Công bố báo cáo thí điểm 'Sáng kiến minh bạch trong công nghiệp khai khoáng' tại Quảng Trị

Sáng nay 16/12/2020, Hội đồng tư vấn giám sát Sáng kiến minh bạch trong công nghiệp khai khoáng (EITI) tỉnh phối hợp Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh tổ chức hội nghị công bố kết quả tình hình thực hiện thí điểm đề án EITI tại Quảng Trị. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Trần Huy dự hội nghị.

 Đại biểu tham gia ý kiến đóng góp vào kết quả thực hiên thí điểm đề án EITI tại Quảng Trị - Ảnh: L.T

Đại biểu tham gia ý kiến đóng góp vào kết quả thực hiên thí điểm đề án EITI tại Quảng Trị - Ảnh: L.T

Số thu từ khoáng sản “vênh” nhau

Tỉnh Quảng Trị có khoảng 220 mỏ, khu mỏ khoáng sản và điểm quặng thuộc các loại khoáng sản kim loại, khoáng chất công nghiệp, vật liệu xây dựng và nước khoáng, nước nóng. Tại thời điểm giám sát của đề án EITI vào tháng 6/2020, toàn tỉnh có 31 giấy phép khai thác khoáng sản đang có hiệu lực, trong đó có 22/31 giấy phép đang hoạt động, các giấy phép còn lại đang tạm dừng khai thác hoặc chưa khai thác do chưa được cấp thẩm quyền cho thuê đất hoặc chưa tạo được sự đồng thuận của người dân.

EITI là tiêu chuẩn toàn cầu nhằm thúc đẩy tính minh bạch nguồn thu và trách nhiệm trong ngành khai thác khoáng sản. Sáng kiến này được giới thiệu tại Việt Nam vào năm 2005. Đề án thí điểm EITI tại Quảng Trị được Thường trực HĐND tỉnh thông qua bằng Quyết định 286/QĐ-HĐND ngày 4/10/2020 thành lập Hội đồng tư vấn giám sát thí điểm thực hiện EITI tại Quảng Trị. Kết quả áp dụng thí điểm đề án EITI cho thấy có sự khác biệt về kết quả đối chiếu theo giấy phép khai thác còn hiệu lực giữa các đơn vị quản lý. Báo cáo của ngành thuế cho thấy trong 28 doanh nghiệp kê khai nộp thuế chỉ có 20 doanh nghiệp có kê khai với Sở Tài nguyên và Môi trường. Kết quả thu ngân sách từ hoạt động khai thác khoáng sản của 3 đơn vị cũng có sự khác biệt.

Tổng thu ngân sách nhà nước từ khoáng sản theo số liệu của Cục Thuế trên 56,5 tỉ đồng, trong khi số liệu của Sở Tài chính trên 40,45 tỉ đồng; Sở Tài nguyên và Môi trường trên 79 tỉ đồng. Một số doanh nghiệp khai báo thuế không chính xác, nhất là các doanh nghiệp nộp thuế theo hình thức khoán doanh thu…Những vấn đề trên cho thấy cần đánh giá thêm về sự phối hợp của các đơn vị quản lý trong chỉ đạo, kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản; cần có sự nghiên cứu, kiểm tra lại các biểu mẫu thu thập thông tin hoặc có hướng dẫn cụ thể cho các đơn vị về biểu mẫu.

Kiến nghị kéo dài thí điểm đề án EITI

Trao đổi tại hội nghị, thành viên Hội đồng tư vấn giám sát EITI tỉnh cho rằng quá trình triển khai thí điểm đề án gặp một số khó khăn, hạn chế do các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn thực hiện công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên, khoáng sản thường xuyên thay đổi, một số điểm còn chồng chéo nên ảnh hưởng đến công tác tổ chức thẩm định, phê duyệt, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện ở các cơ sở khai thác khoáng sản. Quảng Trị chưa có hệ thống kết nối chung, làm đầu mối giữa các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan thuế nên theo dõi số liệu thu về thuế khai khoáng và phí bảo vệ môi trường khai thác khoáng sản giữa các cơ quan quản lý nhà nước chưa thống nhất.

Báo cáo của một số doanh nghiệp khai thác khoáng sản chưa kịp thời, không đầy đủ thông tin. Thời gian thực hiện thí điểm đề án ngắn nên quá trình triển khai thu thập khảo sát, phân tích, đánh giá thông tin chưa tạo được sự kết nối giữa các thành viên; thời gian thu thập thông tin, xử lý phân tích đánh giá số liệu, viết báo cáo bị gián đoạn bởi 2 lần giãn cách xã hội phòng, chống COVID-19 và ảnh hưởng của thiên tai; đội ngũ làm công tác phân tích đánh giá chưa có nhiều kinh nghiệm trên lĩnh vực EITI… Từ đó kiến nghị các nhà tài trợ tiếp tục hỗ trợ kinh phí và kỹ thuật để hoàn chỉnh đề án, quy trình và hệ thống biểu mẫu trong khoảng thời gian từ tháng 1/2020 –3/2021. Sau đó, tiếp tục kéo dài thực hiện thí điểm đề án EITI tại tỉnh Quảng Trị đến năm 2025.

Lâm Thanh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=82&modid=445&itemid=154057