Coi trọng hai yếu tố cơ bản nâng cao chất lượng giáo dục Thủ đô

Năm học 2012-2013 có ý nghĩa đặc biệt với ngành GD-ĐT, để lại dấu ấn về chặng đường 5 năm Hà Nội điều chỉnh địa giới hành chính. Quy mô và chất lượng giáo dục có bước chuyển mạnh theo hướng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân, trong đó có tác động lớn từ hai yếu tố cơ bản là cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. 5 năm liền, Hà Nội là đơn vị dẫn đầu toàn quốc về công tác GD-ĐT.

Xây dựng trường lớp theo hướng chuẩn

Quy mô mạng lưới trường, lớp mở rộng lên gấp đôi (2.300 trường) đã góp phần tạo đà cho việc phát triển GD-ĐT Thủ đô, song cũng đặt ra thử thách bởi còn có sự khác biệt nhất định về điều kiện dạy - học giữa các địa bàn. Vì vậy, việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất ở các nhà trường để thầy dạy tốt hơn, trò học tốt hơn được ngành GD-ĐT coi là nhiệm vụ trọng tâm, cũng là giải pháp then chốt thường niên.

Một giờ học của các em học sinh Trường Tiểu học thị trấn Phú Xuyên (huyện Phú Xuyên, Hà Nội). Ảnh: Thái Hiền

Chỉ hơn nửa năm sau ngày chính thức điều chỉnh địa giới hành chính, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt Kế hoạch số 86/KH-UBND về việc xóa phòng học tạm, phòng học bán kiên cố xuống cấp giai đoạn 2009-2010 với tổng kinh phí hàng nghìn tỷ đồng. Mục tiêu ưu tiên đầu tư là các trường học ở 15 quận, huyện, thị xã thuộc địa bàn Hà Nội mở rộng. Gần 6 nghìn phòng học cũ đã được thay mới, góp phần làm cho diện mạo của các trường học vùng ngoại thành, miền núi thay đổi tích cực. Trong số này, phải kể đến Ba Vì với đặc thù vừa thuộc địa bàn miền núi, vừa có xã giữa sông. Huyện được thành phố tập trung đầu tư kinh phí để bổ sung, nâng cấp gần 1 nghìn phòng học. Hệ thống trường học từ mầm non, tiểu học đến THCS của các xã miền núi ở Hòa Bình về Thạch Thất cũng có nhiều chuyển biến đáng kể khi không chỉ được xây thêm phòng học, trường mới mà còn được bổ sung các hạng mục phụ trợ cần thiết để hỗ trợ cho việc dạy - học theo hướng đồng bộ và đạt chuẩn. Đây cũng là quan điểm đầu tư của Hà Nội cho tất cả các trường học ở mọi địa bàn.

Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ, để có "sản phẩm" đạt chuẩn thì các điều kiện tạo ra "sản phẩm" cũng phải đạt chuẩn. Vì vậy, việc phát triển hệ thống trường đạt chuẩn quốc gia được coi là một trong những điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục. Số lượng trường đạt chuẩn đến nay là 768 trường, chiếm tỷ lệ 32%, tăng gấp hơn 2 lần so với thời điểm Hà Nội vừa điều chỉnh địa giới. Hà Nội đang nỗ lực để nâng tỷ lệ này lên khoảng 50-55% vào năm 2015 theo tinh thần của Nghị quyết HĐND TP. 5 năm qua để lại dấu ấn với một số công trình trọng điểm, có ý nghĩa lớn trong việc đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho Thủ đô như dự án Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam (kinh phí 429 tỷ đồng), dự án Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (300 tỷ đồng), dự án Trường Trung cấp đa ngành Sóc Sơn (158 tỷ đồng)...

Phát triển đội ngũ cả về lượng và chất

Cùng với điều kiện cơ sở vật chất, việc đầu tư phát triển đội ngũ giáo viên (GV) được Hà Nội đặc biệt coi trọng, coi là nhiệm vụ trọng tâm trong suốt 5 năm qua, bởi xác định đây là hai yếu tố quan trọng làm nên chất lượng GD-ĐT một cách bền vững. Sau thời điểm điều chỉnh địa giới hành chính, Hà Nội tập trung một đội ngũ GV lớn nhất cả nước với hơn 70 nghìn người. Cái khó là phải tạo được sự đồng đều về trình độ đào tạo và kỹ năng nghiệp vụ của GV giữa các địa bàn. Để tuyển được "đúng người, trúng việc", công tác tuyển dụng GV được phân cấp cho cơ sở. Gần 8 nghìn GV được bổ sung cho các nhà trường trong 5 năm qua, góp phần hạn chế tình trạng nơi thiếu, nơi thừa hoặc tình trạng "đứng nhầm" bục giảng.

Kinh phí thành phố dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng tăng dần hằng năm, từ 8,4 tỷ đồng (năm 2008) lên hơn 20 tỷ đồng (năm 2013). Thành phố cũng đã dành 126 tỷ đồng để xây mới Trường Bồi dưỡng, đào tạo cán bộ giáo dục Hà Nội - "cỗ máy cái" của ngành. Hiện 100% GV đứng lớp ở các ngành học đều có trình độ đào tạo đạt chuẩn, trong đó tỷ lệ GV có trình độ trên chuẩn có nơi lên đến 80-90% và ngày càng hoàn thiện về kỹ năng, nghiệp vụ. Kết quả này góp phần tạo mặt bằng chung, thu hẹp dần khoảng cách chất lượng GV giữa các địa bàn.

Để tạo chất lượng GD-ĐT bền vững, việc đánh giá chất lượng người thầy được Hà Nội xác định không chỉ thông qua bằng cấp đào tạo, mà còn dựa trên sản phẩm giáo dục. Thành phố đã xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng đội ngũ GV đến năm 2015 với lộ trình, mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể từng giai đoạn. Tình trạng "xôi đỗ" về trình độ GV ở các địa bàn cũng được khỏa lấp dần.

Năm năm qua cũng là khoảng thời gian đội ngũ các thầy, cô giáo Hà Nội được bổ sung nhiều chế độ, chính sách mới, tạo cơ sở để họ chuyên tâm với nghề, nhiệt huyết cống hiến. Lần đầu tiên, hơn hai chục nghìn GV ngoài biên chế ở gần 400 trường mầm non khu vực mở rộng được hưởng các chế độ, chính sách như đối với viên chức nhà nước, được hưởng lương theo năm công tác thực tế, tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... Điều này đã làm giảm đáng kể sự chênh lệch giữa GV biên chế và GV làm hợp đồng. Đây được coi là "chất keo" không chỉ có tác dụng gắn kết các thành viên trong một đơn vị thành một khối đoàn kết, đồng lòng vì mục tiêu chung là chăm sóc, giáo dục HS, mà còn là động lực để các GV bớt "nhấp nhổm"…

Tạo dựng trường lớp theo hướng chuẩn, phát triển đội ngũ GV vững chuyên môn, giàu nhiệt huyết, đó là mục tiêu, vừa là giải pháp mà ngành GD-ĐT Hà Nội kiên trì thực hiện để tạo chất lượng giáo dục vững chắc và được tin cậy.

Hồng Hạnh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Giao-duc/597905/coi-trong-hai-yeu-to-co-ban-nang-cao-chat-luong-giao-duc-thu-do