Công an giúp dân khắc phục thiệt hại trong trận mưa lụt lịch sử

Từ đêm 14/10, lực lượng Công an các tỉnh miền Trung đã tích cực hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại, khó khăn do cơn 'đại hồng thủy' gây ra.

Tại Thừa Thiên - Huế:

Sáng 15/10, các địa phương thấp trũng ở tỉnh Thừa Thiên-Huế vẫn đang ngập trong nước lũ do địa bàn tỉnh hứng chịu đợt mưa lớn kéo dài. Theo thống kê của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên-Huế, nước sông Hương, sông Bồ và các con sông trên địa bàn dâng cao, kết hợp lượng nước do các hồ chứa thủy lợi, thủy điện xả lũ đã làm 19.918 nhà ngập với độ sâu từ 0,3-0,8m. Nhà bà Nguyễn Thị Đào (ở thôn Nam Trung Phước, xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc) bị sập nhà do sạt lở đất.

Công an phường An Cựu, TP Huế ứng cứu, di dời người dân ở trong kiệt đường An Dương Vương.

Công an phường An Cựu, TP Huế ứng cứu, di dời người dân ở trong kiệt đường An Dương Vương.

CBCS Công an di dời người dân đến nơi an toàn.

CBCS Công an di dời người dân đến nơi an toàn.

Đoàn tàu SE7 đi từ Hà Nội vào đang dừng tại ga Huế do ảnh hưởng bởi mưa lũ, 183 hành khách trên tàu hiện vẫn an toàn trên tàu. Trên QL1A qua tỉnh Thừa Thiên-Huế có 6 điểm bị ngập, gồm các đoạn qua các xã Lộc Trì, Lộc Thủy (huyện Phú Lộc); Thủy Dương, Thủy Phương (thị xã Hương Thủy); đoạn Cống Bạc 1 (TP Huế).

Công an xã Phong Bình, huyện Phong Điền dùng ca nô đưa người dân đến nơi an toàn.

Công an xã Phong Bình, huyện Phong Điền dùng ca nô đưa người dân đến nơi an toàn.

Tại địa bàn TP Huế, trong sáng 15/10, mực nước sông Hương dâng cao trên báo động 3 đã gây ngập lụt diện rộng. Hơn 70% tuyến đường của 36 phường, xã đã bị ngập. Các tuyến đường khu vực Bắc sông Hương như Vạn Xuân, Chi Lăng, Bạch Đằng, Mai Thúc Loan... ngập bình quân 0,4-0,6m; các tuyến đường khu vực Nam sông Hương như Hùng Vương, Trường Chinh, Trần Quang Khải, Bến Nghé, Đống Đa... ngập từ 0,3-0,5m.

CBCS Công an hỗ trợ, giúp đỡ người dân vùng ngập lụt nặng di dời.

CBCS Công an hỗ trợ, giúp đỡ người dân vùng ngập lụt nặng di dời.

Công an TP Huế cho biết, sau khi nhận được tin báo nhà một số hộ dân tại kiệt 33 An Dương Vương, TP Huế bị ngập sâu, trong sáng 15/10, đơn vị đã triển khai lực lượng, sử dụng ghe, xuồng cứu hộ đến ứng cứu, di dời các hộ dân đến nơi an toàn.

Tại huyện Phong Điền, tuyến QL49B, các tuyến tỉnh lộ 17, 11B, 6, hệ thống đường liên thôn bị ngập từ 0,4-0,8m với tổng chiều dài khoảng 12km, thuộc địa bàn các xã Phong Hòa, Phong Bình, Điền Hương, Điền Môn, Phong An, Phong Xuân, Phong Mỹ, Phong Sơn, Phong Chương và thị trấn Phong Điền.

Đã có hàng nghìn người dân ở vùng ngập lụt được lực lượng Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế di dời đến nơi an toàn.

Đã có hàng nghìn người dân ở vùng ngập lụt được lực lượng Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế di dời đến nơi an toàn.

Tại huyện Phú Vang, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn bị ngập với độ sâu ngập trung bình từ 0,3-0,6m. Các tuyến tỉnh lộ 10A, 10C, 2, QL49A , tuyến đường nối tỉnh lộ 2 đến cầu Thảo Long ngập sâu trung bình 0,5-0,7m với tổng chiều dài hơn 8km. Tại thị xã Hương Trà, các tuyến đường trục chính, tuyến đường liên thôn, xóm tại hầu hết các xã, phường vùng đồng bằng Hương Toàn, Hương Xuân, Hương Văn… bị ngập sâu từ 0,5-0,7m làm chia cắt nhiều vùng.

Đến sáng 15/10, toàn tỉnh Thừa Thiên-Huế đã di dời 3.687 hộ dân, hơn 10.300 nhân khẩu ở vùng ngập lụt đến nơi an toàn.

Sáng 15/10, nhiều vùng thấp trũng ở TP Huế ngập chìm trong nước lũ.

Sáng 15/10, nhiều vùng thấp trũng ở TP Huế ngập chìm trong nước lũ.

Đại tá Nguyễn Đình Thừa, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, với phương châm “4 tại chỗ”, Công an tỉnh đã huy động lực lượng, nhất là lực lượng Công an cơ sở đóng tại các xã, phường để triển khai giúp người dân trong lũ lụt.

Cán bộ chiến sĩ Công an đã phối hợp với các đơn vị, chính quyền địa phương tổ chức di dời hàng nghìn người dân có nhà cửa bị ngập lụt đến nơi an toàn. Bên cạnh đó, tại các tuyến đường ngập sâu, lực lượng CSGT đã túc trực, lập rào chắn cảnh báo, cấm người dân và phương tiện lưu thông để đảm bảo an toàn.

Tại TP Đà Nẵng:

Sáng 15/10, báo cáo nhanh của UBND quận Sơn Trà cho biết, do ảnh hưởng của bão số 5, mưa lớn, nước lũ khiến hầu hết tuyến đường chính trên địa bàn quận ngập lụt, rất nhiều xe ô tô và xe máy chết máy nằm la liệt trên các tuyến đường. Riêng các tuyến đường lên bán đảo Sơn Trà đã lạt lở nghiêm trọng, từ đêm 14/10 các lực lượng chức năng, Công an đã kịp thời hướng dẫn du khách bị mắc kẹt đến chùa Linh Ứng để trú ẩn.

Theo ông Huỳnh Văn Hùng, Phó chủ tịch UBND quận Sơn Trà, đến 9h sáng 15/10, tuyến đường Lê Văn Lương (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) lực lượng chức năng đang khẩn trương dọn đất, đá, bùn trên bán đảo Sơn Trà tràn xuống mặt đường trên diện rộng gây khó khăn trong việc tham gia giao thông.

Số người đi trong xe qua thông tin đường dây nóng, UBND quận Sơn Trà, Đà Nẵng đã chỉ đạo UBND các phường ứng cứu kịp thời.

Sạt lở nghiêm trọng, làm chia cắt các tuyến đường lên núi Sơn Trà từ đêm 14 đến sáng 15/10.

Sạt lở nghiêm trọng, làm chia cắt các tuyến đường lên núi Sơn Trà từ đêm 14 đến sáng 15/10.

Hàng loạt đoạn đường lên núi Sơn Trà bị sạt lở nghiêm trọng do mưa lớn. Đặc biệt là khu vực bãi Nam của núi Sơn Trà sạt lở lớn, chia cắt nên lực lượng vẫn chưa thể tiếp cận khu vực này và có thống kê thiệt hại.

Trong đêm 14/10, do núi Sơn Trà nhiều đoạn từ tuyến đường từ Inter Continental về phường Thọ Quang có 9 người dân và du khách cùng phương tiện bị mắc kẹt do sạt lở núi đã được lực lượng cứu hộ kịp thời ứng cứu, đưa trú ẩn an toàn tại chùa Linh Ứng.

Cũng trong đêm, 224 người, 56 hộ dân tại Thọ Quang, Mân Thái bị ngập sâu và nguy cơ ảnh hưởng do sạt lở núi đã được sơ tán đến những điểm an toàn (trong đó khu vực phường Mân Thái có 122 người sơ tán tại chỗ). Đặc biệt, cống thoát nước đường Lê Văn Lương ra biển gần Miếu Đôi bị sụp 2 bên mố tạo thành hố sâu. Có 2 người tham gia giao thông bị tai nạn thiệt hại 2 xe máy nằm dưới cầu. Hiện lực lượng chức năng đã đặt biển cảnh báo nguy hiểm.

Lực lượng Công an quận Sơn Trà và các ngành chức năng lập rào chắn, giăng dây cảnh báo để đảm bảo tính mạng an toàn cho người dân và du khách.

Lực lượng Công an quận Sơn Trà và các ngành chức năng lập rào chắn, giăng dây cảnh báo để đảm bảo tính mạng an toàn cho người dân và du khách.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng về việc tổng dọn vệ sinh môi trường sau bão số 5, từ sáng sớm 15/10, UBND quận Sơn Trà đã huy động các lực lượng vũ trang trên địa bàn; các Hội đoàn thể phường ra quân tổng dọn vệ sinh môi trường trên các tuyến đường chính, các khu vực, địa điểm bị ảnh hưởng về môi trường do bão số 5 gây ra, cụ thể khu vực ven biển, các điểm thoát nước, các tuyến đường bị ngập úng, khu vực bị sạt lỡ và bị đất đá, bùn cát vùi lấp trên các tuyến đường, gây ách tắc an toàn giao thông trên địa bàn.

Trong sáng 15/10, Thành ủy Đà Nẵng tổ chức cuộc họp triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 5, mưa lũ tại địa phương. Đại tá Phan Văn Dũng, Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng thông tin, đã có 4 người tử vong do mưa lũ tối qua.

Tại tỉnh Quảng Trị:

Sáng 15/10, anh T.V.H (SN 2004, trú thôn 6, xã Gio Hải, huyện Gio Linh) đang điều khiển xe máy lưu thông trên đường trên Võ Nguyên Giáp qua thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh, không may bị đường trơn cộng với mưa lớn làm mất lái khiến anh H lao thẳng cả xe lẫn người xuống một cống nước đang chảy xiết ở đó.

Rất may, người dân sinh sống hai bên đường phát hiện vụ việc, nhanh chóng thông tin cho các đơn vị Công an đến phối hợp, ứng cứu kịp thời. Tuy nhiên, khi nạn nhân được cứu khỏi dòng nước chảy xiết, đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng bị gãy chân, thì anh này không nhớ được là đi một mình hay chở theo người khác.

Hiện trường anh H bị rơi xuống cống nước đang chảy xiết.

Hiện trường anh H bị rơi xuống cống nước đang chảy xiết.

Lực lượng Công an kịp thời có mặt đưa nạn nhân đi cấp, phân luồng giao thông.

Lực lượng Công an kịp thời có mặt đưa nạn nhân đi cấp, phân luồng giao thông.

Do đó, các đơn vị Công an trên địa bàn đã khẩn trương phối hợp Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Quảng Trị điều động lực lượng, phương thiết bị chuyên dụng đến tổ chức tìm kiếm người mất tích. Đến buổi trưa cùng ngày, khi anh H đã tĩnh và nhớ lại thì anh chỉ điều khiển xe máy một mình, do đó các đơn vị đã thu hồi lực lượng và sẵn sàng cho công tác di dời, ứng cứu người dân ở những địa bàn đang có nguy cơ cao bị ngập lụt.

Các lực lượng tìm kiếm do nhận định có người mất tích.

Các lực lượng tìm kiếm do nhận định có người mất tích.

Thông tin từ Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Quảng Trị cho biết, hiện tại nhiều nơi ở địa phương đang có mưa to đến rất to; mực nước trên nhiều con sông đang ở mức báo động 3, nguy cơ gây ngập lụt nhiều vùng ở hạ du và lũ quét, lũ ống trên địa bàn các huyện miền núi, khu vực trung du.

Đáng chú ý, tại địa bàn huyện miền núi Đakrông, mưa lũ đã làm chia cắt nhiều điểm ở các tuyến đường cụ thể: Tuyến đường Hồ Chí Minh bị chia cắt 2 điểm ở Km 265, Km 273 với mực nước ngập khoảng 0,5-1m; tuyến đường 588A bị chia cắt tại ngầm tràn Ba Lòng ngập sâu trên 3m.

Ba Lòng bị mưa lũ chia cắt hoàn toàn.

Ba Lòng bị mưa lũ chia cắt hoàn toàn.

Tuyến đường quốc lộ 15D bị chia cắt cầu tràn A Ngo - A Bung; ngầm tràn Tà Rụt - A Ngo, A Rồng Trên, A Đeng xã A Ngo; ngầm tràn Ly Tôn xã Tà Long; cầu tràn La Tó, Húc Nghì xã Húc Nghì; cầu Chân Rò xã Đakrông; cầu tràn Đá Đỏ xã Ba Nang đều bị ngập sâu từ 0,5- 2,5m.

Cầu tràn Húc Nghì bị ngập sâu không thể đi lại được.

Cầu tràn Húc Nghì bị ngập sâu không thể đi lại được.

Tại địa bàn huyện miền núi Hướng Hóa, ngầm tràn Bản 2, Bản 3, Bản Giai, Úp Ly 2, Bản 1 (cũ) xã Thuận; cầu tràn Xa Doan, xã A Dơi; cầu tràn thôn Thanh 1, Bản 10 xã Thanh; cầu tràn thôn A Xóc - Lìa xã Lìa; cầu tràn thôn Ván - Ry xã Húc; cầu tràn thôn Cha Lỳ xã Hướng Lập; cầu tràn thôn Loa xã Ba Tầng cũng bị ngập sâu từ 1-2m, gây chia cắt nhiều thôn bản.

Tại huyện vùng trũng Hải Lăng, hiện các tuyến đường thôn xóm của các xã Hải Phong, Hải Sơn đang bị ngập sâu, có nơi ngập trên 1,5m.

Quốc lộ 1 qua thị xã Quảng Trị cũng đang bị ngập.

Quốc lộ 1 qua thị xã Quảng Trị cũng đang bị ngập.

Đại tá Lê Phương Nam, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị cho biết, trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, Công an tỉnh, Công an các đơn vị địa phương trong tỉnh tiếp tục cắt cử, điều động CBCS trực 24/24h tại các địa bàn, sẵn sàng ứng cứu, di dời, đảm bảo an toàn tính mạng người dân.

Công an thị trấn Lao Bảo (Hướng Hóa, Quảng Trị) nhắc nhở người dân không được ra sông đánh bắt cá do mưa lũ đang diễn biến phức tạp.

Công an thị trấn Lao Bảo (Hướng Hóa, Quảng Trị) nhắc nhở người dân không được ra sông đánh bắt cá do mưa lũ đang diễn biến phức tạp.

Tích cực phối hợp các lực lượng chức năng, tại chỗ để bảo vệ tài sản cho người dân và nhà nước, tránh bị mất cắp, thiệt hại do mưa lũ gây ra. Đến trưa 15/10, toàn lực lượng đã phối hợp di dời được gần 1.000 hộ dân, chủ yếu ở các địa bàn thấp trũng và sườn núi có nguy cơ cao xảy ra ngập lũ, lũ quét, lũ ống và sạt lở đất, đá.

Ngày 15/10, khi mưa giảm, các địa phương và ngành chức năng tại tỉnh Quảng Nam đã tập trung nhân lực, phương tiện để nhanh chóng khắc phục tình trạng sạt lở trên các tuyến đường, đảm bảo giao thông thông suốt sau mưa lũ.

Tại Quảng Nam:

UBND huyện vùng cao Nam Trà My và các đơn vị chức năng đã triển khai công tác giải phóng điểm sạt lở đất tại thôn 3, xã Trà Cang, gây ách tắc giao thông trên tuyến ĐH3 nhằm sớm khai thông tuyến đường này, phục vụ đi lại và giao thương hàng hóa của người dân.

Phương tiện cơ giới được huy động để khắc phục tình trạng sạt lở gây chia cắt trên tuyến ĐH3, xã Trà Cang, huyện Nam Trà My.

Phương tiện cơ giới được huy động để khắc phục tình trạng sạt lở gây chia cắt trên tuyến ĐH3, xã Trà Cang, huyện Nam Trà My.

Tuy nhiên, do điểm sạt trượt dài trên 30m, khối lượng đất, đá lớn nên việc giải phóng sạt lở gặp nhiều khó khăn. Các đơn vị liên quan đang cố gắng để trong ngày 16/10 có thể thông đường.

Tại các tuyến đường khác bị ách tắc giao thông do sạt lở, các đơn vị chức năng cũng đang nỗ lực triển khai công tác khắc phục. Theo Sở GTVT tỉnh Quảng Nam, các điểm sạt lở gây ách tắc giao thông trên tuyến QL14B và QL14D đang được khẩn trương khắc phục. Cụ thể, tập trung khắc phục điểm xói lở 1/2 mố cầu Suối Mơ trên QL14B đoạn qua xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc và sạt lở ta luy dương trên QL14B đoạn qua thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang; khắc phục sạt lở ta luy dương trên QL14D thuộc xã La Dê, huyện Nam Giang. Dự kiến thông xe bước 1 tại các vị trí sạt lở này trong ngày 15/10.

Trong khi đó, tại các vùng “rốn lũ” còn bị ngập sâu, chia cắt, các vị trí sạt lở gây tắc đường chưa được khắc phục, lực lượng Công an vẫn tiếp tục tổ chức rào chắn, ngăn không cho người và phương tiện qua lại để đảm bảo an toàn.

Công an xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc tổ chức chốt chặn tại vị trí ngập sâu trên tuyến ĐT609C.

Công an xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc tổ chức chốt chặn tại vị trí ngập sâu trên tuyến ĐT609C.

Công an huyện Tây Giang ứng trực tại điểm sạt lở trên tuyến ĐT606 bị sạt lở.

Công an huyện Tây Giang ứng trực tại điểm sạt lở trên tuyến ĐT606 bị sạt lở.

Theo dự báo, trong chiều 15/10, mực nước trên sông Vu Gia tiếp tục lên và đạt đỉnh sau đó xuống chậm. Mực nước sông Vu Gia tại Ái Nghĩa đạt đỉnh ở mức 9,15m, trên báo động III 0,15m; trên sông Thu Bồn tiếp tục lên ở mức trên báo động II sau đó xuống chậm.

Cảnh báo nguy cơ cao xảy ra ngập úng, ngập lụt tại hạ lưu các sông và những vùng trũng thấp, ven sông suối tại TP Hội An, thị xã Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Thăng Bình; nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi; ngập lụt sâu trên diện rộng tại hạ lưu các sông Vu Gia, Thu Bồn, giao thông chia cắt tại các vùng trũng, thấp hạ lưu các sông.

Hoài Thu - Anh Khoa - Phan Bình - Ngọc Thi

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/cong-an-giup-dan-khac-phuc-thiet-hai-trong-tran-mua-lut-lich-su-i671021/