Công bố đề án bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài ở Bình Dương

Sáng 9-10, UBND TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) đã tổ chức Lễ công bố đề án ' Bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp với du lịch thuộc địa bàn TP Thủ Dầu Một'.

Sáng 9-10, UBND TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) đã tổ chức Lễ công bố đề án “ Bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp với du lịch thuộc địa bàn TP Thủ Dầu Một”.

Đề án được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt nhằm mục tiêu xây dựng các dự án và các giải pháp chi tiết về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kết hợp các hoạt động phong phú, đa dạng ngành du lịch; tạo điều kiện tốt nhất cho làng nghề được bảo tồn, ổn định; đồng thời hỗ trợ sự gắn kết, liên kết giữa các cơ sở sản xuất sơn mài ở phường Tương Bình Hiệp, TP Thủ Dầu Một.

Bên cạnh đó, đề án cũng tạo điều kiện hỗ trợ nguồn vốn, đầu tư thiết bị mới bảo đảm môi trường khi sản xuất; phối hợp đào tạo nghề để bổ sung nguồn lao động giúp sản xuất được duy trì, góp phần nâng cao đời sống, kinh tế khu vực làng nghề nói riêng và TP Thủ Dầu Một nói chung.

Tổng kinh phí thực hiện đề án là 105 tỷ đồng và được phân kỳ đầu tư thực hiện trong bốn năm; trong đó nguồn vốn ngân sách 70 tỷ đồng và vốn xã hội hóa 35 tỷ đồng. Trên diện tích gần 6 ha, đề án sẽ xây dựng được khu làng nghề sơn mài tập trung với đầy đủ cơ sở tạ tầng tại phường Tương Bình Hiệp, hệ thống xử lý nước thải, khu sản xuất tập trung, trưng bày sản phẩm, nhà thờ tổ, cổng chào làng nghề, dịch vụ du lịch.

Phát biểu tại lễ công bố, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng cho biết: Làng nghề sơn mài ở Tương Bình Hiệp được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2016. Việc đề án được công bố và triển khai thực hiện sẽ góp phần giữ gìn, bảo tồn, duy trì hoạt động ổn định và phát triển làng nghề sơn mài; giải quyết tốt công ăn việc làm, đào tạo nguồn nhân lực.

Đề án cũng tạo sự khuyến khích việc tạo sản phẩm mang bản sắc văn hóa, đậm đà chất dân tộc kết hợp với sự sáng tạo áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng giúp sản phẩm tiểu thủ công nghiệp tạo uy tín, có chỗ đứng trên thị trường; đồng thời kết hợp các loại hình du lịch với đặc thù địa phương nhằm giúp làng nghề phát triển ổn định, bền vững.

TRỊNH BÌNH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-kinh-te/cong-bo-de-an-bao-ton-va-phat-trien-lang-nghe-son-mai-o-binh-duong-619737/