Con đừng về quê!

Tôi đã từng 2 lần nhận được lời nhắn đại ý như thế này qua những bức thư tay của bố vào những ngày tháng ông còn trẻ, còn tôi là cậu sinh viên sống lạ lẫm nơi đất khách quê người. Đó là những ngày bà nội và bà ngoại tôi qua đời vì tuổi già. Ngày đó, đường sá xa xôi, chuyện đi lại hàng trăm cây số vẫn còn khó khăn. Đối với đa phần gia đình ở nông thôn nghèo, có con cái đi học hoặc đi làm xa quê, mỗi lần đi về lại thêm phần tốn kém, lại ảnh hưởng đến chuyện học hành, công việc. Vì suy nghĩ như thế, nên nhiều gia đình chọn cách im lặng, không thông báo cho con cháu ở xa khi người thân cách vài ba thế hệ qua đời. Chỉ khi mọi việc đã xong thì mới thông báo qua những bức thư, khi đến tay người nhận thì cũng đã là nửa tháng trời. Ngày đó cái điện thoại vẫn còn xa xỉ, mạng xã hội còn chưa ra đời.

Lần thứ ba tôi nhận được câu nói này từ mẹ tôi, qua videocall trên facebook, là giữa đại dịch Covid-19, cận kề ngày giỗ bố tôi. Trong kế hoạch của gia đình, vợ chồng tôi định sẽ đưa các con về quê đám giỗ ông nội. Vì nhiều năm qua, chúng còn nhỏ nên thường chỉ mình tôi nhảy xe về cận ngày giỗ bố cùng em trai, thỉnh thoảng có thêm em gái lấy chồng xa quê. Xong rồi vội vã ra đi. Sau thời gian ít ỏi chộn rộn trong nhà, chúng tôi cảm nhận được ánh mắt buồn của mẹ khi từng đứa lại rời đi. Đã mười hai năm rồi, mẹ sống một mình gần như cả năm, chỉ có 2 dịp sum vầy với con cháu: là tết và ngày giỗ bố.

Khác với những lần háo hức chờ chúng tôi về, lần này mẹ tần ngần một lúc rồi thông báo rằng, dạo này ở quê mọi người đều lo lắng về dịch bệnh. Dù thông tin có thể không được cập nhật liên tục như nơi thị thành, nhưng câu chuyện cô gái nọ nhiễm dịch nhưng không khai báo, cậu sinh viên kia đi học bên Hàn Quốc về quê tránh dịch mang theo cả bạn người Hàn về để "cưu mang", cả làng Sơn Lôi bị phong tỏa hay chị nào đó đi du lịch về bị cách ly... đều mang lại sự lo lắng cho xóm làng. Người quê lo lắng nhiều khi cực đoan, nhưng trong bối cảnh này, ai cũng hiểu rằng đó là điều tốt.

Nếu không bất ngờ xuất hiện những người có "hành tung quái đản" như một số bệnh nhân dương tính với Covid-19, khiến ngành chức năng và cộng đồng khổ sở trong thời gian qua, thì ở quê bây giờ chống dịch tốt hơn nhiều so với thành phố. Nét văn hóa làng xã trong giao tiếp, sinh hoạt khiến mọi người dễ có thông tin, dễ "cách ly" cho nhau. Hoặc chí ít, những ai từ nước ngoài, hoặc ở vùng dịch trong nước về, bà con hàng xóm đều biết cả, để hạn chế tiếp xúc. Đó là điều thuận lợi hơn so với thành phố, chẳng ai biết mình có thể tiếp xúc với F mấy và khả năng trở thành F mấy hay không!

"Ở nhà đã có mẹ và các chú, các bác, bà con lối xóm rồi. Nếu dịch bệnh còn phức tạp thì thôi, các con đừng về quê lúc này. Bình thường không sao, nhưng giờ không về thì tốt hơn con à". Tôi nghe nói thế cũng chạnh lòng, và tự hỏi là mình có nên về hay không? Rồi mẹ kể trong xóm có người nào ở xa về là ngay tức khắc sẽ có người trên xã tới lấy thông tin, rồi có người phải tự cách ly tại nhà tới 2 tuần lễ. Nhiều gia đình có việc nhưng phải gọi điện thông báo cho con cái đang sinh sống, làm ăn ở các tỉnh thành có dịch đừng về quê. Theo hiệu ứng lo âu và cảnh giác, nhiều người hàng xóm sẽ xin vắng mặt, không đến các sự kiện có người từ vùng dịch về, cho dù người đó gần như không hề có mối liên hệ hoặc nguy cơ nào từ người nhiễm dịch được công bố. Điều này chắc cũng không khác gì mấy so với khẩu hiệu "Ai nơi nào, ở yên chỗ đó" đang được chia sẻ rộng rãi trong cộng đồng.

Khi có biến cố, có chuyện vui buồn thì quê hương, gia đình là nơi đầu tiên người ta nghĩ về. Nhưng có lẽ, khoan hãy về quê lúc này, như lời mẹ tôi nói có lẽ cũng là mong muốn của những người ở quê, và cũng là điều cần thiết cho nhiệm vụ chống dịch.

CÔNG KHANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/119_222030_con-dung-ve-que-.aspx