Còn vướng mắc trong hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19
Khách hàng tha thiết, ngân hàng tích cực, nhưng vướng ở chính quyền địa phương là thực trạng chung hiện nay.
Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp và ảnh hưởng ngày càng sâu rộng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nước ta. Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành chính sách hỗ trợ cho những doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Có thể nói, việc hỗ trợ trong giai đoạn này là cứu cánh cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực tế ở các địa phương cũng đang gặp một số vướng mắc cần khắc phục để các doanh nghiệp sớm vượt qua khó khăn thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Mấy tháng nay, Công ty TNHH cà phê Ea Sim (Tổng công ty cà phê Việt Nam), ở Xã Ea Ktur, Huyện Cư Kuin, Đắk Lắk chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19. Thời điểm này các năm, công ty đã bán gần hết sản phẩm cà phê nhân thu được trong niên vụ, nhưng năm nay chỉ bán được rất ít với giá thấp. Chi phí đầu tư, tiền lương cho công nhân vốn đã khó khăn lại càng thêm khó khăn khi khoản nợ ngân hàng 13 tỷ đồng đến hạn trả vào trung tuần tháng 4/2020.
May mắn là Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị 11/CT-TTg, ban hành hồi đầu tháng 3 vừa qua, giúp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Sau đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có Thông tư 01 quy định cụ thể việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Ông Lê Hải Hùng, Kế toán trưởng công ty cho biết: “Hàng hóa không lưu thông được, đình trệ hết mọi việc. Ngoài ra, cà phê làm ra giá bán thấp hơn giá thành, rất khó khăn cho điều hành sản xuất và công tác tài chính. Trước tình hình khó khăn này, ngân hàng đã hết sức tạo điều kiện cho doanh nghiệp nói chung, Công ty cà phê Ea Sim nói riêng. Vừa có chính sách của Nhà nước, vừa có sự hỗ trợ của phía ngân hàng, doanh nghiệp cũng giảm được áp lực về tài chính”.
Không được thuận lợi và may mắn như Công ty cà phê Ea Sim, nhiều doanh nghiệp ở Đắk Lắk cũng bị tác động nề của dịch Covid-19 khi phải đóng cửa, ngừng sản xuất, kinh doanh nhưng khó tiếp cận chính sách hỗ trợ.
Ông Lê Văn Hạnh, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư bất động sản và xây dựng An Hạnh, thành phố Buôn Ma Thuột, cho biết, từ ngay sau Tết âm lịch công ty đã phải ngừng hoạt động vì ảnh hưởng của dịch. Toàn bộ hơn 40 lao động phổ thông phải nghỉ việc, nhân viên văn phòng nghỉ đến 60%. Khó khăn càng chồng chất khi khoản nợ ngân hàng lên đến gần 30 tỷ đồng chưa thể trả.
Những ngày này, ông Hạnh đang tập trung hoàn thiện hồ sơ để được hưởng chính sách hỗ trợ của nhà nước. Tuy nhiên, trong khi phía ngân hàng tạo điều kiện hỗ trợ thì thủ tục lại vướng ở chính quyền địa phương.
“Ngân hàng cũng đề xuất doanh nghiệp làm hồ sơ để hỗ trợ lãi suất cho công ty. Nhưng về địa phương, người ta lại không nắm. Đồng ý là công ty làm xây dựng, bất động sản nhưng khi đề xuất để cho địa phương xác nhận. Nhưng để mà địa phương có xác nhận hay không thì lại phải nhờ can thiệp của lãnh đạo tỉnh hay ngân hàng, các cơ quan ban ngành”, ông Hạnh nói.
Khách hàng tha thiết, Ngân hàng tích cực, nhưng vướng ở chính quyền địa phương là thực trạng chung mà Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Bắc Đắk Lắk gặp phải trong quá trình triển khai hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Ông Bùi Đình Đức, Giám đốc chi nhánh cho biết, đơn vị có tổng dư nợ khoảng 9.000 tỷ đồng với khoảng 35.000 khách hàng. Bước đầu, Ngân hàng rà soát được khoảng 1.000 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng và tổng dự nợ bị ảnh hưởng bởi dịch khi thống kê xong có thể lên đến 5.000 tỷ đồng. Trong hồ sơ giải quyết chính sách hỗ trợ cho khách hàng cần xác nhận của chính quyền địa phương cấp cơ sở. Tuy nhiên, nhiều trường hợp chính quyền cấp xã, phường không đồng ý xác nhận, đồng nghĩa với việc khách hàng không được hỗ trợ. Theo ông Đức, để gỡ vướng mắc này, cần có sự chỉ đạo nhất quán của chính quyền từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã.
“Khách hàng bị ảnh hưởng thì ngân hàng sao không bị ảnh hưởng được. Cho nên, việc này chúng tôi đã có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương. Làm sao họ phải tích cực hơn nữa, cùng với ngân hàng xác nhận hồ vay vốn và đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ các doanh nghiệp trên toàn tỉnh”, ông Đức nói.
Ông Nguyễn Kim Cương, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đắk Lắk cho biết, ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước có thông tư 01, chi nhánh đã quyết liệt triển khai đến toàn hệ thống trên địa bàn. Việc triển khai hỗ trợ được thực hiện đồng bộ trên cả 3 mặt: gia hạn nợ, miễn giảm lãi vay và cho vay mới với lãi suất ưu đãi.
Thống kê đến cuối tháng 3, tổng dư nợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn là hơn 3.100 tỷ đồng. Trong đó, riêng các doanh nghiệp bị ảnh hưởng khoảng 2.100 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực nông lâm nghiệp, bất động sản, buôn bán lẻ, lưu trú, ăn uống, vận tải.
Con số này chưa phản ánh hết thực tế số dư nợ khách hàng là doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trên địa bàn. Trong khi đó, tình hình dịch được dự báo còn diễn biến phức tạp và kéo dài, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đắk Lắk sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại quyết liệt triển khai hỗ trợ khách hàng vừa đảm bảo kịp thời, vừa đảm bảo đúng đối tượng, tránh trục lợi chính sách.
“Bên cạnh việc triển khai chế độ, chính sách quán triệt thực hiện thật tốt các biện pháp thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đắk Lắk cũng sẽ triển khai kế hoạch kiểm tra, giám sát đến các tổ chức tín dụng. Để vừa thực hiện được mục tiêu hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, nhưng cũng tránh tình trạng nhân thực hiện các biện pháp này để trục lợi”, ông Cương cho hay.
Một chính sách hay, được cả doanh nghiệp và ngân hàng hưởng ứng nhưng quá trình thực hiện lại gặp vướng mắc khi chưa có sự thống nhất, đồng bộ với cấp chính quyền địa phương. Do đó, để chính sách có thể đi vào thực tế một cách sâu rộng, giúp doanh nghiệp ở địa phương vượt qua khó khăn, rất cần sự vào cuộc của chính quyền các cấp./.