Con đường khó khăn để hàn gắn
Những tranh cãi xung quanh việc ai chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã khép lại khi Quốc hội Mỹ chính thức tuyên bố ông Joe Biden sẽ là tổng thống đất nước trong 4 năm tiếp theo và ông Donald Trump hứa sẽ chuyển giao quyền lực trong hòa bình. Thế nhưng, con đường đi tới hòa giải, chấm dứt sự chia rẽ và phân cực sâu sắc thì chắc còn dài.
Cuộc tranh cãi không hồi kết giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa
Sau những bi kịch xảy ra tại Thủ đô Washington D.C vào ngày 6-1 (theo giờ địa phương), khi hàng nghìn người biểu tình quá khích tràn vào tòa nhà Quốc hội Mỹ nhằm ngăn chặn việc chứng nhận chiến thắng của ứng cử viên Đảng Dân chủ Joe Biden, dẫn tới cảnh bạo loạn, đập phá và xô xát, khiến 4 người thiệt mạng, người dân Mỹ hiểu rõ rằng phía trước nước Mỹ còn nhiều vấn đề phải giải quyết cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn.
Hơn 200 năm sau khi bị quân đội Anh đánh phá vào năm 1812, Điện Capitol (trụ sở Quốc hội Mỹ) - biểu tượng của dân chủ và quyền lực của nước Mỹ mới bị tấn công. Sự kiện này có thể coi là đỉnh điểm của những mâu thuẫn trong lòng nước Mỹ hiện nay. Suốt những năm qua, nước Mỹ luôn phải chứng kiến những cuộc tranh cãi chưa bao giờ dứt giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa trong một loạt vấn đề, từ đối nội như nhập cư, phân biệt chủng tộc, súng đạn, các dự luật cứu trợ, hay đối ngoại như quan hệ với đồng minh, cách đối phó với thách thức từ Trung Quốc, vấn đề hạt nhân của Iran, CHDCND Triều Tiên…
Chưa cần vụ đụng độ đổ máu trong Điện Capitol, nước Mỹ đã nhiều lần chìm trong làn sóng biểu tình quy mô lớn diễn ra trong một thời gian dài trên hầu hết các thành phố lớn, nhằm phản đối nạn phân biệt chủng tộc và tình trạng đối xử không công bằng của các nhân viên thực thi pháp luật nhằm vào người da màu. Nhiều cuộc biểu tình đã biến thành bạo loạn, đốt phá, đụng độ.
Đại dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) chẳng những xóa sạch những thành tích trong 4 năm cầm quyền của Tổng thống Donald Trump như tỷ lệ thất nghiệp giảm, thị trường chứng khoán tăng điểm mạnh mẽ, thu nhập của các gia đình Mỹ tăng thêm… mà còn làm lộ rõ thêm những tranh cãi trên chính trường về chiến lược cạnh tranh trong tương lai. Đúng là khi các công ty Mỹ tổ chức sản xuất ở các nước có chi phí nhân công rẻ hơn, lợi nhuận tăng lên và phần lớn vẫn sẽ thuộc về các công ty Mỹ, nhưng số người Mỹ mất việc cũng nhiều thêm.
Một khi đời sống không đảm bảo, việc làm bấp bênh, người Mỹ có xu hướng bảo thủ hơn, đặc biệt là đối với người nhập cư như người Mexico và Arập. Những người nhập cư khi mới sang Mỹ thường làm công việc tay chân, những công việc có mức thu nhập thấp và nguy hiểm mà hiếm người Mỹ chấp nhận làm. Tuy nhiên, qua thời gian, những người nhập cư đã dần chuyển dịch sang những ngành nghề “thời thượng” hơn với mức thu nhập cao hơn khiến cử tri Mỹ, nhất là người da trắng, bực bội vì bị cướp việc làm.
Trong lĩnh vực đối ngoại, mâu thuẫn giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ cũng không ít. Nhiều chính sách của ông Trump đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ đảng Dân chủ do lo ngại sẽ ảnh hưởng tới vấn đề an ninh, kinh tế và vị thế siêu cường của Washington. Chẳng hạn, quyết định cắt giảm số binh sĩ Mỹ đồn trú ở Đức bị Đảng Dân chủ kịch liệt phản đối với lý do điều này có thể ảnh hưởng tới lợi ích an ninh quốc gia Mỹ và làm suy yếu các liên minh với châu Âu hoặc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Cách tiếp cận của ông Donald Trump trong việc xử lý các vấn đề với Trung Quốc cũng bị đảng Dân chủ chỉ trích là không có sự hợp tác với các đồng minh thân cận như châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… Trong vấn đề Iran, các nhà lập pháp Đảng Dân chủ đã chỉ trích gay gắt mệnh lệnh của Tổng thống Donald Trump tấn công sân bay quốc tế ở thủ đô Iraq khiến tướng Iran Qassem Soleimani thiệt mạng hồi năm ngoái. Quyết định về việc rút binh lính Mỹ tại Afghanistan, Iraq hay Somalia cũng không nhận được sự ủng hộ của nhiều thành viên Đảng Dân chủ.
Khép lại hai tầm nhìn đối lập nhau về nước Mỹ
Trong cuốn hồi ký “Vùng đất hứa” vừa ra mắt ngày 12-11-2020, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama thừa nhận: “Nền dân chủ của chúng ta dường như đang loạng choạng bên bờ khủng hoảng - một cuộc khủng hoảng đã bám rễ trong cuộc tranh cãi giữa hai tầm nhìn đối lập nhau về chuyện nước Mỹ thế nào và nên như thế nào”. Theo ông Barack Obama, cuộc khủng hoảng “đã khiến hình thể chính trị bị chia rẽ, giận dữ, và ngờ vực”, tạo điều kiện cho sự phá vỡ các quy tắc, các thủ tục, và sự tôn trọng các thực tế cơ bản mà cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ theo đuổi.
Điều đó cho thấy với một nước Mỹ chia rẽ như vậy, không một tổng thống nào có thể đoàn kết người dân bằng quyền lực đơn lẻ của mình. Trong bối cảnh hiện nay, việc giải quyết thách thức trở thành thước đo năng lực với ông Joe Biden. Điều người ta có thể kỳ vọng là ông Joe Biden từng làm cầu nối để giải quyết những bất đồng lưỡng đảng vào năm 2003, khi Tổng thống Mỹ lúc ấy là ông George W.Bush quyết định tấn công Iraq.
Điều quan trọng trước tiên với ông Joe Biden là tạo sự đoàn kết, nhất trí để nước Mỹ vượt qua cuộc khủng hoảng trầm trọng do đại dịch Covid-19 gây ra. Mỹ hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch, tới nay số ca nhiễm và tử vong đều cao nhất thế giới, lần lượt là hơn 21 triệu người nhiễm và khoảng 370 nghìn ca tử vong. Tiếp đó là làm sao giải quyết tình trạng bất bình đẳng trong xã hội và cuộc khủng hoảng sắc tộc ngày càng sâu sắc liên quan tới vấn đề quyền lợi của người da màu ở Mỹ.
Điều đáng nói là sau sự kiện đổ máu trong Điện Capitol, nhiều nghị sĩ Đảng Cộng hòa trước đó phản bác kết quả bầu cử ở một số bang đã từ bỏ ý định phản đối. Có lẽ, họ hiểu rằng cội rễ cho sự ổn định, nền tảng thể chế lâu đời của nước Mỹ đang bị đe dọa. Người ta hy vọng rằng sự thông hiểu đó có thể là yếu tố bước đầu để các chính trị gia Mỹ của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tìm thấy sự đồng thuận.
Tuy vậy, điều nước Mỹ cần đạt được thì không chỉ là sự đồng thuận trong ngắn hạn. Điều quan trọng là kết thúc sự chia rẽ đang diễn ra trong lòng nước Mỹ. Trước mắt, Đảng Dân chủ có nhiều thuận lợi khi giành được quyền kiểm soát Thượng viện sau khi chiến thắng trong hai cuộc bầu cử bổ sung ở Georgia, một cuộc đua nước rút quan trọng giúp đảng này và Tổng thống Joe Biden dễ dàng hơn trong các quyết sách tương lai. Trước đó, Đảng Dân chủ đã kiểm soát Hạ viện. Nhưng Đảng Dân chủ và ông Joe Biden phải rất thận trọng với ưu thế này bởi mục tiêu cuối cùng là phối hợp với Đảng Cộng hòa thế nào chứ không phải quyết đối đầu.
Chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa, lễ nhậm chức tổng thống của ông Joe Biden sẽ diễn ra. Một trang mới có mở ra với nước Mỹ hay không đang là điều mà người dân Mỹ mong đợi sớm có câu trả lời.
Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/con-duong-kho-khan-de-han-gan-post455211.antd