Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đang triển khai chậm 2 năm so với dự kiến

Trong buổi làm việc với Ban Chỉ đạo Đề án 896, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình lưu ý, CSDL quốc gia về dân cư đến nay mới hoàn thành các thủ tục để chuẩn bị xây dựng, chậm 2 năm so với dự kiến ban đầu. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành trong triển khai nhiệm vụ chưa nhịp nhàng.

Thông tin cá nhân được lưu trữ trên phần mềm, giúp các cơ quan chức năng xây dựng một kho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Các khâu lấy thông tin, vân tay và chụp ảnh đều làm rất nhanh - ảnh minh họa: Internet.

Thông tin cá nhân được lưu trữ trên phần mềm, giúp các cơ quan chức năng xây dựng một kho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Các khâu lấy thông tin, vân tay và chụp ảnh đều làm rất nhanh - ảnh minh họa: Internet.

Theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ, phát biểu tại cuộc họp của ban chỉ đạo thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 - 2020 (Đề án 896) về việc đánh giá kết quả năm 2016, phương hướng, nhiệm vụ năm 2017, kiện toàn Ban Chỉ đạo, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án 896 biểu dương sự cố gắng của các cơ quan, nhất là Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính và Văn phòng Ban Chỉ đạo đã có các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong xây dựng Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư cũng như đã tích cực trong việc hoàn thiện các thể chế cho việc cấp số định danh cá nhân, vận hành CSDL quốc gia về dân cư.

Được tổ chức triển khai theo 2 giai đoạn, Đề án 896 đã xác định những nhiệm vụ chủ yếu của giai đoạn 1 gồm có: Hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc cấp số định danh cá nhân; Hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc xây dựng và vận hành CSDL quốc gia về dân cư; Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án khả thi CSDL quốc gia về dân cư, thực hiện các thủ tục xây dựng CSDL quốc gia về dân cư; Hệ thống hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các CSDL liên quan đến quản lý dân cư; Rà soát và đề xuất phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các CSDL liên quan đến quản lý dân cư.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Thường trực cũng lưu ý, CSDL quốc gia về dân cư đến nay mới hoàn thành các thủ tục để chuẩn bị xây dựng, chậm 2 năm so với dự kiến ban đầu. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành trong triển khai nhiệm vụ cũng vẫn chưa nhịp nhàng.

Qua báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ đạo và các ý kiến góp ý tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực nhất trí với các đề xuất tại Kế hoạch triển khai Đề án trong năm 2017, đồng thời nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm.

Để bảo đảm hoạt động của Ban Chỉ đạo và Văn phòng Ban Chỉ đạo, Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tư pháp nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi các nội dung liên quan đến kiện toàn tổ chức của Ban Chỉ đạo và Văn phòng Ban Chỉ đạo.

Bộ Công an tiếp thu ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo, hoàn thiện dự thảo Kế hoạch 2017 trình Trưởng Ban Chỉ đạo ký ban hành để làm cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương xây dựng Kế hoạch triển khai Đề án trong tháng 2/2017. Văn phòng Ban Chỉ đạo nghiên cứu, hoàn thiện và sớm trình Trưởng Ban Chỉ đạo ký văn bản hướng dẫn việc thành lập Ban Chỉ đạo tại các địa phương.

Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị cần tập trung nguồn lực để xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bên cạnh đó, các bộ, ngành có liên quan cần tiến hành các thủ tục ứng vốn cho triển khai thực hiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, xem xét đến những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện tại vùng sâu, vùng xa, người học tập và công tác tại nước ngoài đều có thể được cấp số định danh cá nhân.

Trong năm 2017, Bộ Công an và Bộ Tư pháp cần phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện, phát huy, mở rộng số lượng địa phương được triển khai cấp số định danh cá nhân, bảo đảm các thông tin của công dân được thu thập chính xác, số định danh cá nhân được cấp theo một quy trình khoa học và đúng quy định.

Nhật Đông

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/co-so-du-lieu-quoc-gia-ve-dan-cu-dang-trien-khai-cham-2-nam-so-voi-du-kien-107293.html