Cơ sở mầm non tư thục nỗ lực vượt khó

Trước tình hình dịch bệnh căng thẳng, học sinh phải nghỉ học nhiều tuần, ảnh hưởng đến các cơ sở mầm non tư thục vì vẫn phải duy trì các khoản chi phí trong khi không có nguồn thu. Tuy nhiên, các cơ sở cùng với đội ngũ cán bộ, giáo viên đang cố gắng vượt khó.

Cơ sở mầm non “gánh” khó khăn

Chị Đặng Thu Hà là chủ Trường Mầm non Maya Montessori ở phường Bắc Cường, thành phố Lào Cai. Cơ sở này có 14 giáo viên Việt Nam và 1 giáo viên nước ngoài. 1 tháng qua, vì dịch Covid-19 mà trường tạm thời đóng cửa, cho học sinh nghỉ học. Tuy nhiên, các khoản chi phí như lương giáo viên, tiền thuê cơ sở, tiền đào tạo chuyên môn nội bộ… vẫn phải trả đều.

Giáo viên Trường Mầm non Hải Phượng khử trùng đồ dùng cho trẻ.

Giáo viên Trường Mầm non Hải Phượng khử trùng đồ dùng cho trẻ.

Chị Hà bộc bạch: Để giữ chân giáo viên, chúng tôi vẫn phải chi trả 100% lương cũng như các khoản chi khác trong khi các con nghỉ học. Trường không có khoản thu nên đến nay đã thiệt hại gần 200 triệu đồng. Vì đặc thù giáo viên của trường phải có trình độ chuyên môn cao, nếu không giữ chân họ thì cơ sở sẽ phải đóng cửa.
Cùng chung nỗi lo, chị Nguyễn Thị Hải, chủ Trường Mầm non Hải Phượng (phường Kim Tân, thành phố Lào Cai) đang phải “gánh” hơn 100 triệu đồng/tháng với các khoản chi lương, điện, nước, vệ sinh, bảo vệ… Chị Hải cho biết, mặc dù học sinh đã nghỉ học 1 tháng nhưng hơn 20 cán bộ, giáo viên vẫn liên tục đến trường trực vệ sinh, dọn dẹp, chuẩn bị mọi điều kiện sẵn sàng đón trẻ khi có quyết định đi học lại. Trước khó khăn về tài chính, trường đang cố gắng thương lượng với giáo viên để cùng nhau chia sẻ. Hiện cơ sở vẫn duy trì trả lương cơ bản cho giáo viên với mức hơn 3 triệu đồng/người/tháng.

Một số trường mầm non tư thục khác thì không thể đảm bảo chi trả các khoản nên buộc cho giáo viên nghỉ tạm thời không lương. Chị Đỗ Thị Kim Thoa, chủ cơ sở mầm non Duyên Sơn (phường Duyên Hải, thành phố Lào Cai) cho biết: Đây là khó khăn chung của toàn xã hội nên cơ sở cũng mong muốn giáo viên cùng vượt khó. Cơ sở có hơn 40 giáo viên, nhân viên, nếu tiếp tục nghỉ thêm nữa thì chúng tôi phải trợ cấp để giáo viên trang trải cuộc sống.

Trước những khó khăn vì dịch Covid-19, nhiều trường đã có những phương án gỡ khó bằng cách kết nối giáo viên dạy tại nhà cho những gia đình có nhu cầu, vì nhiều gia đình không có chỗ gửi con, gửi bên ngoài không yên tâm nên đây cũng là một giải pháp tốt. Cách làm này giúp nhà trường bớt được khoản lương phải trả, giáo viên có thêm thu nhập, phụ huynh cũng yên tâm có người trông con.

Giáo viên tìm cách khắc phục

Ảnh hưởng của dịch bệnh khiến nhiều giáo viên phải xoay xở tìm việc trong thời gian này. Chị Phan Yến, giáo viên một cơ sở mầm non tư thục đang phải về quê bán hoa tươi để có thêm thu nhập. Chị cho biết: Nghỉ dạy lâu nên tôi cũng nhớ trường, nhớ trẻ. Thời gian này tạm thời nghỉ làm không lương nên tôi đã mở sạp bán hoa tại chợ để trang trải cuộc sống.

Chị Hàn Thị Lan, giáo viên một trường tư thục mầm non thuộc phường Cốc Lếu đang nhận trông 2 trẻ tại nhà. Hằng ngày, chị đến nhà phụ huynh, lo việc ăn, ngủ và vui chơi cho các bé, thu nhập cũng tương đương đi làm tại trường. “Có rất nhiều khoản chi phí phải lo nên không có lương khiến cuộc sống vô cùng vất vả. Nhưng đây là khó khăn chung của toàn xã hội nên ai cũng phải cố gắng tìm cách khắc phục”.

Chị Thanh Thủy, đồng nghiệp của chị Lan thì nhận thêm việc giao hàng nhanh. Một ngày giao hàng từ sáng sớm tới 9 giờ sáng, thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng, so với đi dạy thì vất vả hơn. “Vì dạy trường ngoài công lập nên chúng tôi ký hợp đồng với trường nhận lương theo số tiết. Học sinh nghỉ học vì dịch Covid-19 đồng nghĩa với việc chúng tôi thất nghiệp, thế nhưng các khoản tiền thuê nhà trọ, ăn uống, sinh hoạt vẫn phải lo nên tôi nhận làm thêm công việc giao hàng”, chị Thủy nói.

Mặc dù gặp khó khăn nhưng hầu hết giáo viên mầm non cho rằng sức khỏe là quan trọng nhất, nên chỉ cho trẻ đến trường khi dịch bệnh đã được kiểm soát. Bản thân gặp khó, cả xã hội cùng khó, do đó cần cùng nhau nỗ lực vượt qua.

Thanh Huệ

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/xa-hoi/co-so-mam-non-tu-thuc-no-luc-vuot-kho-z5n20200306144537526.htm