Còn tình trạng vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công

Trước khi bắt đầu cuộc làm việc của phiên họp thứ 26, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và các đại biểu tham dự phiên họp đã dành một phút mặc niệm 56 nạn nhân tử vong trong vụ cháy chung cư mini tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân và các nạn nhân bị tử vong trong đợt lũ lụt tại xã Liên Minh (thị xã Sa Pa).

Ngay sau đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã xem xét các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước và báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4. Trong đó có nội dung kết quả thực hiện Nghị quyết số 74 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Theo đó, liên quan đến lĩnh vực tài chính, được yêu cầu thực hiện tại Nghị quyết 134, Nghị quyết số 62 và Nghị quyết số 74 của Quốc hội, báo cáo cho rằng các nội dung yêu cầu cơ bản đã được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, trong đó: Việc cân đối ngân sách nhà nước được bảo đảm; kỷ luật, kỷ cương tài chính, quản lý tài sản công được nâng cao; nợ công trong mức cho phép. Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có nhiều chuyển biến. Việc kịp thời giảm thuế VAT đã giúp người dân bớt gánh nặng chi phí, khuyến khích tiêu dùng, kích cầu kinh tế; việc cải cách quy trình, thủ tục lĩnh vực thuế được quan tâm. Tuy nhiên, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn chậm. Tình trạng vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản cộng diễn ra khá phổ biến. Việc chấn chỉnh, khắc phục tồn tại, hạn chế về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn chưa kịp thời, chưa nghiêm. Hệ thống pháp luật về thuế chậm được sửa đổi.

Đối với lĩnh vực ngân hàng, bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo cũng cho rằng việc hoàn thiện pháp luật về cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu còn chậm. Thiếu chính sách ưu đãi, khuyến khích nhà đầu tư tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua bán nợ xấu. Việc tìm kiếm, đàm phán ngân hàng thương mại nhận chuyển giao bắt buộc đối với ngân hàng yếu kém còn gặp nhiều khó khăn.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/con-tinh-trang-vi-pham-trong-quan-ly-su-dung-tai-san-cong-190032.htm