Cơ sở y tế đẩy mạnh thanh toán viện phí không dùng tiền mặt

Thanh toán chi phí dịch vụ y tế (viện phí) không dùng tiền mặt đã và đang được các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh thực hiện với mục tiêu giảm các thủ tục hành chính và hạn chế tối đa những rủi ro phát sinh khi dùng tiền mặt đối với người nhà và người bệnh. Đồng thời giúp bệnh viện thuận lợi trong quản lý thông tin bệnh nhân, số tiền viện phí, hướng đến lộ trình xây dựng bệnh viện thông minh.

Tư vấn cho người bệnh các dịch vụ y tế tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh.

Tư vấn cho người bệnh các dịch vụ y tế tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh.

Anh Trần Minh Hoàng, phường Nam Bình (thành phố Ninh Bình) đưa vợ đi sinh con tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh. Anh Hoàng khá hài lòng khi lựa chọn thanh toán viện phí bằng quét mã QR PAY trên điện thoại thông minh.

Theo anh Minh Hoàng, khi có người thân đi bệnh viện, việc không cần mang theo nhiều tiền mặt rất tiện lợi, đỡ phải lo lắng mất mát, nhầm lẫn. Đặc biệt, bằng việc quét mã QR của các ngân hàng, khi có thông tin về viện phí, người thanh toán không phải xếp hàng chờ đợi như thanh toán bằng tiền mặt, giảm thời gian chờ đợi cho bản thân và những người khác...

Theo chị Nguyễn Thị Kim Oanh, Điều dưỡng trưởng, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh, tại Khoa Khám bệnh, mỗi ngày đón tiếp khoảng 700 lượt bệnh nhân đến làm các thủ tục hành chính trong quá trình khám, chữa bệnh (KCB). Việc thanh toán không dùng tiền mặt rất thuận tiện cho người dân và cả bệnh viện. Hiện Bệnh viện đã phối hợp và đăng ký với một số ngân hàng trên địa bàn tỉnh để hỗ trợ người dân thanh toán không dùng tiền mặt bằng các hình thức như làm thẻ ATM mới, cài đặt mã QR PAY trên điện thoại thông minh...

Theo đại diện các cơ sở y tế, để người dân nắm bắt được những lợi ích của dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, các cơ sở y tế thường xuyên tuyên truyền, tư vấn trực tiếp cho người dân đến KCB tại bệnh viện hoặc tư vấn tại quầy thu viện phí nhằm từng bước nâng cao tỷ lệ người dân thực hiện phương thức thanh toán điện tử không dùng tiền mặt.

Tại các cơ sở y tế hiện nay, không chỉ triển khai phương thức dùng thẻ ATM để thanh toán, các bệnh viện còn khuyến khích người nhà, bệnh nhân tải các ứng dụng quét mã QR PAY trên điện thoại thông minh. Với đa dạng các hình thức thanh toán viện phí, người dân được tạo điều kiện thuận lợi tối đa trong quá trình thực hiện chi trả các chi phí dịch vụ y tế, vừa nhanh gọn, vừa an toàn và tiện lợi.

Thực hiện Kế hoạch số 63/KH-UBND ngày 1/4/2022 của UBND tỉnh về hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt tại cơ sở y tế, Sở Y tế đã ban hành kế hoạch về hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Ninh Bình năm 2022. Mục tiêu là thúc đẩy các bệnh viện, cơ sở y tế sử dụng nền tảng số, thực hiện chuyển đổi số, thanh toán số, tạo môi trường y tế số văn minh, thuận lợi, an toàn, bảo vệ tốt nhất sức khỏe của người dân.

Thanh toán viện phí không dùng tiền mặt mang lại nhiều lợi ích cho cả bệnh viện và bệnh nhân.

Theo đó, cùng với đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại trong KCB, các cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Hiện trong ngành Y tế đã có Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh, Bệnh viện Phổi Ninh Bình và một số bệnh viện tuyến huyện đã áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt và bước đầu cho thấy sự tiện lợi, nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng của người dân.

Bằng việc quét mã QR qua điện thoại thông minh, quẹt thẻ ATM, người bệnh đến khám, điều trị ngoại trú, nội trú chỉ cần quét mã dịch vụ trên phiếu viện phí bằng ứng dụng của các ngân hàng đã được liên kết với bệnh viện là có kết quả phản hồi đã thực hiện giao dịch thành công, không cần phải xếp hàng đợi thanh toán viện phí bằng tiền mặt. Thực tế cho thấy, việc thanh toán điện tử không tiền mặt mang lại nhiều lợi ích cho cả bệnh viện, người bệnh và xã hội.

Khi thanh toán không dùng tiền mặt, người bệnh không còn phải xếp hàng đợi thanh toán; giảm thiểu rủi ro giao dịch tiền mặt (nhầm lẫn, thống kê, đối soát). Đối với bệnh viện, giảm chi phí quản lý, kiểm đếm, in ấn đơn/phiếu; tiết kiệm chi phí, nhân lực, giúp bệnh viện quản trị hiệu quả; rút ngắn quy trình KCB; tích hợp với hệ thống thông tin bệnh viện, hồ sơ bệnh án điện tử, góp phần đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số bệnh viện, hướng tới thực hiện bệnh viện thông minh, bệnh viện không giấy tờ...

Đối với người dân, có rất nhiều thuận tiện: không phải chờ đợi xếp hàng, dễ dàng và rút ngắn thời gian thanh toán chi phí KCB, tiết kiệm được thời gian, công sức, chi phí và đảm bảo sức khỏe tinh thần; không phải mang tiền mặt, giảm nhẹ áp lực mất mát tiền khi đi lại, tàu xe trên đường và trong quá trình khám bệnh, nằm điều trị; đặc biệt, người bệnh có thể tự thanh toán khi xuất viện mà không cần phải có người nhà đi cùng để làm các thủ tục chi trả viện phí...

Tuy nhiên, qua thời gian bước đầu thực hiện việc thanh toán viện phí không dùng tiền mặt trong cơ sở y tế cũng nảy sinh một số vấn đề và có những khó khăn, hạn chế. Trong đó phải kể đến việc phí thu quẹt thẻ qua POS của các ngân hàng trên mỗi giao dịch là khá cao. Cùng với đó, việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở KCB chưa đồng bộ trong cả quy trình KCB với hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện hiện có tại các đơn vị. Tỷ lệ người dân, đặc biệt là người bệnh có thẻ để thanh toán còn thấp. Đối tượng bệnh nhân còn nhiều người già, trung niên, người lao động, làm nông nghiệp..., còn giữ thói quen thanh toán viện phí bằng tiền mặt, chưa có thẻ và không sử dụng điện thoại thông minh để tải các ứng dụng điện tử để thanh toán.

Ngành Y tế Ninh Bình đặt ra mục tiêu, đến hết năm 2022 có 50% bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh sử dụng nền tảng số để chuyển đổi số; 50% bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh lắp đặt, sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán viện phí và các giao dịch khác; số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt trong các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đạt ít nhất 50%... Qua đó góp phần đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tiết kiệm nhân lực, rút ngắn quy trình KCB, đem lại tiện ích cho người dân, tạo sự hài lòng cho người bệnh.

Bài, ảnh: Hạnh Chi

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/co-so-y-te-day-manh-thanh-toan-vien-phi-khong-dung-tien-mat/d2022091317218485.htm