Cơn lốc Temu khuấy đảo thị trường Việt Nam | Hà Nội tin mỗi chiều

Temu - một sàn thương mại điện tử nữa đã âm thầm vào Việt Nam. Giao diện khi tải về hoàn toàn là tiếng Việt, đơn giản và khá dễ dùng. Vậy Temu là gì mà tạo nên cơn lốc khuấy đảo thị trường trong nước đến vậy?

Mấy ngày nay, cơn sốt hàng giá rẻ trên nền tảng thương mại điện tử Temu đã tràn về Việt Nam và đang được giới trẻ săn lùng bởi giá siêu rẻ, thậm chí có sản phẩm còn rẻ gần như cho. Temu thuộc PDD Holdings (Trung Quốc) - tập đoàn sở hữu trang thương mại điện tử Pinduoduo. Nhiều chuyên gia ngay sau đó bày tỏ lo ngại sẽ ảnh hưởng đến thị trường trong nước.

Nỗi lo này là hoàn toàn có cơ sở, trong buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương được tổ chức chiều ngày 23/10, ngay cả Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân - người phát ngôn Bộ Công Thương còn giật mình vì hàng hóa trên Temu quá rẻ. Tất nhiên mức giá này liệu có ảnh hưởng đến thị trường trong nước không thì phải điều tra, nghiên cứu - Thứ trưởng có nhấn mạnh thêm như vậy.

Cho những ai chưa rõ, Temu là nền tảng bán hàng trực tuyến của những nhà máy sản xuất Trung Quốc sang các nước trên thế giới và bây giờ bắt đầu vào Việt Nam. Đường đi nước bước của Temu cũng không khác gì các nền tảng nước ngoài khác khi đổ bộ vào nước ta, đó là sẽ chi số tiền lớn để quảng cáo rầm rộ cho người dùng biết đến.

Chiến thuật này xem ra không khác những sàn thương mại điện tử khác. Ví dụ như Lazada, họ đã “rót tiền” vào công tác truyền thông, chính sách hỗ trợ nhà bán hàng, ưu đãi cho người mua hàng, vì thế, sàn thương mại điện tử này nhanh chóng chiếm thị phần các sàn thương mại điện tử trong nước. Sau Lazada là đến Shopee, họ cũng đốt một số tiền khổng lồ với các chiến lược truyền thông, ưu đãi nhà bán hàng, tài trợ voucher cho người mua, đặc biệt chiến lược miễn phí giao hàng và Shopee sau khi vào Việt Nam đã vượt Lazada. Để rồi, sau Shopee thị trường Việt tiếp tục đón nhận TikTok Shop, với chiến lược tương tự, rót tiền lớn cho truyền thông, ưu đãi người bán, người mua, miễn phí vận chuyển. Đặc biệt, nhờ sẵn về lưu lượng truy cập từ TikTok và xu hướng video ngắn nên chỉ sau khoảng hơn một năm, Tiktok Shop đã trở thành sàn thương mại điện tử số 2 Việt Nam, chỉ sau Shopee.

Ảnh minh họa: Báo Dân trí.

Ảnh minh họa: Báo Dân trí.

“Chúng ta đang thấy lịch sử có thể viết tiếp khi Temu vào Việt Nam”, ông Bùi Quang Cường, Ủy viên Ban Chấp hành, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đã đưa ra nhận định như vậy. Chính xác mà nói, Temu đang đầu tư tiền quảng cáo trên các nền tảng online. Đặc biệt chính sách tiếp thị liên kết của Temu đang rất hấp dẫn: Nếu giới thiệu người khác tải ứng dụng Temu và hoàn thành đơn hàng đầu tiên sau 30 ngày, người dùng sẽ được nhận ngay 150.000 đồng. Ngoài ra, các đơn hàng mua trong 30 ngày đó cũng được ưu đãi từ 10 - 30%.

Thế là ngoài cách thức giới thiệu tải ứng dụng, mọi người có thể làm tiếp thị liên kết theo theo từng sản phẩm để hưởng hoa hồng và cả hình thức tiếp thị liên kết cho những người làm tiếp thị liên kết. Một hình thức nghe “gần giống như đa cấp”!

Tất nhiên Temu cũng nắm bắt tâm lý cả người tiêu dùng Việt Nam rất nhanh khi áp dụng chính sách miễn phí giao hàng hay thời gian đặt hàng từ nước ngoài về và nhận hàng trong thời gian ngắn. Có thể nói, đây chính là một trong những điểm mạnh sẽ phát huy tác dụng cho Temu trong chiến lược thâm nhập thị trường Việt.

Ảnh minh họa: Báo Tuyên Quang.

Ảnh minh họa: Báo Tuyên Quang.

Rõ ràng, những người tiêu dùng đang hưởng lợi từ cơn lốc này. Mua hàng giá rẻ, lại có cơ hội kiếm thêm tiền. Nghe cũng hấp dẫn nhưng… đừng vội. Ở đời không có gì là không thể xảy ra cả!

Bởi theo đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, phía Temu chưa đăng ký với cơ quan quản lý Việt Nam. Trước đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân dẫn Nghị định 85 ban hành năm 2021 khẳng định, các sàn giao dịch thương mại điện tử bắt buộc phải đăng ký khi hoạt động tại Việt Nam. Mặc dù chưa đăng ký hoạt động ở Việt Nam, tuy nhiên từ cuối tháng 9, người dùng đã có thể vào các kho ứng dụng trên điện thoại để tải app và mua hàng, thanh toán trên nền tảng này với phiên bản tiếng Việt.

Đầu tháng 10, Indonesia cấm nền tảng này để bảo vệ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Một số nước cũng nghiên cứu các biện pháp thuế quan để kiểm soát hàng hóa nhập khẩu thông qua sàn thương mại điện tử xuyên biên giới này.

Những ai đang thử sử dụng và trải nghiệm ứng dụng này, hãy cẩn trọng. Vì trong hai ngày gần đây, trên mạng xã hội rất nhiều người đã khoe tài khoản có tới hàng 100.000.000 đồng khi làm tiếp thị liên kết cho Temu. Tuy nhiên, những chiến thắng này chưa rõ thực hư thế nào và thực tế đó là số tiền “có thể nhận được”, chứ “chưa chắc nhận được”.

Những ai không phải người thích dùng hàng hiệu thì rõ ràng những sàn thương mại điện tử giá rẻ có lẽ cũng đáng để thử. Nhưng mọi người hiểu rõ một điều rằng: Tiền nào thì của đó! Mà tốt nhất: Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam thì hợp lý nhỉ?

Lê Thông

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/con-loc-temu-khuay-dao-thi-truong-viet-nam-ha-noi-tin-moi-chieu-275114.htm