Có tên lửa tấn công cực mạnh, vì sao Nga vẫn cần đến tàu sân bay?
Để Nga vẫn là một cường quốc hải quân có khả năng tiến hành các chiến dịch quân sự ở mọi đại dương, Moskva cần đến ít nhất một tàu sân bay.
Theo Sputnik, tại triển lãm hải quân quốc tế IMDS-2021 vừa diễn ra ở Saint-Peterburg, ngành công nghiệp quốc phòng Nga một lần nữa khiến thế giới kinh ngạc với các mẫu vũ khí của họ. Được quan tâm nhiều nhất vẫn là các mẫu vũ khí dành cho hải quân.
Cũng tại IMDS-2021, phía Nga đã một lần nữa mang đến triển lãm mẫu tàu sân bay mới nhất của nước này – Đề án 11430E “Lamantin”. Dĩ nhiên, Lamantin lập tức thu hút sự quan tâm lớn từ giới quan sát, bởi sự xuất hiện của nó cho thấy Moskva vẫn giữ ý định đóng một tàu sân bay mới thay cho chiếc Đô đốc Kuznetsov đã cũ kỹ.
Thiết kế của tàu sân bay Lamantin được Cục thiết kế hàng hải Nevsky (St.Petersburg) giới thiệu tới công chúng lần đầu tiên tại IMDS-2019. Lượng giãn nước tối đa của tàu sân bay sẽ từ 80.000 – 90.000 tấn, kích thước lớn hơn rất nhiều so với Đô đốc Kuznetsov.
Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến một cuộc tranh cãi xung quanh tàu sân bay. Có rất nhiều chuyên gia quân sự ủng hộ Đề án 11430E, một số khác lại hoài nghi cho rằng Hả quân Nga không cần tới một tàu sân bay như vậy.
Nga có cần tàu sân bay?
Để giải đáp thắc mắc này, Sputnik đã có cuộc phỏng vấn chuyên gia quân sự Vladimir Karnozov nhằm làm rõ vai trò của tàu sân bay đối với yêu cầu tác chiến trên biển của Hải quân Nga.
“Nga hiện chỉ có một tàu sân bay là Đô đốc Kuznetsov. Bây giờ con tàu này đang được đại tu, nhưng, bản thân nó đã khá cũ khi phải hoạt động liên tục trong gần 30 năm. Sớm hay muộn cũng phải thay thế nó”, ông Karnozov cho biết.
Cũng theo chuyên gia này, nếu không có tàu sân bay mới, một số trường đào tạo phi công cho hải quân Nga phải đối mặt với nguy cơ bị đóng cửa. Việc mở lại các cơ sở như vậy trong tương lai thường khá khó khăn khi đã mất đi nguồn nhân lực.
Tuy nhiên, có một thực tế phải nhìn nhận rằng việc xây dựng và bảo trì các tàu sân bay lẫn các đơn vị không quân đi kèm luôn đòi hỏi một nguồn ngân sách lớn. Ngoài ra, tàu sân bay không tác chiến độc lập một mình trên biển, đi kèm nó thường sẽ là các tàu hộ tống, tàu khu trục, khinh hạm, tàu ngầm và cả tàu tiếp vận.
Karnozov cho rằng để có thể đáp ứng yêu cầu tác chiến trong tương lai, hải quân Nga không chỉ cần một mà tới ba tàu sân bay.
Chuyên gia Karnozov không đồng tình với những nhận định nói rằng, ngày nay, với sự phát triển của các loại vũ khí chính xác cao sẽ biến tàu sân bay đang trở thành mục tiêu dễ bị tổn thương.
“Việc ‘chọc thủng’ vành đai an ninh của tàu sân bay, kể cả với những vũ khí chống hạm hiện đại nhất, không phải là chuyện dễ dàng”, ông Karnozov nhấn mạnh.
Karnozov kết luận rằng Để Nga vẫn là một cường quốc hải quân có khả năng tiến hành các chiến dịch quân sự ở mọi đại dương thì Moskva vẫn cần đến một tàu sân bay. Chuyên gia quân sự này cũng đánh giá cao Đề án 11430E của Nevsky.
Về thiết kế, tàu sân bay Lamantin có thể mang theo tối đa 60 máy bay có người lái và 10 máy bay không người lái cỡ lớn. Thủy thủ đoàn trên tàu gồm khoảng 2.800 người, trong đó 800 người thuộc các đơn vị không quân hải quân đi kèm. Con tàu này có thể hoạt động liên tục 120 ngày trên biển.
Khác với các đề án tàu sân bay trước đây của Liên Xô – Lamantin không được trang bị vũ khí tấn công mà chỉ có vũ khí phòng vệ, nó sẽ hoạt động như các mẫu tàu sân bay của Mỹ, Anh và Pháp. Điều này cũng đặt ra một vấn đề khác cho hải quân Nga bởi Lamantin cần có nhóm tàu hộ tống đi cùng khi hoạt động trên biển.