Còn ý kiến khác nhau về bổ sung chức năng giám định tư pháp cho Viện kiểm sát

Sáng 10-1, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung thảo luận.

Theo báo cáo Về một số vấn đề lớn của dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp của Ủy ban Tư pháp do Chủ nhiệm Lê Thị Nga trình bày, dự luật do Chính phủ trình có bổ sung chức năng giám định tư pháp và quy định Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao là một trong các tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự. Cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Quốc hội có hai loại ý kiến, tán thành và đề nghị không bổ sung quy định này.

Ý kiến tán thành cho rằng, việc bổ sung quy định này là cần thiết, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu ngày càng tăng trong việc giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử thu thập được trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử.

 Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Ý kiến không tán thành lại cho rằng, Viện kiểm sát vừa thực hiện quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, vừa trực tiếp thực hiện giám định sẽ không đảm bảo tính khách quan và sẽ làm phát sinh bộ máy, biên chế. Do đó, cần bổ sung nhân lực, trang bị cho lực lượng hiện có để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mà không nên lập mới tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự.

Theo báo cáo, nhiều ý kiến của Thường trực Ủy ban Tư pháp và các cơ quan hữu quan, trong đó có Bộ Công an, cho rằng đây là vấn đề mới, đòi hỏi nguồn nhân lực có trình độ chuyên sâu, phải đầu tư khoản kinh phí lớn và đồng bộ về trang-thiết bị. Trong đó, giám định âm thanh chỉ là một trong 10 chuyên ngành kỹ thuật hình sự nên Chính phủ cần bổ sung đánh giá tác động, cung cấp số liệu… Vì vậy, nội dung này cần tiếp tục nghiên cứu và chưa đưa vào sửa đổi lần này.

Một số ý kiến của Thường trực Ủy ban Tư pháp và các cơ quan như Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tán thành với quy định như dự luật.

Phát biểu thêm về vấn đề này, Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Bùi Mạnh Cường nói, về lý luận, hiện nay, Luật Tổ chức các cơ quan điều tra hình sự quy định có 3 cơ quan điều tra chuyên trách của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Trong chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan điều tra có nhiệm vụ giám định và trưng cầu giám định, nhưng Luật Giám định tư pháp chỉ quy định về tổ chức giám định tư pháp công lập thuộc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chưa có tổ chức giám định công lập. Thực tiễn, Cơ quan điều tra thuộc Viện Kiểm sát phải thực hiện điều tra 38 tội danh, trong đó chủ yếu là các tội xâm phạm hoạt động tư pháp, liên quan đến cán bộ có chức vụ trong cơ quan tư pháp. Nguồn tin tố giác tội phạm chủ yếu do người bị hại gửi kèm theo băng hoặc file ghi âm cần giám định. Tuy nhiên, khi Cơ quan điều tra thuộc Viện Kiểm sát gửi file âm thanh đi giám định thì nhiều trường hợp kéo dài 3, 4, thậm chí là 5 tháng, trong khi thời hạn giải quyết tin báo tội phạm tối đa chỉ là 2 tháng. Ông Bùi Mạnh Cường khẳng định, việc quy định thêm chức năng giám định tư pháp cho Cơ quan điều tra thuộc Viện Kiểm sát sẽ không làm tăng biên chế do đang có Phòng Kỹ thuật hình sự, có thể tiếp nhận luôn nhiệm vụ này. Đồng thời, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có thể tự điều chỉnh kinh phí chi thường xuyên để đầu tư trang-thiết bị ban đầu trị giá chỉ khoảng 9,4 tỷ đồng, nên không làm tăng chi phí.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương khẳng định lại quan điểm của Bộ Công an không đồng tình với đề xuất nêu trên vì cho rằng chưa cần thiết. Thực tế, từ năm 2002 đến nay, Viện Khoa học hình sự mới tiếp nhận 42 vụ trưng cầu giám định âm thanh, 18 vụ trưng cầu giám định kỹ thuật số điện tử. Số vụ như vậy là không nhiều và Viện Khoa học hình sự cơ bản vẫn đáp ứng được yêu cầu. Hiện nay, nhiệm vụ giám định tư pháp về kỹ thuật hình sự vẫn do các cơ quan thuộc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng đảm nhiệm, nên nếu cần thiết và để bảo đảm khách quan thì có thể đề nghị Bộ Quốc phòng triển khai giám định về âm thanh, giám định kỹ thuật số điện tử. Năng lực của giám định kỹ thuật hình sự bên Bộ Quốc phòng có thể đáp ứng được yêu cầu này.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long bày tỏ quan điểm ủng hộ bổ sung chức năng giám định tư pháp trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự cho Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vì Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã có Phòng Kỹ thuật hình sự, giờ chỉ giao nhiệm vụ. Việc này cũng giúp có thêm tiếng nói để bảo đảm minh bạch, khách quan.

Trước ý kiến khác nhau, kết luận vấn đề này, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, do đây là nội dung mới được đề xuất bổ sung, nên Chính phủ và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cần có đánh giá tác động, có báo cáo giải trình giải thích rõ lý do cần thiết hay không cần thiết bổ sung. Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị UBTVQH vẫn để 2 phương án, đồng ý và không đồng ý với đề xuất của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để Quốc hội thảo luận, cho ý kiến.

* Cũng trong sáng 10-1, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án.

CHIẾN THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/con-y-kien-khac-nhau-ve-bo-sung-chuc-nang-giam-dinh-tu-phap-cho-vien-kiem-sat-607436