Con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội trong giai đoạn mới
Mô hình chủ nghĩa xã hội tương lai sẽ phải định nghĩa chính xác những vấn đề bao gồm vai trò của kinh tế tư nhân, kinh tế nhà nước, sự tương quan giữa tư bản và lao động, khoảng cách giàu nghèo, vấn đề công bằng và an sinh xã hội và nhiều vấn đề kinh tế, chính trị và xã hội khác nữa.
Trong bài viết Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam viết ngày 15/5/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tái khẳng định: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”.
Cũng trong bài phát biểu này, ông Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Chủ nghĩa xã hội thường được hiểu dưới ba tư cách: chủ nghĩa xã hội là một học thuyết; chủ nghĩa xã hội là một phong trào; chủ nghĩa xã hội là một chế độ. Mỗi tư cách ấy lại có nhiều biểu hiện khác nhau, tùy theo thế giới quan và trình độ phát triển ở mỗi giai đoạn lịch sử cụ thể. Chủ nghĩa xã hội đề cập ở đây là chủ nghĩa xã hội khoa học dựa trên học thuyết Mác - Lê-nin trong thời đại ngày nay.
Sau khi đất nước thống nhất, nền kinh tế Việt Nam đã đi một đoạn đường dài với những phát triển vượt bậc về tăng trưởng kinh tế, cải thiện an sinh xã hội và hội nhập toàn cầu. Hiện nay Việt Nam vẫn còn đang trong giai đoạn quá độ tiến lên mô hình phát triển chủ nghĩa xã hội toàn diện. Nhưng thế giới và nền kinh tế Việt Nam vừa đi vào một khúc quanh mới khi đại dịch Covid-19 ập đến vào đầu năm 2020 và đang tác động như chưa từng có đến sự thịnh vượng của toàn thế giới và những thành quả kinh tế của Việt Nam trong 46 năm qua. Trong bối cảnh này, con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội cần được nhận định như thế nào cho phù hợp với hoàn cảnh mới? Đây là điều mà không những các nhà lý luận, các nhà làm chính sách và tất cả các thành phần kinh tế đều đang quan tâm.
Các điều kiện thuận lợi hiện nay cho con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tổng kết tình hình phát triển kinh tế sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới. Trong thời gian 5 năm gần đây, GDP tăng trưởng bình quân ở mức 6%, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát và duy trì ở mức thấp, ngân sách nhà nước được tăng cường, cán cân thương mại được cải thiện với xuất khẩu tăng nhanh, môi trường đầu tư và sức cạnh tranh của nền kinh tế tiếp tục được nâng lên, đời sống chính trị - xã hội ổn định, giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ chuyển biến mạnh mẽ, tích cực.
Công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng được đặc biệt quan tâm. Công tác kiểm tra, giám sát, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực được đặt lên hàng đầu với những kết quả cụ thể. Tình trạng suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng và hệ thống chính trị được kiềm chế, ngăn chặn.
Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào kinh tế thế giới và khu vực, điển hình với những hiệp định thương mại cấp cao như CPTPP, EVFTA, RCEP. Vị thế của Việt Nam được nâng cao trên trường quốc tế, trong khi Việt Nam kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
Trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam cũng cố gắng vươn lên như một quốc gia tiến đến kinh tế kỹ thuật số. Điển hình là Quyết định số 645/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia 2021-2025 và Quyết định số 942/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong Quyết định số 942/QĐ-TTg, Ngân hàng Nhà nước được giao chủ trì nghiên cứu xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain) giai đoạn 2021-2023.
Việc nghiên cứu tiền kỹ thuật số hay còn gọi là đồng tiền mã hóa (Cryto Currency) thể hiện sự quan tâm của Chính phủ về những trào lưu mới trong sự phát triển hệ thống tài chính và tiền tệ toàn cầu.
Năm 2020 là năm Việt Nam chứng tỏ khả năng chống chịu trước đại dịch Covid-19. Trong khi bức tranh kinh tế thế giới rất u ám vì tác động của dịch bệnh với GDP toàn cầu giảm 4,4%, thì GDP của Việt Nam tăng trưởng ở mức 2,91%. Việt Nam là một trong ba quốc gia trong vùng châu Á - Thái Bình Dương có mức tăng trưởng GDP dương trong năm 2020 (đó là Việt Nam, Trung Quốc và New Zealand), trong khi các quốc gia trong khu vực tăng trưởng âm hay đi ngang.
Bước sang năm 2021, Việt Nam tiếp tục tăng trưởng GDP ở mức 5,64% trong 6 tháng đầu năm 2021 và tiếp tục kiểm soát lạm phát ở mức tăng CPI bình quân 1,47%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cho 6 tháng đầu năm 2021 đạt 317 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng vốn đầu tư nước ngoài có giảm 2,6% nhưng vẫn đạt mức 15,3 tỷ USD, và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn tăng 6,8%, đạt 924 tỷ USD.
Nhìn toàn cảnh nền kinh tế Việt Nam với sự phát triển vượt bậc từ một nước nghèo trở thành một quốc gia nằm trong nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình với GDP đạt 343 tỷ USD và GDP bình quân đầu người đạt 3.521 USD. Việt Nam hội nhập sâu vào kinh tế toàn cầu và đang tìm cách vươn lên trong một thế giới mới với Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong bối cảnh mà toàn thế giới đang chịu những tác động nặng nề bởi đại dịch thì cho đến nay, Việt Nam đã chứng tỏ khả năng vượt khó và kiên trì phát triển. Trên địa chính trị toàn cầu, Việt Nam có 13 đối tác toàn diện, trong đó có Mỹ, 17 đối tác chiến lược (bao gồm cả 3 đối tác chiến lược toàn diện là Trung Quốc, Nga và Ấn Độ). Tất cả những điều trên tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam tiếp tục phát triển kinh tế, chính trị và xã hội và tiếp tục con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Những khó khăn và thách thức hiện nay trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội
Tuy nhiên, sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, con đường tiến lên một nền kinh tế chủ nghĩa xã hội toàn diện vẫn còn xa. Cho đến nay, một nền kinh tế toàn diện theo mô hình chủ nghĩa xã hội trong thời đại mới vẫn chưa được vẽ ra một cách rõ ràng, đấy là chưa kể một lộ trình cụ thể tiến đến mô hình tương lai đó.
Trong bài viết đăng trên báo Lao Động ngày 20/5/2021, Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương (Xem Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn: “Mô hình chủ nghĩa xã hội Việt Nam: Vừa theo đúng quy luật chung, vừa phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước”, báo Lao Động, ngày 20/5/2021) đã nêu lên câu hỏi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Chủ nghĩa xã hội là gì và đi lên chủ nghĩa xã hội bằng cách nào?”. Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn xác định mô hình chủ nghĩa xã hội theo Cương lĩnh năm 1991 dựa trên ba mảng nội dung sau:
Thứ nhất, mục tiêu chung, khái quát của chủ nghĩa xã hội Việt Nam là “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đây là 5 giá trị căn cốt, quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhau, tạo nên nền tảng và sự bảo đảm bền vững cho hạnh phúc của nhân dân, hạnh phúc của con người.
Thứ hai, đó là một chế độ xã hội do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo.
Thứ ba, nội dung đối ngoại của mô hình chủ nghĩa xã hội Việt Nam là có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân các nước trên thế giới. Đây là cơ sở cho đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, có hiệu quả cao.
Tuy nhiên, những nội dung trên chưa cụ thể hóa mô hình chủ nghĩa xã hội mà chúng ta muốn tiến đến. Mô hình chủ nghĩa xã hội tương lai sẽ phải định nghĩa chính xác những vấn đề bao gồm vai trò của kinh tế tư nhân, kinh tế nhà nước, sự tương quan giữa tư bản và lao động, khoảng cách giàu nghèo, vấn đề công bằng và an sinh xã hội và nhiều vấn đề kinh tế, chính trị và xã hội khác nữa.
Trong khi chưa có một hình dung cụ thể về mô hình chủ nghĩa xã hội trong tương lai, chúng ta tạm gác qua vấn đề này và nhìn vào thực tế để hiểu rõ Việt Nam đang ở đâu trong bản đồ kinh tế thế giới và những khó khăn của nền kinh tế hiện nay.
Đại hội XIII của Đảng vừa qua đã đưa ra một lộ trình phát triển cho Việt Nam trong 15 năm tới:
- “Đến năm 2025: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.
- Đến năm 2030: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
- Đến năm 2045: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao” (Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t.I, tr.36 (B.T).
Đây là một lộ trình khả thi cho giai đoạn 2021-2025, nhưng không dễ cho giai đoạn 2025-2030 và đầy tham vọng cho giai đoạn 2030-2045. Hiện nay, GDP đầu người của Việt Nam ở mức trên 3.521 USD (2020) thuộc nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Nếu mỗi năm GDP của Việt Nam tăng bình quân 7% (năm 2021 tăng 6%) thì GDP đầu người năm 2025 sẽ là 4.892 USD, vượt mức 4.095 USD (World Bank Country and Lending Groups - Country Classification) là mức của các quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Sau đó, Việt Nam có thể vào nhóm các quốc gia đang phát triển có công nghiệp hiện đại thu nhập trung bình cao 4.096-12.695 USD, nếu Việt Nam tăng trưởng GDP ở mức 7%/năm và đạt được mức 6.682 USD vào năm 2030. Cuối cùng, Việt Nam có thể vào nhóm các quốc gia phát triển, thu nhập cao với GDP cao hơn 12.696 USD, nếu Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ở mức 7%/năm và đạt 18.931 USD vào năm 2045.
Cách tính trên mang tính tương đối vì trong khi Việt Nam tăng trưởng, các quốc gia khác cũng tăng trưởng và các mức GDP bình quân đầu người để phân loại các quốc gia vào nhóm thu nhập thấp, trung bình và cao cũng sẽ được điều chỉnh vào những năm tới.
Thách thức lớn với Việt Nam là sau khi vượt khỏi nhóm có thu nhập trung bình thấp, có thể sẽ rơi vào “Bẫy thu nhập trung bình”. “Bẫy thu nhập trung bình” là tình trạng trong phát triển kinh tế khi mà một quốc gia đạt đến một mức thu nhập bình quân nhất định (theo Worldbank: GDP bình quân đầu người ở mức 4.096-12.695 USD) và giậm chân tại mức thu nhập ấy mà không thể vượt qua ngưỡng đó để trở nên giàu có hơn. Nhiều quốc gia đã rơi vào nhóm này trong nhiều năm và rất khó khăn để vươn lên nhóm các quốc gia công nghiệp hiện đại và có thu nhập cao.
Trở lại với tình hình hiện tại của đại dịch Covid-19 thì nền kinh tế đang bị tác động mạnh bởi dịch bệnh. Trong 7 tháng đầu năm 2021, có khoảng 80.000 doanh nghiệp phá sản hay ngưng hoạt động. Tình hình dịch bệnh diễn biến rất nghiêm trọng trong TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía nam, đang lây lan trên cả nước. Nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện thu xếp cho người lao động làm việc và ăn, ở tại chỗ đã phải tạm đóng cửa. Những người lao động tự do mất thu nhập vì các biện pháp cách ly và phong tỏa. Nhiều khu công nghiệp đang bị tác động mạnh vì thiếu nguyên vật liệu đầu vào và người lao động nghỉ việc về quê. Trong khi số ca nhiễm tăng và số người chết tăng nhanh thì nhiều bệnh viện quá tải và đang được bổ sung bởi các bệnh viện dã chiến.
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng cho thấy kinh tế vĩ mô vẫn ổn định và phát triển tốt. GDP 6 tháng đầu năm tăng trưởng 5,64%, CPI bình quân 1,47%, xuất nhập khẩu hai chiều đạt 317 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh đang rất nghiêm trọng, kinh tế 6 tháng cuối năm 2021 sẽ trở nên vô cùng khó khăn. Các biện pháp cách ly, phong tỏa đã tác động mạnh vào sức cầu, chuỗi cung ứng và sản xuất kinh doanh bị đứt gãy. Các lĩnh vực như du lịch, khách sạn, nghỉ dưỡng đều đóng băng, giao thông vận tải và việc chuyên chở sản phẩm hàng hóa bị đình trệ. Trong tất cả các ngành nghề, có lẽ xuất nhập khẩu vẫn là ngành có cơ hội phát triển tốt vì khi các thị trường xuất khẩu của Việt Nam bao gồm Mỹ, châu Âu, Australia phục hồi từ đại dịch và tăng nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam thì Việt Nam có thể tận dụng các lợi thế từ các hiệp định thương mại để tăng cường xuất khẩu sang các thị trường này. Việt Nam lại là quốc gia cung cấp các loại hàng hóa thiết yếu cho các thị trường này bao gồm nông lâm và hải sản, hàng tiêu dùng, hàng may mặc, giày dép và các sản phẩm điện tử.
Năm 2021 có thể là năm thử thách nhất cho Việt Nam, không những là phép thử Việt Nam trong việc kiểm soát và chế ngự dịch bệnh, mà là một cuộc trắc nghiệm về việc quản lý và điều hành đất nước của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong khủng hoảng.
Đề xuất cho việc xây dựng con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội trong giai đoạn mới
Xây dựng một mô hình chủ nghĩa xã hội cụ thể
Mô hình chủ nghĩa xã hội cần phải xây dựng trên cơ sở “vừa theo đúng quy luật chung, vừa phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam” (Xem Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn: “Mô hình chủ nghĩa xã hội Việt Nam: Vừa theo đúng quy luật chung, vừa phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước”, Tlđd).
Tuy nhiên, cho đến nay các nhà làm chính sách và các nhà nghiên cứu khoa học vẫn chưa “thiết kế” được một mô hình chủ nghĩa xã hội cụ thể. Một mô hình chủ nghĩa xã hội cụ thể cho tương lai không những cần được nghiên cứu trong tương quan với tình hình kinh tế, chính trị và xã hội của đất nước và thế giới hiện nay, mà cần được khảo sát và xây dựng dưới sự chuyển động liên tục của đất nước và thế giới cho giai đoạn 10 năm và tầm nhìn 30 năm sắp tới.
“Diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”
Trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, âm mưu “diễn biến hòa bình”, sự suy thoái trong hàng ngũ cán bộ Đảng và Nhà nước, hiện tượng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng và hệ thống chính trị được Đảng và Nhà nước rất quan tâm và tìm cách ngăn chặn. Tuy nhiên, những khái niệm này đối với đại bộ phận người dân có lẽ còn rất khó hiểu.
Theo tác giả của bài viết này thì âm mưu “diễn biến hòa bình” bao gồm cả các thủ đoạn của các thế lực bên ngoài Việt Nam tìm cách thay đổi chế độ chính trị của Việt Nam. Một thí dụ điển hình là việc một số quốc gia phương Tây khuyến khích du học sinh Việt Nam qua nước họ học tập và họ tin rằng những du học sinh này sau khi tốt nghiệp và trở về Việt Nam sẽ đóng góp vào việc xây dựng đất nước với những tư tưởng của phương Tây để thay đổi đời sống kinh tế và xã hội Việt Nam. Vậy liệu việc khuyến khích này của các quốc gia phương Tây có thể được xem là một phần của hiện tượng “diễn biến hòa bình”?
Hiện tượng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” được xem có liên quan đến những cá nhân hay tổ chức đang ở trong nước. Họ tìm cách trực tiếp hay gián tiếp chống phá Đảng và Nhà nước bằng hành động hay phát biểu tác động vào tư duy của con người với những luận điệu sai trái.
Những khái niệm này, chính vì thế, cần được làm rõ hơn để mọi người hiểu và nhận biết hiện tượng này khi xảy ra. Đặc biệt, chúng ta không ngần ngại “điểm mặt chỉ tên” những quốc gia, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đang thực hiện những âm mưu này.
Covid-19 là thảm họa nhưng cũng là cơ hội để Đảng và Nhà nước tranh thủ lòng dân và thể hiện chủ trương “Nhà nước của dân, do dân và vì dân”
Tình hình dịch bệnh hiện nay diễn biến rất nghiêm trọng, các ca nhiễm và tử vong tăng lên từng ngày, đặc biệt là các tỉnh, thành phía nam. Chính phủ đang đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng để tạo miễn dịch cộng đồng, mà hiện nay đây là phương pháp duy nhất để chặn đứng dịch bệnh. Dịch bệnh đang tác động mạnh đến tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế và đời sống của người dân.
Việc tổng động viên mọi nguồn lực để chặn đứng dịch bệnh và đưa đất nước thoát khỏi cơn đại dịch là nhiệm vụ quan trọng nhất của Đảng và Nhà nước trong lúc này. Việc điều hành của Nhà nước trong việc hỗ trợ người lao động là thành phần cốt cán cho phát triển kinh tế, hỗ trợ các doanh nghiệp và các thành phần kinh tế khác, phải được hiệu quả và thiết thực, tránh sự lúng túng và thiếu thống nhất giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương.
Cả nước đang thực hiện mục tiêu kép “Chống dịch và phát triển kinh tế”. Hai mục tiêu này được thực hiện ra sao và kinh tế - xã hội Việt Nam sẽ đi về đâu trong năm 2021 và 2022 sẽ là thước đo sự thành công của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện chủ trương “Nhà nước của dân, do dân và vì dân”.