Công an Hà Nội ký kết Quy chế phối hợp giữa các ngành Nội chính

Chiều 30/6, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Thành ủy tổ chức Hội nghị giao ban đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tiếp theo và tổ chức ký kết các quy chế phối hợp giữa các cơ quan thành phố trong lĩnh vực tư pháp...

100% văn bản ban hành đúng thẩm quyền, hợp hiến và hợp pháp

Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Thành ủy Hà Nội chủ trì hội nghị.

Cùng dự hội nghị có các đồng chí Nguyễn Quang Đức - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nội chính Thành ủy, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Lê Hồng Sơn - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội, Phó trưởng Ban Chỉ đạo; Hoàng Trọng Quyết - Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy; Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an TP Hà Nội; đại diện lãnh đạo HĐND thành phố và các đồng chí lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố...

Hội nghị Giao ban Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Hà Nội

Hội nghị Giao ban Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Hà Nội

Trong 6 tháng đầu năm 2023, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp (CCTP) Thành ủy, Ban chỉ đạo CCTP các quận, huyện, thị ủy và các đơn vị trong thành phố đã kịp thời, thường xuyên, phát huy hiệu quả thiết thực. Các cấp, các ngành đã tập trung chỉ đạo, bám sát chương trình công tác năm 2023.

Nổi bật, 100% văn bản của thành phố được ban hành đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và thống nhất với quy định của hệ thống pháp luật; hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật được triển khai sâu, rộng, bám sát các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đạt được nhiều kết quả tích cực;

Công tác cải cách hành chính của các Cơ quan tư pháp thành phố được đẩy mạnh; việc lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật và soạn thảo dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) triển khai đúng tiến độ, chất lượng và hiệu quả; công tác điều tra, truy tố, xét xử được thực hiện nghiêm, đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra việc kết án oan người vô tội và bỏ lọt tội phạm;

Chất lượng hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng tiếp tục có những chuyển biến tích cực; nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã được TAND TP khẩn trương nghiên cứu hồ sơ đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh đáp ứng yêu cầu chính trị của địa phương, được dư luận đồng tình ủng hộ;

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo CCTP Thành ủy Hà Nội - đồng chí Nguyễn Thị Tuyến phát biểu chỉ đạo.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo CCTP Thành ủy Hà Nội - đồng chí Nguyễn Thị Tuyến phát biểu chỉ đạo.

Việc tổ chức Thi hành án dân sự liên quan đến hình sự về kinh tế, tham nhũng, án tín dụng ngân hàng, vụ việc có giá trị thi hành lớn được quan tâm chỉ đạo quyết liệt; UBND các cấp thành phố đã quan tâm bố trí, hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các cơ quan tư pháp...

Phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra, xử lý kịp thời các loại tội phạm

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo CCTP Thành ủy Hà Nội - Nguyễn Thị Tuyến ghi nhận và đánh giá cao kết quả của các cấp, các ngành đạt được trong thời gian qua.

Trong thời gian từ nay đến hết năm 2023, đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp, các ngành tập trung vào 7 nhiệm vụ trọng tâm đã được Ban chỉ đạo CCTP thống nhất.

Đó là, tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng; chính sách, quy định của Nhà nước liên quan đến hoạt động tư pháp và cải cách tư pháp;

Tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ theo sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực; đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo …

Tiếp đến, các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố tiếp tục phối hợp với Bộ Tư pháp nghiên cứu, đề xuất chính sách lập hồ sơ đề nghị và xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); chỉ đạo thực hiện Đề án Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật của thành phố;

Chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực tư pháp, bổ trợ tư pháp để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm những vi phạm; Tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch “Hệ thống trụ sở làm việc của các cơ quan Tư pháp Thành phố đến năm 2030 và tầm nhìn 2050".

Thứ ba, thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội về phòng, chống tội phạm; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp. Tăng cường các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra, xử lý kịp thời, có hiệu quả các loại tội phạm và vi phạm pháp luật khác;

Các cơ quan tư pháp hai cấp thành phố tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, không để xảy ra oan sai, không để lọt tội phạm. Đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án trọng điểm.

Thứ tư, thực hiện nghiêm cơ chế lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp trong việc chỉ đạo giải quyết những vụ án, vụ việc theo quy định tại Chỉ thị số 26-CT/TW, ngày 09/11/2018 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 04-HD/TW, ngày 09/12/2020 của Ban Bí thư.

Tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; kiện toàn tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 39-NQ/TW. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính của các cơ quan tư pháp 02 cấp Thành phố. Xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp Thủ đô trong sạch, vững mạnh đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.

Các đồng chí lãnh đạo Công an TP Hà Nội cùng lãnh đạo Viện kiểm sát và lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội ký kết Quy chế phối hợp.

Các đồng chí lãnh đạo Công an TP Hà Nội cùng lãnh đạo Viện kiểm sát và lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội ký kết Quy chế phối hợp.

Công an thành phố chủ trì, xây dựng Quy chế phối hợp giữa các ngành nội chính thành phố trong công tác tiếp nhận, xử lý vật chứng để có hướng giải quyết, xử lý dứt điểm, không để vật chứng tồn đọng kéo dài.

Thứ bảy, các cơ quan, đơn vị tham gia ký kết 3 quy chế phối hợp khẩn trương tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện ở hai cấp trong thành phố, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, thực chất. Hàng năm, tổ chức đánh giá kết quả công tác phối hợp, chỉ ra những tồn tại, hạn chế để đề ra nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.

Tiếp nối và tăng cường phối hợp tư pháp, pháp y hình sự

Tại hội nghị, dưới sự chứng kiến của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo CCTP Thành ủy Hà Nội - Nguyễn Thị Tuyến cùng các ban, ngành của Hà Nội đã ký kết các quy chế phối hợp trong công tác tư pháp và bổ trợ tư pháp.

Đó là, Quy chế phối hợp giữa Viện kiểm sát - Công an - Tòa án - Thanh tra - Sở Xây dựng - Sở Tài nguyên và môi trường - Cục Hải quan - Cục Thuế - Cục Quản lý thị trường - Chi cục Kiểm lâm TP Hà Nội trong việc cung cấp, trao đổi thông tin tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Quy chế phối hợp giữa Công an - Viện Kiểm sát - Sở Y tế TP Hà Nội trong công tác giám định tư pháp về pháp y hình sự.

Quy chế phối hợp giữa Viện Kiểm sát - Tòa án Nhân dân TP Hà Nội phối hợp trong công tác giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/cong-an-ha-noi-ky-ket-quy-che-phoi-hop-giua-cac-nganh-noi-chinh-post544454.antd