuộc Đại cách mạng Pháp. Thời kỳ hầu hết các nước trên thế giới đều là những quốc gia quân chủ. Sự giao dịch quốc tế được coi như là giao dịch giữa cá nhân các vua chúa. Làm nhục tới các vị đại diện tức là làm nhục tới vua chúa. Thuyết này ngày càng không phù hợp với thực trạng thế giới. Ngày nay một vị Đại sứ không còn là đại diện riêng của nhà vua mà là đại diện chung cho cả một quốc gia.

Thuyết "ngoại pháp" phát sinh từ thế kỷ XVII và thịnh hành cho tới nửa đầu thế kỷ XX và đã từng song song tồn tại với thuyết "đại diện" trong một thời gian trước khi lấn át hẳn thuyết đó. Theo thuyết này sở dĩ nhà ngoại giao thoát ra khỏi thẩm quyền của quốc gia địa phương là bởi vì họ được giả định như là chưa bao giờ ra khỏi đất nước họ. Nói khác đi, nhà ngoại giao tuy được ủy nhiệm bên cạnh một quốc gia khác nhưng vẫn được coi là còn ở trên đất nước mình. Tuy trên phương diện thể chất, họ có mặt trên đất của quốc gia tiếp nhận, nhưng trên phương diện pháp lý họ được coi như là không có mặt ở quốc gia đó, do đó họ được quyền bất khả xâm phạm. Thuyết này bị bác bỏ dần dần vì tính chất giả tạo của nó và trong Hội nghị Vienna 1961, người ta đã tránh không nêu thuyết đó trong việc ấn định phạm vi của đặc quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao.

Thuyết "vì lợi ích công việc" cho rằng một viên chức ngoại giao chỉ có thể làm tròn nhiệm vụ của mình khi ông ta không bị đe dọa và hoàn toàn độc lập với quốc gia tiếp nhận. Các quốc gia này cũng bắt buộc phải công nhận cho các viên chức ngoại giao nước ngoài được hưởng các đặc quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao để họ yên tâm làm tròn nhiệm vụ. Thuyết này ngày nay được chấp nhận rộng rãi.

Cục Lễ tân Nhà nước

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/co-so-cho-dac-quyen-uu-dai-mien-tru-ngoai-giao-116248.html