Còn thiếu quy trình, còn lúng túng

Lâu nay người ta thường đem câu phân bua 'làm đúng quy trình' để chê trách quan chức nào chỉ biết bào chữa đã làm theo quy trình bất kể trong thực tế sự cố vẫn xảy ra. Thực ra nền hành chính của chúng ta còn thiếu nhiều quy trình, còn chưa lường hết các kịch bản có thể diễn ra và biên soạn quy trình ứng phó nên thời gian vừa qua gặp nhiều lúng túng trong xử lý các sự cố bất ngờ.

 Khung cảnh sau vụ cháy nhà máy Rạng Đông. Ảnh: baotintuc.vn

Khung cảnh sau vụ cháy nhà máy Rạng Đông. Ảnh: baotintuc.vn

Vụ cháy Nhà máy Rạng Đông là một ví dụ gần đây nhất. Chữa cháy, giải quyết hậu quả một vụ cháy thông thường ắt đã có quy trình, nhưng cháy một nhà máy sản xuất bóng đèn có sử dụng hóa chất độc hại sau đó phải giải quyết như thế nào, ai đứng ra chịu trách nhiệm cảnh báo, ai có thẩm quyền công bố kết quả quan trắc, sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và các cơ quan của các bộ như thế nào... tất cả đều rất mù mờ, thiếu rõ ràng và từ đó làm người dân không biết nghe theo thông tin của ai nữa.

Một ví dụ khác, báo chí đưa tin các nhà khoa học Hà Lan vừa công bố đồng bằng sông Cửu Long chỉ còn cao hơn mực nước biển 0,8 mét so với mức chúng ta vẫn nghĩ là 2,6 mét, đồng nghĩa với nguy cơ 12 triệu dân của vùng này phải di cư trong 50 năm tới. Trước một thông tin như thế, quy trình tiếp nhận sẽ như thế nào, cơ quan nào chịu trách nhiệm chính trong xử lý, xác minh đúng sai và từ đó đưa ra những khuyến nghị sửa đổi quy hoạch so với quy hoạch cũ. Cơ quan nào sẽ xem xét đối chiếu với các phương án đối phó với biến đổi khí hậu cũ xem cần cập nhật phần nào, báo động chuyện gì.

Ắt là chúng ta chưa có một quy trình tiếp nhận thông tin từ các nghiên cứu khoa học ảnh hưởng lớn lên đời sống người dân và rất có thể những cơ quan nghiên cứu vẫn chờ nhau trước khi có kế hoạch hành động của mình.

Sự vận hành trơn tru của một doanh nghiệp, bất kể lớn đến đâu, địa bàn hoạt động trải rộng đến đâu là nhờ họ có sẵn quy trình cho mọi tình huống và đội ngũ nhân viên liên quan phải nắm và thông suốt các quy trình này. Doanh nghiệp nào thường gặp khủng hoảng - đó là do thiếu quy trình soạn trước.

Bộ máy hành chính cũng vậy - ở mọi cấp, mọi ngành chỉ có thể hoạt động thông suốt nếu được lập trình để ứng phó với mọi tình huống. Dĩ nhiên không bộ quy trình nào có thể bao quát hết mọi ngóc ngách của cuộc sống nhưng vai trò của người lãnh đạo là lường trước càng nhiều càng tốt và chuẩn bị sẵn mọi tư thế đối phó. Người lãnh đạo giỏi là người ứng biến ban hành quy trình tạm thời ngay cho các tình huống khẩn cấp chưa lường trước để áp dụng trong khi chờ sau này hoàn chỉnh quy trình mới.

Dĩ nhiên bộ máy hành chính hiện nay đã hoạt động dựa trên các quy trình dày công tập hợp, biên soạn, điều chỉnh, hoàn chỉnh, cập nhật, cải tiến trong hàng chục năm qua. Điều đang nói ở đây là 1% các trường hợp chưa lường hết được - cần chuẩn bị quy trình. Và nền tảng của sự chuẩn bị đó luôn phải ưu tiên vì lợi ích, sự an toàn của người dân.

Chính vì thế thông báo cảnh báo người dân chủ động bảo vệ sức khỏe, đảm bảo vệ sinh môi trường của UBND phường Hạ Đình dù chưa có quy trình là điều đáng biểu dương chứ không phải bị khiển trách.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/294206/con-thieu-quy-trinh-con-lung-tung-.html