Có than mới có việc cho công nhân làm, có điện cho dân dùng

Mục tiêu đấu tranh là đòi Pháp phải 'Bảo đảm đủ than dữ trữ cho nhà máy chạy'. có ánh sáng để giữ gìn an ninh trật tự, có điện để đón mừng Chính phủ về tiếp quản.

Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và thắng lợi của Hội nghị Giơnevơ đã nhân lên niềm tự hào dân tộc, niềm tin tưởng mạnh mẽ của người dân Hà Nội vào cách mạng. Khí thế chiến thắng đã cổ vũ các tầng lớp quần chúng hăng hái thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, tham gia những hoạt động yêu nước, bảo vệ hòa bình, chuẩn bị cho ngày tiến vào giải phóng Thủ đô.

Hiệp định Geneve đã được ký vào ngày 21/7/1954 (Ảnh tư liệu)

Hiệp định Geneve đã được ký vào ngày 21/7/1954 (Ảnh tư liệu)

Nhiệm vụ giữ vững dòng điện khi tiếp quản

Thấu suốt nhiệm vụ hàng đầu trong công tác tiếp quản là vấn đề an dân, Thành ủy đã xác định mục tiêu đấu tranh trước mắt là phải giữ vững được đời sống bình thường của nhân dân khi ta vào tiếp quản Thành phố. Bằng bất kỳ giá nào cũng phải bảo đảm điện, nước, vệ sinh, ổn định đời sống bình thường của mọi tầng lớp nhân dân Thành phố, đặc biệt giữ vững dòng điện là một nhiệm vụ quan trọng.

Theo Hiệp định Giơnevơ, Hà Nội trở thành vùng tập kết của quân đội Pháp trong 80 ngày trước khi rút quân. Trong thời gian này, nhiệm vụ đấu tranh đòi thực dân Pháp phải nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Giơnevơ, bảo vệ Thành phố, xí nghiệp, công sở; chống địch phá hoại, bảo vệ tính mạng tài sản của nhân dân; phát triển lực lượng cách mạng trong Thành phố, phối hợp với lực lượng của ta từ bên ngoài vào tiếp quản, giải phóng hoàn toàn Thủ đô.

Lợi dụng thời gian thi hành Hiệp định đình chiến, quân Pháp âm mưu phá hoại, di chuyển máy móc, vật liệu, hồ sơ kỹ thuật..., phá hoại Thủ đô về mọi mặt nhằm biến Hà Nội thành một thành phố trống, không điện, không nước, các nhà máy không hoạt động, mọi công việc sinh hoạt và sản xuất kinh doanh ngừng trệ.

Theo chủ trương của Đảng, ta đã thực hiện bảo vệ các nhà máy cần chú trọng nhất, những xí nghiệp có quan hệ trực tiếp đến đời sống của Thành phố. Cuộc đấu tranh gay go nhất ở Hà Nội lúc này nổ ra ở ba nơi: Nhà máy Đèn Bờ Hồ, Cơ xưởng bưu điện và Ga Hà Nội. Nhiệm vụ trọng tâm bức thiết nhất của công nhân ở Hà Nội lúc này là bảo vệ nhà máy, các kho tàng, công sở, không cho địch di chuyển vào Nam, chống địch cướp bóc, phá phách trước khi rút quân.

Đấu tranh đảm bảo đủ than hoạt động, bảo vệ thiết bị máy móc tại Nhà máy Đèn Bờ Hồ

Để Nhà máy Đèn Bờ Hồ có thể hoạt động thì than là vấn đề sống còn. Vì vậy chủ Pháp âm mưu không tiếp tục chuyển than về 130 tấn/ngày như trước nữa mà dùng cho hết than dự trữ trước khi giao lại Nhà máy cho Chính phủ ta. Từ ngày 7/9/1954, chúng bắt đầu buộc công nhân phải lấy than dự trữ để đốt lò. Với số than còn lại lúc này, Nhà máy chỉ có thể hoạt động đến ngày 04/10 và nếu có thêm 600 tấn than đang trên đường về thì cũng chỉ tối đa đến ngày 10/10/1954.

Trước tình hình đó, vạch rõ đây là một âm mưu phá hoại của Pháp, trái với hợp đồng đã ký với Thành phố khi nhận đấu thầu và cung cấp điện cho Hà Nội. Đấu tranh đòi chủ Pháp phải tiếp tục cho chuyển than về không chỉ nhằm đảm bảo công ăn việc làm cho công nhân Nhà máy, mà còn vì thắng lợi của công tác tiếp quản Thủ đô.

Ngày 13/9/1954, sau khi họp các tổ trung kiên, anh em nhanh chóng phân công nhau đi đến các bộ phận giải thích, vận động công nhân toàn Nhà máy ký tên vào bản yêu sách với nội dung đòi chủ Pháp phải thực hiện mua than để Nhà máy tiếp tục hoạt động và đủ dự trữ trong 2 tháng; trả lại máy móc, nguyên vật liệu; trả nợ lương, trả lời các yêu sách công nhân yêu cầu tăng lương…

Công nhân Nhà máy Đèn Bờ Hồ ký tên vào bản yêu sách đấu tranh với chủ Pháp

Công nhân Nhà máy Đèn Bờ Hồ ký tên vào bản yêu sách đấu tranh với chủ Pháp

Ngày 15/9/1954, đã có 250/280 công nhân viên chức Nhà máy ký tên vào bản yêu sách. Sau nhiều lần chủ hứa suông lại không tiếp đại biểu công nhân, toàn thể công nhân viên chức Nhà máy đồng loạt nghỉ việc và cùng kéo đến đấu tranh. Trước tinh thần đấu tranh quyết liệt của công nhân, chủ Nhà máy phải ra tiếp đại biểu công nhân và hứa sẽ chuyển về 4.000 tấn than, mỗi ngày 300 tấn. Nhưng sau đó chúng lại tìm cách trì hoãn, bớt khối lượng than chở về mỗi ngày. Công nhân lại kiên trì tiếp tục đấu tranh. Cuối cùng bọn chủ phải cho chuyển về đủ 4.000 tấn than dự trữ cho Nhà máy.

Song song với cuộc đấu tranh đòi phải đảm bảo đủ than dự trữ cho Nhà máy hoạt động, anh em công nhân đấu tranh quyết liệt giữ máy móc, nguyên vật liệu, hồ sơ tài liệu của Nhà máy. Nhiều cuộc đấu tranh của công nhân Nhà máy nổ ra nhằm kiên quyết không để bọn chủ tháo dỡ máy móc thiết bị và buộc họ phải bàn giao cho ta. Bên cạnh đó, công nhân còn tích cực cất giấu máy móc, đẩy mạnh công tác binh vận, lôi kéo cai ký, nhân viên kỹ thuật về phía ta. Đội tự vệ Nhà máy được thành lập với hơn 30 đội viên. Hàng ngày, các chiến sỹ tự vệ phân công nhau trực ở những bộ phận quan trọng để giữ máy, đêm đêm bí mật canh gác để địch không phá hoại hoặc di chuyển máy móc.

Ngày 01/10 chúng lại chuẩn bị để di chuyển máy móc khỏi Nhà máy. Hơn 200 công nhân đã đình công, kéo đến vây kín xưởng máy. Mặc dù chủ đưa lính lê dương đến uy hiếp và mời Ủy ban kiểm soát quốc tế đến can thiệp, nhưng trước tinh thần đấu tranh quyết liệt của công nhân, cuối cùng chúng cũng phải nhượng bộ, không thực hiện được ý đồ chuyển máy móc ra khỏi Nhà máy.

Sau những lần thất bại, 02 ngày trước khi quân Pháp phải rút khỏi Hà Nội, lợi dụng thời gian thiết quân luật bọn chủ đưa ô tô đến để chuyển tài liệu hồ sơ Nhà máy. Trong tình thế không thể huy động thêm công nhân đến trợ giúp, cán bộ đã vận động những người đóng gói tài liệu vừa làm, vừa trì hoãn, vừa phá để kéo dài thời gian. Những công nhân khác thì kéo đến vây cản ô tô. Bọn chủ đưa lính lê dương, mật thám đến uy hiếp, đe dọa nhưng công nhân vẫn không lùi bước. Có công nhân còn phanh áo thách thức lính Pháp. Còn chủ Nhà máy thì hùng hổ nhảy lên xe nổ máy định chạy. Anh em công nhân đã ùa tới vây quanh cản đường xe chạy, kiên trì vây bám giữ để chờ đến sáng. Sáng 9/10, Ban lãnh đạo đấu tranh đã huy động thêm công nhân kéo vào Nhà máy. Trước khí thế của anh em công nhân, bọn chủ buộc phải rút lui.

Thắng lợi của anh em công nhân viên chức Nhà máy Đèn Bờ Hồ, đảm bảo được điện cho Thành phố, không những đã góp một phần rất quan trọng vào công việc đảm bảo an ninh ở thủ đô Hà Nội trước ngày tiếp quản, mà còn khích lệ cổ vũ rất nhiều tinh thần đấu tranh của anh em công nhân và đồng bào Hà Nội.

Nhà máy Đèn Bờ Hồ rực rỡ ánh đèn trong Ngày Giải phóng Thủ đô

Nhà máy Đèn Bờ Hồ rực rỡ ánh đèn trong Ngày Giải phóng Thủ đô

Những tưởng việc đảm bảo nguồn điện thắp sáng cho Hà Nội là nhiệm vụ khó khả thi, nhưng các cán bộ, công nhân Nhà máy đèn Bờ Hồ đã làm hết sức mình cho Thủ đô bừng sáng ngay từ ngày đầu tiếp quản Thủ đô.

Sáng ngày 10/10/1954, cả Hà Nội bừng sáng trong cờ, hoa và biểu ngữ. Hà Nội sạch bóng quân thù, chào đón đoàn quân từ năm cửa ô tiến vào giải phóng Thủ đô. Cùng với đồng bào Hà Nội, công nhân Nhà máy Đèn Bờ Hồ hân hoan chào đón đoàn quân cách mạng tiến vào tiếp quản Thủ đô. Dòng điện nhà máy tỏa sáng với niềm vui chung của người dân Thành Phố hoàn toàn được giải phóng.

 Đoàn công nhân viên ngành Điện tuần hành trong Ngày Giải phóng Thủ đô

Đoàn công nhân viên ngành Điện tuần hành trong Ngày Giải phóng Thủ đô

Một tháng sau ngày tiếp quản, việc quản lý và điều hành hoạt động của các cơ sở điện lực ở Thủ đô đã đi vào nề nếp.

PV

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kinh-doanh/co-than-moi-co-viec-cho-cong-nhan-lam-co-dien-cho-dan-dung-2037776.html