Cơn hưng phấn 4.0 và những bài học chuyển đổi số thất bại
Không thể chuyển đổi số, áp dụng trí tuệ nhân tạo... nếu chưa có dữ liệu số.
Chia sẻ những bài học xương máu PNJ đã trải qua trong hành hình “lột xác” chuyển đổi số, ông Lê Trí Thông, CEO PNJ cho biết: Từng làm nhiều vị trí khác nhau, cuối cùng làm CEO PNJ, một công ty rất lớn đang vận hành theo kiểu cũ, khi chuyển đổi số gần như một sự lột xác, một sự tiến hóa không ngừng theo thời gian.
Vừa kế thừa cái cũ, chọn lọc để thích nghi lại vừa phải tiếp nhận cái mới. Do đó, đã có sự chọn lọc tự nhiên xảy ra. Tiến hóa là không có điểm dừng, vừa làm công nghệ này nửa đường, thấy có công nghệ mới hay hơn để tăng tính bảo mật, phải chuyển ngay sang công nghệ mới.
PNJ đi lên từ mô hình bán lẻ truyền thống, khi thói quen tiêu dùng, thói quen bán lẻ thay đổi, buộc phải thay đổi. Chuẩn bị con người, bộ máy kỹ thuật số (digital), đòi hỏi công nhân có kỹ năng, phương pháp làm việc mới. Trước đây nhân công dựa vào độ tỷ mỉ, khéo tay, giờ phải tham gia vào hệ thống nên cần có những kỹ năng mới.
Ông Thông cho biết, khi triển khai thử với quy mô 200 người chạy ổn nhưng khi mở rộng lên 1.000 người thì đã có sự cố xảy ra.
Sự tiến hóa không chỉ ở phần cứng mà cả trong tư duy, cách làm - vận hành - xử lý. Đó là một ma trận mà tất cả được kết nối với nhau, không thể xử lý từng vụ việc cụ thể mà phải nhìn nó trên toàn cảnh. Đó là quá trình làm, sai, sửa, làm tốt hơn, tự chiêm nghiệm.
"Bài học lớn nhất với chúng tôi là phải trao đổi để bình tĩnh hơn, bớt ngáo và bớt ngộ nhận. Mười mấy năm nay nói về tin học hóa nhưng đó chỉ mới là cái nhìn của người kỹ thuật chứ chưa nhìn dưới góc độ kinh doanh. PNJ đã mất một mớ tiền cho việc này", CEO của PNJ cho biết.
Cũng theo vị doanh nhân này, mỗi ngành nghề có tốc độ khác nhau, sự tiến hóa khiến mọi việc thúc đẩy sự thay đổi, không thể duy ý chí. Góc nhìn kinh doanh và góc nhìn công nghệ phải hài hòa lại với nhau, để quyết định sẽ đi theo hướng nào?
Về nguy cơ những công ty kỹ thuật số có thể nuốt các công ty truyền thống, theo ông Thông có hai mặt: Không phải kỹ thuật số lúc nào cũng là phép màu, phải có yếu tố thiên thời, địa lợi mới thành công.
Nhiều người chuyển đổi mô hình kinh doanh nhưng không đặt trong chiến lược kinh doanh, cạnh tranh thế nào với nền tảng khu vực. Cần tỉnh táo và sắc sảo để có lựa chọn rõ ràng.
Áp dụng công nghệ phải tính đến chiến lược, con người. Liên quan ngành dịch vụ, tạo giá trị cao hơn, phải trang bị kỹ năng mới, tuyển và đào tạo những người làm giá trị gia tăng cao hơn. Nhân sự, con người phải đi cùng với chuyển đổi công nghệ, nếu không lực cản trong tâm trí, lực cản lo sợ với công việc khiến chúng ta phải đối diện ngay từ đầu.
PNJ đang trong giai đoạn tăng trưởng cao, nhờ công nghệ có thể giải quyết được vấn đề tối ưu hóa lao động tốt hơn. Mỗi năm mở 50 cửa hàng mới, áp dụng công nghệ mới, số lượng người tham gia giảm đi. Nhưng ở một số công ty đang không có tăng trưởng tương tự, hiện tượng dư người xảy ra thì phải có cách giải quyết hợp lý.
Nhìn nhận về thực trạng chuyển đổi số hiện nay trong các doanh nghiệp, ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, Giám đốc Trung tâm khoa học tư duy (Bộ Khoa học và công nghệ) cảnh báo: “Chúng ta đang có tình trạng rối loạn về chuyển đổi số. Nghe thông tin các tập đoàn phải trả giá khi chuyển đổi số, tôi cũng rơi vào trạng thái ngáo số".
Ông Hòa cho biết, mỗi năm đều cố gắng tham gia các hội thảo quốc tế và so sánh với những gì đang diễn ra ở Việt Nam thì thấy rằng "chúng ta thích nói những thứ xa rời với doanh nghiệp". Tin học hóa, điện tử hóa các doanh nghiệp ở Malaysia đã làm từ 20 năm trước, họ cũng đã số hóa hoàn toàn các tác nghiệp liên quan tới Chính phủ.
Chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi số, ông Hòa cho biết, trước khi muốn nói chuyển đổi số là gì thì phải có dữ liệu. Muốn có dữ liệu, phải mất 2 năm chuyển từ công ty tác nghiệp bình thường vào dữ liệu số. Những gì tác nghiệp đang xảy ra hãy chuyển thành dữ liệu, từ từ kiểm soát được bao nhiêu dữ liệu. Sau đó mới cho các dữ liệu này được liên thông và cuối cùng mới dùng công nghệ để giải quyết nó một cách thông minh hơn, tốc độ hơn
Giao dịch điện tử là tác động tự động quyết định trên dữ liệu nhưng các CEO hiện nay hầu hết quyết định trên cảm tính. Doanh nghiệp đang mất tiền hàng ngày mà không biết, mỗi nhân viên bán hàng đang nắm các dữ liệu, nếu họ ra đi thì dữ liệu cũng ra đi theo mà không hề biết.
"Đừng hô hào chuyển đổi số, mua trí tuệ nhân tạo về làm gì khi chưa có dữ liệu số. Không có cơ sở dữ liệu thì lấy gì 4.0? Chúng ta đang đứng rất xa với những gì đang nói trên truyền thông, nếu không đi về các khái niệm cơ bản, thậm chí chính chúng ta sẽ tiếp tục bị ngáo số", ông Hòa cảnh báo tại CEO Forum 2019 tổ chức mới đây tại TP. HCM.
Với hơn 20 năm khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, tạo nên hệ sinh thái gần 20 dịch vụ điện tử hoạt động tại Việt Nam và 8 thị trường khác tại Đông Nam Á như FastGo, Ngân Lượng, mPOS, Vimo…Shark Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Tập đoàn NextTech cho rằng: Startup muốn thành công thì đừng “ngáo giá” và “ngáo nghệ”.
Theo ông Bình, “ngáo nghệ” cũng tương tự như "ngáo giá", tức là không hiểu gì về công nghệ, lạm dụng thuật ngữ công nghệ để cố gắng gom vào sản phẩm của mình như công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo (AI), Big Data, Blockchain… Thậm chí, các sản phẩm của startup không có ứng dụng nào nhưng cứ gom vào để đánh bóng tên tuổi của mình, không biết mình ở đâu, đưa ra giá trị phi lý. Đó là ảo tưởng và điều đó chỉ gây thiệt thòi cho các startup.
Phân tích những nguyên nhân của độ chậm trễ công nghệ ở Việt Nam dẫn đến nguy cơ diệt vong, ông Bình nói: "Chúng ta dường như đang lên cơn hưng phấn 4.0, kể cả gia đình cũng 4.0, thực ra câu chuyện không mới, nó diễn ra lâu rồi. Năm 2008, một nhóm doanh nghiệp điện tử đã kết hợp làm chuỗi hội thảo đi khắp các tỉnh, gào thét doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin, lên Internet, nửa năm thì chương trình chết. Nhiều doanh nghiệp đến nghe nhưng không ai chuyển động cả, dù chúng tôi đã đem rất nhiều công cụ chuyển đổi số để giới thiệu. Vấn đề chúng ta nhận thức quá chậm các công nghệ mới, đi sau rất nhiều so với doanh nghiệp nước ngoài, dẫn đến năng lực quản trị tụt hậu so với nước ngoài".
Nguyên nhân thứ hai theo ông Bình, các công ty công nghệ èo uột, không bán được hàng vì không thuyết phục được doanh nghiệp dẫn đến không sống được. Thực tế là rất nhiều doanh nghiệp điện tử mạnh thời đó đã không còn tồn tại trên thị trường, chỉ còn lại số ít như Mắt Bão, NextTech, Bkav….
Hậu quả là các doanh nghiệp công nghệ ngoại như Grab, Uber tự mình phát triển công nghệ giết chết rất nhiều doanh nghiệp taxi truyền thống. "Doanh nghiệp công nghệ thông tin khi bị đẩy đến đường cùng, họ đã nảy ra ý tưởng tự phát triển nền tảng mới, cạnh tranh, thậm chí tiêu diệt các doanh nghiệp truyền thống", ông Bình nói.
Lấy ví dụ về NextTech, ông Bình cho biết, tập đoàn đưa ra các công cụ tối ưu đến khách hàng, cắt giảm chi phí, không lấy tiền, chia sẻ doanh thu dựa trên giá trị tiết kiệm được. FastGo hợp tác với các hãng taxi, phát triển nền tảng gọi xe, kho vận… theo kiểu góp gạo thổi cơm chung, họ có hạ tầng, mình có công nghệ sáng tạo.
Ngược lại, nếu có doanh nghiệp thấy rất khó thay đổi, công ty có mảng tự phát triển plafom, cạnh tranh với chính doanh nghiệp truyền thống. Ăn uống, chăm sóc sức khỏe, y tế chữa bệnh… là những ngành quá bảo thủ, không chịu thay đổi. Đó chính là con đường của NextTech.
"Thông điệp tôi đưa ra chính là bài học quá khứ 10 năm trước, khi các công ty công nghệ muốn làm tri kỷ với các doanh nghiệp nhưng bị từ chối. Doanh nghiệp phải cùng nhau rút kinh nghiệm, thức thời và cởi mở hơn, để tránh sự diệt vong trong tương lai”, ông Bình nói.