Cõi vĩnh hằng trên Facebook
Trang Facebook của tôi là một phần danh tính của tôi, nhưng liệu nó có thể đem lại cho tôi một cuộc sống bên kia hay không, sau khi tôi chết đi?
“Vĩnh hằng ảo”
Một số người đã cố gắng lấp đầy những khoảng lặng sau khi chết của người khác trên mạng xã hội, bằng cách sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tiếp tục kéo dài sự hiện diện của người chết. Ví dụ một ứng dụng có tên LivesOn, có thể tiếp tục giật tweet sau khi chủ tài khoản Twitter đã qua đời. Được phát triển bởi một công ty sáng tạo và Đại học Queen Mary (Vương quốc Anh), ứng dụng này được thiết kế để phân tích các đoạn tweet đã có, học hỏi cú pháp và cách sử dụng từ của người chết để tạo ra các tweet mới như thể họ vẫn đang sống.
Một công ty khác có tên Vĩnh hằng ảo (Virtual Eternity), có trụ sở tại Alabama (Mỹ), đã phát triển các ảnh đại diện động hoạt hình của người chết để con cháu vẫn có thể giao tiếp với họ.
Cho đến nay, không có nỗ lực nào trong số này đủ ấn tượng nhưng thật thú vị khi chứng kiến một ngành công nghiệp mới nổi mang đến cho mọi người cơ hội mở rộng nhân dạng kỹ thuật số của họ, vượt qua cái chết sinh thể lý của mình. Một số công ty làm dịch vụ này đơn giản như đơn vị lưu trữ các mật khẩu và dữ liệu tài khoản cho người chết, một số thậm chí tạo ra những khu tưởng niệm số. Một công ty có tên LifeNaut, có trụ sở tại Vermont (Mỹ), thậm chí còn bày tỏ tham vọng tái hiện một nhân dạng số hoàn hảo nhất của người chết, bằng việc đề nghị thu thập và lưu trữ tất cả những dữ liệu làm nên con người bạn.
Các câu hỏi thường gặp trên trang web của LifeNaut nhắm đến “mục tiêu dài hạn là kiểm tra xem liệu nếu được cung cấp một cơ sở dữ liệu toàn diện, tổng quát với những khía cạnh phù hợp nhất với tính cách của một cá nhân, liệu phần mềm thông minh trong tương lai có thể tái tạo ý thức của cá nhân đó hay không”. Bạn có thể vào web và tự cung cấp thông tin, cho dự án đầy tham vọng này. Một nỗ lực tái sinh sau khi chết từ internet.
Nhưng, rốt cục thì, không quan trọng là các dịch vụ này tốt, xấu hay mơ hồ. Chúng chỉ nhắc nhở ta rằng dù ta có thể hiện mình trên mạng nhiều như thế nào, thì hình thái tồn tại mà internet có thể cung cấp dường như rất ít liên quan đến linh hồn thật sự của chúng ta.
Linh hồn trên Facebook
Trong nhiều thế kỷ, ý tưởng về linh hồn đã trở thành lời giải đáp phổ quát cho một vấn đề cấp bách: làm thế nào mà con người, với cơ thể quá mong manh, dễ phân hủy, có thể tiếp tục “sống” sau khi chết? Thậm chí đi xa hơn, người ta suy nghĩ đến cả cơ thể của những người bị thú dữ ăn thịt, liệu có thể tái sinh được chăng?
Một nhà thần học người Hy Lạp có tên Athenagoras sống ở thế kỷ thứ II đã cố gắng “giải quyết” câu hỏi thứ hai trên bằng cách tuyên bố rằng thịt người không thể tiêu hóa được. Vật lộn với những băn khoăn tương tự về sự tái sinh và danh tính, các văn tự cổ Do Thái giải thích rằng cột sống chúng ta chứa một loại xương không thể bị phá hủy, được gọi là luz, bảo tồn bản sắc cơ thể giữa sự sống, cái chết và tái sinh.
Nhưng ý tưởng của người Hy Lạp về linh hồn phi vật chất đã khiến tất cả những suy đoán sinh lý này trở nên vô nghĩa. Họ cho rằng về bản chất, mỗi chúng ta là một linh hồn, trên lý thuyết, là một dạng tồn tại phi vật chất có thể sống lại qua một cơ thể khác và tồn tại sau khi chết, chuyển sang một cuộc sống mới mà không bị mất đi danh tính.
Khoảng những năm 1600, triết gia vĩ đại người Anh John Locke đã làm một điều gây chấn động: chỉ bằng vài trang viết, ông đã lấy đi linh hồn của chúng ta. Locke tuyên bố rằng về cả tinh thần lẫn thể lý, bạn không phải là một linh hồn. Bạn có thể hoán đổi tâm trí với một cơ thể khác mà vẫn là bạn, vì bạn không chỉ là một linh hồn. Nhưng, nếu bạn hoán đổi ý thức của mình sang cơ thể khác, danh tính của bạn sẽ chuyển sang cơ thể của họ và ngược lại.
Cùng với ý tưởng này, quan niệm đa nguyên hiện đại về bản sắc cá nhân đã ra đời. Thay vì một bản ngã duy nhất, giờ đây chúng ta có số nhiều: cái tôi thể lý (physical self), cái tôi tâm lý, cái tôi động vật, cái tôi hiện sinh... và gắn với mỗi cái tôi lại có triết thuyết riêng. Internet đã tạo ra những đứt gãy giữa các cái tôi bản sắc cá nhân này và làm chúng trở nên nổi bật hơn nhiều trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta.
Ý tưởng rằng Internet là một thế giới riêng biệt, tức có sự phân chia nào đó giữa “không gian mạng” (cyberspace) và “không gian bằng xương bằng thịt” (meatspace) đang trở nên mờ nhạt. Cách đây không lâu, internet là một nơi ẩn danh, xa lạ, nơi bạn có thể trở thành bất kỳ ai mà không phải nhận hậu quả.
Tất nhiên là tính năng ẩn danh vẫn còn đó: bạn vẫn có thể giả vờ rằng mình đang trẻ trung nóng bỏng hơn, thậm chí đóng vai một hoàng tử Nigeria hoặc một blogger sắp chết. Nhưng, thế giới ẩn danh này đang co lại nhanh chóng. Hầu hết chúng ta ngày càng gắn chặt với danh tính của mình trên mạng không chỉ vì phần lớn hoạt động trực tuyến của chúng ta diễn ra trong môi trường sử dụng danh tính thật, với dịch vụ của các công ty chuyên nghiệp như Facebook.
Thực tế là toàn bộ cơ thể của bạn cũng đang trực tuyến, ngày một nhiều hơn. Hình ảnh, giọng nói và vị trí thực tế của chúng ta được ghi và thể hiện lại thông qua một tập hợp các nền tảng truyền thông xã hội ngày càng phức tạp được kết nối với nhau. Ngay cả các game thủ cũng thường lấy âm thanh trong thế giới thực để làm hình ảnh đại diện của họ. Tất nhiên, đó không phải một không gian hiện thân hoàn toàn nhưng nó đang ngày càng được tích hợp sâu hơn vào cuộc sống bốn chiều hằng ngày của chúng ta.
Trong nghiên cứu có tên “Xây dựng danh tính trên Facebook” được công bố trên Tạp chí Máy tính với hành vi con người, nhà khoa học người Trung Quốc Shanyang Zhao cùng các nhà xã hội tại Đại học Temple ở Philadelphia đã phát hiện rằng, ngay cả khi hồ sơ của người dùng không hoàn toàn giống với danh tính ngoài đời thực của anh ta thì đấy thậm chí là danh tính mà họ thực sự mong muốn có trong cuộc sống thực nhưng chưa thể. Tức là nhân dạng trực tuyến mà hầu hết chúng ta sử dụng có thể phản ánh linh hồn thật sự của ta, như một cụm từ của nhà triết học người Mỹ Stanley Cavell nói về danh tính trên mạng: bản thể kế tiếp (next self). Một bản thể có thể tốt hơn của chúng ta, nghĩa là người mà chúng ta vẽ ra trên Facebook cho bản thân có thể là người mà ta đang cố gắng trở thành.
Có vẻ là điều điên rồ khi khẳng định như vậy: làm thế nào mà một tập hợp các hình ảnh trên máy tính lại có thể là bạn được? Nhưng, con người không chỉ là một thực thể vật chất. Danh tính của chúng ta không chỉ tồn tại trong từng cá nhân mà trong cả ký ức và tâm trí của người khác, thông qua các đồ tạo tác như giấy khai sinh, ảnh và nhật ký.
Tài khoản Facebook của bạn chỉ là một trong số những đồ tạo tác như vậy nhưng là công cụ mạnh mẽ và đa chiều nhất chúng ta từng biết. Nó mở rộng danh tính xã hội của bạn, điều mà triết gia người Pháp Jean-Paul Sartre đã gọi là cái tôi “tồn tại vì người khác” (being-for-others) của bạn, với lời cảnh báo rằng đây là thứ hoàn toàn vượt khỏi tầm kiểm soát của bạn. Đây là một phần danh tính của chúng ta và có thể tồn tại rất lâu sau khi chúng ta chết.
Chúng ta là ai?
Có thể yên tâm hơn một chút khi biết rằng sau khi tôi chết, vợ tôi sẽ nhận được một tin nhắn có chứa tất cả các mật khẩu tài khoản internet của tôi và kẻ thù không đội trời chung của tôi sẽ nhận được những email vô cùng khó chịu. Thậm chí, thật là tốt khi biết rằng bạn bè và gia đình tôi vẫn có thể nhớ tới tôi thông qua “Giọng nói tưởng nhớ”, dịch vụ của một công ty có trụ sở tại New Hampshire, hay những bức ảnh đã đăng trên Facebook của tôi, theo một cơ chế mà nhà tâm lý học Elaine Kasket của Đại học London Metropolitan đã chỉ ra trong bài luận “Hướng tới cái chết trong kỷ nguyên kỹ thuật số” của bà, rằng mọi người thường xuyên quay lại trang Facebook của người chết như một phần của quá trình tưởng nhớ họ.
Nhưng, nói như đạo diễn lừng danh Woddy Allen thì: Tôi không muốn sống trên trang Facebook mà muốn sống trong căn hộ của mình. Như triết gia người Úc Mark Johnston đã đề cập đến trong cuốn “Surviving Death” (tạm dịch: Sống sót trước cái chết, xuất bản năm 2010), chúng ta có 2 cách sợ chết: nỗi sợ rằng sẽ không có ai thực hiện tiếp các dự án cuộc đời và sống nốt cuộc sống của ta và nỗi sợ rằng những kinh nghiệm mà tôi đang trải qua ngay bây giờ, “một đấu trường hiện diện và hành động” (lời Johnston), sẽ không còn hiện diện nữa.
Con người của tôi có thể sống trên mạng xã hội như một hình ảnh phóng chiếu nhỏ của tôi nhưng bản ngã của tôi không thể chỉ sống trên mạng được. Đơn giản vì trên đó không có những trải nghiệm tồn tại của tôi với góc nhìn người thứ nhất mà chỉ là một con rối được điều khiển bằng ý thức chủ quan chi phối.
Tuy nhiên, điều thú vị là ta vẫn có thể sống vì người khác theo một cách nào đó, bởi vì không phải tất cả các khía cạnh trong danh tính của chúng ta đều phụ thuộc vào việc cơ thể ta còn sống để tiếp tục. Đó là lý do tại sao, ví dụ, bạn vẫn sẽ làm ô danh cá nhân tôi nếu ngược đãi thi thể của tôi, mặc dù trên lý thuyết, tôi không còn tồn tại nữa. Nhưng, tôi cũng không thể sống chỉ cho riêng mình. Đó là sự khác biệt tinh tế, nhưng cũng là một trong những điều quan trọng nhất cần nắm bắt được để trả lời câu hỏi triết học lâu đời và dai dẳng bậc nhất: liệu chúng ta là gì?
Không một triết gia nào có thể đưa ra một giải đáp duy nhất cho câu hỏi này. Không ai có thể bóp gọn và thống nhất nó, một cách trang nhã, thành một thực thể siêu hình nhỏ gọn như linh hồn. Thay vào đó, chúng ta đã kết thúc với sự bối rối đa dạng, với hàng chục câu trả lời khác nhau và thậm chí chẳng hề tương thích với nhau. Và giữa ngã ba đường bối rối này, chúng ta có thể nhìn thấy một con đường mở ra trước mặt: như đã nói, chúng ta không chỉ là những bản thể sinh lý, hay bản thể tinh thần, bản thể hiện sinh... đơn thuần, mà là tổng hòa của tất cả những thứ này và nhiệm vụ bây giờ là hiểu cách chúng tương tác với nhau. Cách ta sống và chết trên mạng xã hội gợi ý rằng loại nhiệm vụ này là một định mệnh và không phải thứ chúng ta có thể tránh được.
Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nhan-dam/coi-vinh-hang-tren-facebook-617188/