Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: 'Công an ta là Công an Nhân dân, vì nhân dân mà phục vụ và dựa vào dân mà làm việc', trong suốt chặng đường vẻ vang 74 năm qua, kể từ ngày thành lập lực lượng (19-8-1945 – 19-8-2019), mỗi cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân dù ở cương vị công tác nào, dù thời chiến hay thời bình, cũng luôn luôn nỗ lực rèn luyện, thi đua lập công, chấp nhận hy sinh gian khổ, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thiếu tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an tỉnh thăm gia đình chính sách trên địa bàn huyện Nông Cống.
Trong những ngày tháng 8 này, cùng với các cấp, các ngành và nhân dân cả nước hướng về đồng bào các huyện miền núi bị thiệt hại do lũ lụt với nhiều cảm thông và sẻ chia sâu sắc, lực lượng Công an Thanh Hóa bằng tình cảm, trách nhiệm và những việc làm cụ thể của mình, đã và đang góp phần chung tay xoa dịu bớt nỗi đau, mất mát của người dân, để lại những hình ảnh đẹp, giàu tính nhân văn trong lòng người dân nơi vùng lũ.
Rạng sáng 3-8 vừa qua, nước lũ cuồn cuộn từ thượng nguồn đổ về khiến nhiều huyện miền núi phía Tây của tỉnh chìm trong biển nước. Con suối Son ở bản Sa Ná thuộc xã Na Mèo, huyện Quan Sơn ngày thường vốn dĩ thơ mộng bỗng chốc nổi cơn “cuồng nộ” cuốn phăng mọi thứ trên đường đi từ nhà cửa, đường sá, kênh mương và những người dân xấu số. Mưa lũ đã khiến nhiều bản làng vùng cao trên địa bàn các huyện Quan Sơn, Mường Lát bị cô lập.
Cán bộ, chiến sĩ Công an Thanh Hóa tìm kiếm, cứu nạn, giúp nhân dân trong mưa lũ tại Quan Sơn
Có mặt ngay từ lúc xảy ra mưa lũ, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Công an Thanh Hóa mà nòng cốt là công an các huyện Quan Sơn, Mường Lát, lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã huy động lực lượng, phương tiện phối hợp lực lượng tại chỗ, cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương sử dụng mô tô nước tổ chức tìm kiếm, cứu nạn và giúp dân sơ tán, di dời tài sản từ khu vực nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn. Nhiều CBCS đã không quản hiểm nguy, sau nhiều giờ vật lộn với mưa lũ để cứu người và sơ tán tài sản cho nhân dân đã không kịp nghỉ ngơi vội lao vào giúp nhân dân, nhất là các gia đình bị thiệt hại khôi phục lại nhà cửa, dọn dẹp vệ sinh môi trường, nhanh chóng ổn định cuộc sống.
Các lực lượng của Công an Thanh Hóa tìm kiếm, cứu nạn, giúp nhân dân trong mưa lũ tại Quan Sơn
Thượng tá Hoàng Chí Đăng, Trưởng Công an huyện Quan Sơn, cho biết: Công an huyện đã thành lập 16 tổ công tác trực tiếp đến 16/17 bản của xã Na Mèo (1 bản do lực lượng quân đội đảm nhiệm) để cùng với bà con dân bản nắm tình hình và giúp dân khắc phục hậu quả do mưa lũ. Sau khi nước rút, lực lượng công an huyện đã cùng với các lực lượng chức năng tiếp tục tìm kiếm những người mất tích.
Trong mưa lũ, nhiều CBCS công an đã không quản hiểm nguy, nỗ lực cứu người, cứu tài sản cho nhân dân. Tiêu biểu như tấm gương dũng cảm của đồng chí Thao Văn Súa, Trưởng Công an xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát đã bất chấp mưa lũ đến từng nhà vừa tuyên truyền, vận động, vừa trực tiếp tham gia sơ tán người và di dời tài sản của nghiều người dân trong bản đến nhà văn hóa và Trường Tiểu học Nhi Sơn để tránh trú. Trong một đợt đi tuyên truyền như vậy, anh đã bị lũ tràn về cuốn trôi và bị đất đá sạt lở vùi lấp, hy sinh khi làm nhiệm vụ.
Không chỉ giúp dân trong mưa lũ, CBCS Công an Thanh Hóa còn được người dân trân trọng bởi những việc làm trách nhiệm và nghĩa tình. Với phương châm “Gần dân, trọng dân, hiểu dân, học dân và giúp dân”, từ đầu năm 2019 đến nay, cùng với việc tăng cường cải cách hành chính, đơn giản các thủ tục giải quyết và cấp thẻ căn cước cho công dân tại trụ sở công an, phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội và công an 27/27 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã tổ chức làm thêm ngày thứ 7, chủ nhật tình nguyện, trực tiếp xuống địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa, các trung tâm bảo trợ, bệnh viện và nhà dân để làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân lưu động cho nhân dân, nhất là số người già, tàn tật, neo đơn, gia đình chính sách và bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại bệnh viện trên địa bàn tỉnh. Chỉ riêng từ tháng 7-2019 đến nay, các đơn vị công an trong tỉnh đã đồng loạt ra quân, hướng về cơ sở làm thủ tục cấp thẻ căn cước lưu động cho khoảng hơn 3 nghìn trường hợp. Tiêu biểu như Công an huyện Yên Định đã tổ chức làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân cho hơn 200 người cao tuổi ở xã Yên Phú; Công an huyện Như Thanh đã giải quyết thủ tục cho 120 trường hợp là người già, mẹ liệt sĩ, thương, bệnh binh, người tàn tật trên địa bàn xã Thanh Kỳ... Việc đến tận nhà và tận giường để làm thủ tục cấp thẻ căn cước cho công dân của lực lượng Công an Thanh Hóa không chỉ thể hiện sự sẻ chia, trách nhiệm, gắn bó giữa quần chúng nhân dân với lực lượng công an mà còn góp phần “Xây dựng hình ảnh người CBCS Công an Thanh Hóa bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ, đẹp trong lòng dân”, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân gửi thư khen ngợi.
Công an huyện Như Xuân làm căn cước cho nhân dân
Hướng về cơ sở là một trong những nội dung công tác trọng tâm, xuyên suốt của Công an tỉnh trong năm 2019 nhằm thực hiện tốt mục tiêu giữ vững sự ổn định về an ninh trật tự (ANTT) ngay từ cơ sở. Để cụ thể hóa chủ trương này, Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh đã phát động CBCS trong toàn lực lượng phong trào thi đua đặc biệt với chủ đề: “Bản lĩnh vững vàng, phẩm chất trong sáng, giữ kỷ cương phép nước; phấn đấu hết mình, sẵn sàng hy sinh, vì nhân dân phục vụ”. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị, lực lượng công an trong tỉnh tập trung triển khai đồng bộ các mặt công tác nghiệp vụ cơ bản, tăng cường hàng nghìn lượt cán bộ xuống cơ sở, đến tận các bản làng vùng cao, biên giới làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đảm bảo vững chắc an ninh biên giới và vùng miền núi, dân tộc. Chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện và tham mưu đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả hoạt động tuyên truyền thành lập “Nhà nước Mông” ở các huyện miền núi, biên giới; điều tra làm rõ và bắt giữ đối tượng Phạm Văn Điệp, ở phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn về hành vi “Làm, tàng trữ, phát tán, hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; triệt xóa đường dây lừa đảo xuất khẩu lao động sang Nhật Bản, bắt giữ 4 đối tượng gồm Nhữ Thị Nhàn (sinh năm 1990), ở huyện Như Thanh; Phạm Tuấn Anh (sinh năm 1985), ở tỉnh Hải Dương; Hoàng Thị Hương (sinh năm 1982) và Ngô Hồng Sơn (sinh năm 1977), quê quán đều ở tỉnh Nghệ An.
Trên lĩnh vực đấu tranh phòng chống tội phạm, đã đấu tranh triệt xóa 26 băng, nhóm tội phạm; bắt, khởi tố 198 đối tượng. Điều tra làm rõ 753 vụ, 1.610 đối tượng phạm tội về trật tự xã hội (đạt tỷ lệ 81,5%); án đặc biệt nghiêm trọng đạt 97,5%. Trong đó, đã điều tra, khám phá nhiều chuyên án lớn điển hình trong toàn quốc về tín dụng đen được Chính phủ, Bộ Công an, cấp ủy, chính quyền và nhân dân biểu dương, khen ngợi, như: Chuyên án 018T triệt xóa băng nhóm tội phạm núp dưới danh nghĩa Công ty tài chính Nam Long có hành vi bắt giữ người trái pháp luật, cho vay lãi nặng; cố ý gây thương tích, làm nhục người khác, hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước; chuyên án 219V bắt 18 đối tượng liên quan đến Công ty dịch vụ tài chính Tín Nghĩa chuyên cho vay lãi nặng; triệt xóa băng nhóm tội phạm do Nguyễn Anh Tuấn (Tuấn thần đèn) cầm đầu, bắt giam 13 đối tượng... Bắt, vận động đầu thú 109 đối tượng truy nã (trong đó có 40 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm). Khởi tố 343 vụ, 442 bị can phạm tội về ma túy; thu giữ gần 2 kg hêrôin, hơn 25 kg và hơn 44.800 viên ma túy tổng hợp; điều tra, khởi tố 29 vụ, 59 bị can phạm tội về kinh tế, buôn lậu và tham nhũng...
Trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, từ ngày 1-7-2019 đến nay, lực lượng cảnh sát giao thông Công an tỉnh đã đồng loạt ra quân thực hiện kế hoạch cao điểm tuyên truyền và tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về tải trọng, kích thước thùng hàng, nồng độ cồn và mũ bảo hiểm. Sau gần 2 tháng ra quân, lực lượng cảnh sát giao thông đã xử lý 13.100 trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 21 tỷ đồng, tạm giữ 2.073 phương tiện, tước giấy phép lái xe 1.257 trường hợp. Trong đó, xử phạt 1.112 trường hợp xe quá tải trọng, phạt tiền hơn 9 tỷ đồng; 772 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, phạt tiền hơn 2,5 tỷ đồng; 4.650 trường hợp vi phạm về mũ bảo hiểm, phạt tiền hơn 700 triệu đồng.
Với những thành tích, kết quả đã đạt được, từ đầu năm 2019 đến nay, toàn lực lượng Công an Thanh Hóa có hơn 200 lượt tập thể, cá nhân được tặng Huân chương, Bằng khen của Chính phủ, Bộ Công an, UBND tỉnh; 575 lượt tập thể, cá nhân được Giám đốc Công an tỉnh tặng Giấy khen.