Con nuôi hợp pháp được thừa kế tài sản như thế nào?

Pháp luật có những quy định rất rõ ràng về việc con nuôi thừa kế tài sản khi cha mẹ nuôi qua đời.

Việc nuôi con nuôi nhằm xác lập quan hệ cha, mẹ và con lâu dài, bền vững, vì lợi ích tốt nhất của người được nhận làm con nuôi, bảo đảm cho con nuôi được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình.

Tuy nhiên, kể từ ngày Luật nuôi con nuôi năm 2010 có hiệu lực thì con nuôi hợp pháp phải có giấy chứng nhận nuôi con nuôi của cha nuôi, mẹ nuôi. Còn nếu trước ngày Luật này có hiệu lực mà chưa đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì được đăng ký trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực, nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Các bên có đủ điều kiện về nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật tại thời điểm phát sinh quan hệ nuôi con nuôi;

b) Đến thời điểm Luật này có hiệu lực, quan hệ cha, mẹ và con vẫn đang tồn tại và cả hai bên còn sống;

c) Giữa cha, mẹ nuôi và con nuôi có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục nhau như cha mẹ và con.

Điều 653 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quan hệ thừa kế giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi và cha đẻ, mẹ đẻ: Con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 651 và Điều 652 Bộ luật Dân sự 2015. Con nuôi hợp pháp là hàng thừa kế thứ nhất của bố mẹ nuôi.

Tuy nhiên, không phải trường hợp con nuôi nào cũng được pháp luật công nhận và được chia thừa kế như con đẻ theo quy định của pháp luật. Để được công nhận là con nuôi hợp pháp phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của Luật Nuôi con nuôi 2010.

Cụ thể, để có căn cứ chứng minh con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi thì phải đăng ký việc nuôi con nuôi theo Điều 22 Luật nuôi con nuôi năm 2010:

"1. Khi xét thấy người nhận con nuôi và người được giới thiệu làm con nuôi có đủ điều kiện theo quy định của Luật này thì Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã tổ chức đăng ký nuôi con nuôi, trao giấy chứng nhận nuôi con nuôi cho cha mẹ nuôi, cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ hoặc đại diện cơ sở nuôi dưỡng, tổ chức giao nhận con nuôi và ghi vào sổ hộ tịch trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày có ý kiến đồng ý của những người quy định tại Điều 21 của Luật này.

2. Trường hợp UBND cấp xã từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản cho người nhận con nuôi, cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ hoặc đại diện cơ sở nuôi dưỡng và nêu rõ lý do trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có ý kiến của những người quy định tại Điều 21 của Luật này.

Tuy nhiên, tùy vào từng trường hợp cụ thể để xem xét toàn diện việc xác định con nuôi hợp pháp có được hưởng di sản thừa kế hay không. Cần xem xét người để lại di sản có di chúc hay không, còn thời hiệu thừa kế hay không, có thuộc trường hợp ggười không được quyền hưởng di sản theo Điều 621 BLDS 2015 hay không…

Luật sư Lưu Tấn Anh Toàn (Giám đốc Công ty Luật Lưu Vũ)

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/phap-luat/con-nuoi-hop-phap-duoc-thua-ke-tai-san-nhu-the-nao-20230531143820509.htm